Cán bộ thanh tra chấm thi cần phát huy kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh

GD&TĐ - Ngày 17/6, tại Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho 138 cán bộ đến từ 31 Sở GD&ĐT và 33 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Phó Ban chỉ đạo thi Quốc gia; ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra; ông Ngô Minh Hưng – Phó Chánh Thanh tra.

Công tác chuẩn bị là cực kỳ quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại nội dung chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Trong đó, Thủ tưởng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, với các nhiệm vụ rất cụ thể.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi của địa phương. Bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng (tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT); Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo an ninh trật tự.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, cả Bộ GD&ĐT và địa phương đều được Thủ tướng giao nhiệm vụ quan trọng đó là tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý.

“Kỳ thi tốt nghiệm THPT có quy mô lớn, số lượng học sinh tham gia đông, cán bộ tham gia nhiều. Vì vậy để kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc, các chủ thể tham gia cần phải làm tốt công tác phối hợp. Đồng thời, phải luôn nhất quán quan điểm là tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, vi phạm qui chế”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Nhắc về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất. Sự chuẩn bị của từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân càng kỹ lưỡng thì chất lượng và hiệu quả kỳ thi càng cao. 

Với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận sự đóng góp của thầy cô, cán bộ làm công tác thanh tra đã bằng tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng để hoàn thành tốt công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

Thứ trưởng cũng lưu ý, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về nguyên tắc mục tiêu là lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Cán bộ thanh tra cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, đạt mục tiêu đề ra và không gây căng thẳng cho thí sinh. Để làm được điều đó cán bộ thanh tra cần phải hiểu rõ quy chế, nắm rõ quy định.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tham dự hội nghị tập huấn sẽ có những chia sẻ, trao đổi để cùng thống nhất cách làm, nhất là với những vấn đề còn vướng mắc, vấn đề còn có cách hiểu khác nhau.

Lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường khẳng định, đây là cơ hội để chia sẻ những hạn chế, khó khăn từ 76 đoàn kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Từ đó chỉ rõ nguyên nhân và đề ra phương án thanh tra, kiểm tra chấm thi tốt nghiệp năm 2022.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường trình bày phương án thanh tra, kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường trình bày phương án thanh tra, kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Qua tổng hợp từ 76 đoàn kiểm tra năm 2021 cho thấy còn một số hạn chế trong công tác chấm thi như: Việc ban hành quyết định thành lập các ban liên quan công tác chấm thi chưa đảm bảo đủ thành phần theo qui định. Chưa có phương án dự phòng một số phòng chấm thi nên còn lúng túng khi có sự cố xảy ra. Kế hoạch làm việc của các Ban chấm thi, Ban làm phách chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, việc chấm bài thi trắc nghiệm bị chậm tiến độ, chưa chủ động…

Từ những hạn chế trên, Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường đã chỉ ra bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đó là: Công tác tham mưu, xây dựng ban hành văn bản và tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra được Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở đã chủ động linh hoạt, phù hợp với thực tế, hình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra mọi khâu, mọi công đoạn, lấy phòng ngừa là chính. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có nhiều thay đổi kịp thời, đặc biệt không ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Về Phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi TN THPT 2022, Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường yêu cầu: Chỉ đạo tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Với mục đích phòng ngừa trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, không tạo kẽ hở, khoảng trống, không bị động.

Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra. Bảo đảm điều động cơ sở GDĐH, trường Cao đẳng làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở GDĐH, trường Cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu còn được nghe ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 trình bày hướng dẫn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xem các clip hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm; hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chấm thi tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đồng thời, tham gia kiểm tra đánh giá nghiệp vụ ngay tại hội nghị.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ