Cần sự vào cuộc của nhân viên công tác xã hội

GD&TĐ - Bạo lực học đường hiện nay không phải là vấn đề mới nhưng thực sự trở thành một mối lo lắng và quan tâm lớn của toàn xã hội. Tình trạng xúc phạm, bạo lực, bắt nạt trong trường học, xâm hại hay bỏ học luôn tiềm ẩn trong môi trường học đường. Trong khi công tác phối hợp với các lực lượng xã hội để giáo dục, hỗ trợ, bảo vệ học sinh còn hạn chế, việc đưa nhân viên công tác xã hội vào phòng chống bạo lực học đường là việc làm cần thiết.  

Học sinh Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
Học sinh Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn

Bạo lực học đường luôn tiềm ẩn

Theo nghiên cứu của ThS Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội, tiến hành khảo sát thực trạng này trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với trên 409 học sinh ở 3 trường THCS tại Bắc Kạn vào tháng 11/2016, kết quả thu được cho thấy, có 10,8% học sinh cho biết mình thường xuyên và 21% học sinh thỉnh thoảng bị các bạn bàn tán, nói xấu sau lưng, đây là mức độ cao nhất.

Về việc bị bạn tung tin đồn không đúng cũng có 8,3% học sinh cho biết mình thường xuyên bị rơi vào trường hợp này. Tỉ lệ này cao hơn so với các hành vi bạo lực về thể chất, chỉ có 2% học sinh cho biết các em thường xuyên bị bạn bè đánh.

Ảnh hưởng dẫn đến học sinh bị bạo lực học đường và gây ra hành vi bạo lực là từ các nhóm yếu tố tâm lý cá nhân và nhóm yếu tố môi trường xã hội. Các yếu tố cá nhân như thành tích học tập kém, hoặc bị thay đổi đột ngột môi trường học tập, cảm xúc bị cô lập thì thường bị bạo lực bởi người khác, cá nhân thu mình không giao tiếp, mối quan hệ xã hội thu hẹp cũng dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt…

Nhóm yếu tố môi trường xã hội đóng một vai trò to lớn trong sự xuất hiện của các hành vi bạo lực. Mối quan tâm của cha mẹ về các hành vi hàng ngày của học sinh, mối quan hệ của cha mẹ đối với học sinh, giao tiếp cởi mở với cha mẹ, sự hỗ trợ bởi giáo viên trường học, sự hỗ trợ của bạn thân, học tập, mối quan hệ phù hợp với bạn học, thái độ trong trường học, khả năng giải quyết khắc phục khó khăn, tự giải quyết chống lại bắt nạt…có mối liên hệ với các loại bạo lực về thể chất, bạo lực bằng lời nói, bạo lực gián tiếp.

Trong giờ học của học sinh Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
  • Trong giờ học của học sinh Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn

Cần người kết nối, hỗ trợ học sinh có nhu cầu tham vấn tâm lý

Xuất phát từ những nguyên nhân dẫn đến bạo lực và thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra tại các trường học hiện nay, việc đưa nhân viên công tác xã hội vào trường học để giải quyết các vấn đề của học sinh trong trường học, trong đó có bạo lực học đường là rất cần thiết. Nhân viên công tác xã hội trường học là người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà trường và gia đình liên quan đến bạo lực học đường cho trẻ.

Theo ThS Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò là nhà giáo dục trong việc giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng và hình thành những thái độ, hành vi mới để các em có thể tự tin phát huy khả năng của mình trong môi trường học đường. Các hình thức giáo dục khá đa dạng như tham vấn cá nhân, tổ chức các sinh hoạt, tọa đàm, hay cung cấp các tài liệu… Từ đó giúp các em thay đổi thái độ, và có hành vi đúng đắn, phi bạo lực.

Theo kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Giáo dục, giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước có 40% số trường THPT, 30% số trường THCS và 10% số trường tiểu học có tổ/nhóm công tác xã hội và có hệ thống hỗ trợ cho những học sinh bị xâm hại, bạo lực... 

Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội có vai trò là nhà tham vấn. Ảnh hưởng của bạo lực học đường không chỉ đến nạn nhân mà cả thủ phạm gây ra bạo lực. Các em thường gặp những khó khăn về tâm lý, học tập, hòa nhập, pháp lý… Do vậy, hoạt động tham vấn tâm lý của nhân viên công tác xã hội với các đối tượng học sinh là rất cần thiết để hỗ trợ học sinh vượt qua những khủng hoảng, tìm thấy được điểm mạnh, tiềm năng của bản thân, phát huy nó để đạt được những thành công trong học tập và trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, nhân viên công tác xã hội sẽ kết nối, chuyển thông tin đến nhân viên tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để học sinh nhận được sự trợ giúp hiệu quả.

Đồng thời, nhân viên công tác xã hội còn đóng vai trò kết nối, là người trung gian, kết nối học sinh bị bạo lực học đường với các nguồn lực từ gia đình, nhà trường, xã hội để hỗ trợ học sinh. Các nguồn lực kết nối là các dịch vụ xã hội để hỗ trợ cho học sinh như trị liệu tâm lý, thăm khám thể chất, giáo dục đặc biệt, trợ cấp xã hội… Nhân viên công tác xã hội trong học đường đóng vai trò là cầu nối giữa nhà trường, GV, học sinh, phụ huynh, trong đó giữ vai trò hỗ trợ, giải quyết vấn đề cho học sinh.

Nhân viên công tác xã hội còn đóng vai trò người phản biện, vận động chính sách. Với vai trò là người biện hộ, nhân viên công tác xã hội sẽ là người đại diện quyền lợi, nhu cầu của học sinh nhằm đảm bảo quyền lợi và đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em. Do vậy, trong quá trình hỗ trợ cho HS bị bạo lực học đường, nhân viên công tác xã hội cần đánh giá, phân tích những nhu cầu, mong muốn, những nguồn lực của học sinh cũng như những hạn chế về mặt lợi ích mà lẽ ra các em cần được hưởng.

Nhân viên công tác xã hội trên cơ sở làm việc với các học sinh bị bạo lực học đường, sẽ phát hiện các vấn đề phát sinh, từ đó góp ý đề xuất, phản biện các chính sách trong trường học và cộng đồng để những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định đưa ra những chính sách phù hợp hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn trong lĩnh vực phòng chống bạo lực học đường trong trường học.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiêm vụ công tác xã hội học đường, nhân viên công tác xã hội học đường cần phải có vài năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em và gia đình. Đồng thời, họ cũng cần được tạo điều kiện để tiếp cận được với một hệ thống hỗ trợ cần thiết tại nhà trường và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ