Cần Thơ: Giáo dục nghề nghiệp đang khởi sắc

GD&TĐ - Trong năm 2017 và 2018, công tác tuyển sinh trung cấp, CĐ tại TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả khả quan. Một số ngành đào tạo trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế như du lịch, cơ khí, tin học... thu hút sự quan tâm của xã hội. Nếu mở rộng quy mô đào tạo, lượng HS, SV tham gia học nghề sẽ còn tăng thêm. Đây được xem là những tín hiệu khởi sắc của GDNN tại khu vực trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Giờ học thực hành của các học viên ngành May Trường CĐ Cần Thơ
Giờ học thực hành của các học viên ngành May Trường CĐ Cần Thơ

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Là một đối tác liên kết đào tạo với Trường CĐ Cần Thơ, ông Hà Thế Vụ, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nhân Việt cho biết: Chất lượng HS, SV trong thời gian đào tạo cũng như sau khi ra trường rất tốt.

Các SV ngành xây dựng mà công ty tiếp cận sẽ được định hướng, hỗ trợ chuyên môn để các em có thêm kiến thức về kỹ thuật, xúc tiến xuất khẩu lao động. Trong lĩnh vực may mặc, công ty liên kết với các đối tác trong nước để tiếp nhận SV ngay sau tốt nghiệp.

 Đưa SV đến doanh nghiệp thực tập và tư vấn việc làm cho các em, nhờ sự liên kết này mà SV ra trường đã có được những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp 
Ông Hồ Thanh Tâm

Em Lê Ngọc Khương, SV khoa Công nghệ May, Trường CĐ Cần Thơ chia sẻ: “Em lựa chọn ngành May, bởi từ nhỏ em đã rất thích nghề này. Khi mới học, em cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian học tập em đã nắm bắt được nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Có nhiều công ty, doanh nghiệp đã đến trường hướng dẫn, tư vấn việc làm cho các sinh viên. Hiện nay, đây là một ngành khá phát triển tại Việt Nam nên em tin là có rất nhiều cơ hội việc làm”.

Trao đổi về công tác đào tạo và tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ Hồ Thanh Tâm cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh được giao là 1.690 HS, SV. Năm 2018, trường đã tuyển mới hơn 1.700 HS, SV, đạt trên 103% so với kế hoạch. Năm 2017, tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp của trường đạt trên 70%.

Một trong những giải pháp được nhà trường chú trọng đẩy mạnh là gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho SV sau tốt nghiệp. Đặc biệt, may mặc là ngành đào tạo thế mạnh của nhà trường, nhiều SV đã có việc làm ngay trong giai đoạn thực tập, khi ra trường các em được tuyển dụng làm việc luôn tại doanh nghiệp.

Cơ hội từ học nghề

Theo Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 89 đơn vị dạy nghề, bao gồm: 10 trường CĐ, 14 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN - GDTX, 13 trung tâm GDNN tư thục và 43 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Mục tiêu năm 2018, tuyển sinh GDNN đạt 46.000 người, trong đó, tuyển sinh trình độ CĐ và trung cấp là 7.500 người; trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng: 38.500 người…

Tính đến tháng 10/2018, các trường CĐ, trung cấp đã tuyển mới và đào tạo nghề được gần 41.000 người, đạt 89,1% kế hoạch năm 2018, trong đó tuyển sinh CĐ nghề trên 5.400 người, trung cấp nghề gần 2.900 người. Xu hướng HS, SV tập trung lựa chọn các ngành như công nghệ ô tô, cơ khí, tin học, dịch vụ du lịch… Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, ngành điều dưỡng nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh nữ.

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết: Trong thời gian qua, chất lượng đào tạo của các cơ sở tại Cần Thơ đã được nâng lên. Tỷ lệ HS, SV có việc làm sau học nghề bình quân hàng năm đạt trên 80%. Công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2018 được thực hiện với phương châm lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng; Tuyển sinh phải gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp của người học; gắn với việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Để có được kết quả tích cực nêu trên, ông Châu Hồng Thái cho rằng: Người lao động, HS, SV đã có định hướng rõ nét hơn về học nghề gắn với trình độ kỹ thuật cao. Báo chí đã góp phần tích cực trong việc thông tin đến các em HS và gia đình về lợi ích thiết thực của học nghề. Học nghề để sớm có thu nhập, vừa có thể bảo đảm được cuộc sống, đồng thời mở ra cơ hội tiếp tục học lên cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ