Chính sách chưa theo kịp yêu cầu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại tọa đàm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại tọa đàm

Chính sách nhà giáo chưa theo kịp yêu cầu đặt ra với vai trò nhà giáo

Vai trò của nhà giáo với tư cách là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục là điều không còn phải bàn cãi. Điều này cũng đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục. Nó kéo theo những yêu cầu tương ứng trong chính sách nhà giáo. Tuy nhiên, qua đóng góp ý kiến tại nhiều hội thảo, có thể thấy chính sách nhà giáo đã không theo kịp yêu cầu đặt ra đối với vai trò của nhà giáo.

Nói về bất cập trong chính sách nhà giáo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng, cái khó của bài toán xây dựng chính sách nhà giáo là tìm mối quan hệ cân bằng giữa một bên là những gì mà Nhà nước và xã hội yêu cầu họ với một bên là những gì mà Nhà nước và xã hội cần và có thể đem lại cho họ. Về nguyên tắc, các nhà hoạch định chính sách phải bảo đảm rằng chính sách và nguồn lực đầu tư cho nhà giáo phải tương xứng và tỷ lệ thuận với những yêu cầu đặt ra cho họ. 

“Dù rằng các nhà hoạch định chính sách đã có nhiều cố gắng trong đổi mới chính sách nhà giáo nhưng sự đổi mới này không theo kịp các yêu cầu về đổi mới giáo dục mà nhà giáo là người trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện. Gánh nặng đổi mới đang đè lên vai các nhà giáo và sẽ tiếp tục nặng hơn với yêu cầu tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đặc biệt trước các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay.

Cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà giáo, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – từ nghiên cứu của mình cho biết, bài học từ thất bại cũng như từ thành công trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở một số nước đều là ở chính sách giáo viên. Chất lượng giáo viên ảnh hưởng tới thành tích học tập của HS nhiều hơn mọi yếu tố khác.

Để thu hút nhiều ứng viên giỏi nhất vào sư phạm, thu hút giáo viên giỏi nhất, theo GS Đinh Quang Báo, nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã đào tạo giáo viên cân bằng giữa cung và cầu. Ngay sau khi được tuyển chọn, Bộ Giáo dục đảm bảo chắc chắn có việc làm; một số nước trong khi học ở giai đoạn cuối, sinh viên đã được hợp đồng làm công chức nhà nước.

“Bằng cách này vừa không tạo áp lực thừa thiếu giáo viên, kích thích thu hút được tinh hoa vào sư phạm, vừa làm cho dạy học là một nghề cao quý do tính cạnh tranh cao để vinh dự được làm giáo viên. Đào tạo có qui hoạch cân đối cung cầu là giải pháp để đầu tư kinh phí cao cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm.

Tiền đầu tư cho sinh viên sư phạm ở các nước này là rất cao. Lương giáo viên ở các nước thành công nhất trong giáo dục không cao hơn một số ngành, nhưng họ đủ sống trên mức trung bình - cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp là bí quyết để có đội ngũ giáo viên chất lượng cao – chìa khóa vạn năng thành công giáo dục” – GS Đinh Quang Báo chia sẻ.

GS Đinh Quang Báo: Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số một.
GS Đinh Quang Báo:  Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số một.

Phải thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính sách nhà giáo

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính sách nhà giáo; theo đó, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhà giáo trong một văn bản luật là Luật Nhà giáo. Cùng với đó, thay đổi cách tiếp cận về vị thế nhà giáo trong Luật Giáo dục sửa đổi và thay đổi cách tiếp cận trong việc tổ chức thực hiện chính sách nhà giáo.

Từ đó, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất sửa Điều 81 trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: “Nhà giáo được hưởng tiền lương tương xứng với tầm quan trọng và vị thế của nghề dạy học theo quy định của Chính phủ”. Bên cạnh đó, để khắc phục khoảng cách từ chính sách đến tổ chức thực hiện, cần sớm xúc tiến xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra.

Nói về chế độ với đội ngũ giáo viên, GS Đinh Quang Báo cho rằng, trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trên trung bình trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức với nghề. Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số một.

Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

“Biên chế giáo viên không chỉ và không lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là biên chế về chất lượng nghề nghiệp. Theo cách này sẽ tạo được sự cạnh tranh sàng lọc lành mạnh, khách quan. Đo, đánh giá chất lượng bằng chuẩn nghề nghiệp và cạnh tranh của giáo viên là cạnh tranh với chuẩn nghề nghiệp. Đó cũng là cách làm cho chuẩn nghề nghiệp đi vào cuộc sống nhà trường, cuộc sống nghề nghiệp của chính từng giáo viên.” – GS Đinh Quang Báo nêu ý kiến.

Nhấn mạnh vấn đề trọng tâm cần thảo luận là lương giáo viên, nhưng theo GS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục – khi nào Bộ GD&ĐT chỉ quản về chương trình mà không quyết định được về con người và tiền thì những vấn đề đưa ra chỉ là nguyện vọng. Từ đó, GS Đặng Quốc Bảo cho rằng, thảo luận những vấn đề về chính sách nhà giáo phải gắn với quản lý nhà nước trong giáo dục.

Tại tọa đàm, ngoài vấn đề chính sách nhà giáo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng có những trao đổi liên quan đến trình độ đào tạo của giáo viên và chính sách học bổng, phân công công tác cho sinh viên sư phạm.

Lắng nghe ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các góp ý để tiếp thu và hoàn thiện Luật Giáo dục sửa đổi. Thứ trưởng mong tiếp tục được góp ý tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo, các học giả không chỉ xung quanh nội dung chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo mà còn với các chính sách khác của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ