Cán bộ quản lý trải nghiệm cùng giáo viên trên lớp học

GD&TĐ - Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) – cho biết: Kinh nghiệm sau 1 năm triển khai, Sở GD&ĐT Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo sâu một số nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Thông tư 30 trong các trường tiểu học.

Cán bộ quản lý trải nghiệm cùng giáo viên trên lớp học

Trong đó, yêu cầu các cán bộ quản lý tích cực trải nghiệm cùng giáo viên trên các lớp học để cùng chia sẻ, hướng dẫn giáo viên nâng cao kỹ năng đánh giá học sinh.

Về phía giáo viên, khuyến khích các thầy cô chia sẻ ý kiến về kinh nghiệm đánh giá học sinh ở trong trường, trên các diễn đàn chuyên môn, viết bài trên báo, tạp chí, mạng thông tin để học hỏi lẫn nhau.

Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học trên lớp, chú trọng tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm cộng tác; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; hoạt động tập thể...

Các trường tiểu học tạo điều kiện tối đa cho học sinh được tự chủ động tổ chức các hoạt động trong trường học, các hoạt động trải nghiệm cộng đồng, hoạt động tìm hiểu địa phương,... với mục tiêu mỗi hoạt động đều có sự tham gia tích cực của tất cả học sinh trong trường.

Hướng đến, 100% học sinh được tham gia để bộc lộ, chia sẻ và rèn luyện bản thân, từ đó hình thành năng lực và phẩm chất.

Để thực hiện hiệu quả cách đánh giá mới, theo ông Hà Huy Giáp, Sở GD&ĐT cũng sẽ chú trọng tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường về chuyên đề thực hiện Thông tư 30 để cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm hay về nhận xét học sinh, đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và quản lý học sinh, đặc biệt là phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

Việc phối hợp với cha mẹ học sinh cũng sẽ được chú trọng. Theo đó, các trường tiểu học tiếp tục tích cực phối hợp với cha mẹ, cộng đồng trong việc đánh giá học sinh. Đặc biệt, phối hợp tích cực trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm tối đa các loại hồ sơ sồ sách trong trường học, tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian tập trung vào hướng dẫn, giúp đỡ học sinh học tập và hoạt động. Sở GD&ĐT sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Thông tư 30 để có phương hướng chỉ đạo việc áp dụng đánh giá học sinh có hiệu quả cao nhất” – ông Hà Huy Giáp cho hay.

Kinh nghiệm thành công với Thông tư 30

Ông Hà Huy Giáp cho biết, vì là năm đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi còn những hạn chế. Một số nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia nên giáo viên khó nhận xét, đánh giá được học sinh, đặc biệt là về mặt năng lực và phẩm chất.

Một số giáo viên viết nhận xét chưa rõ ưu điểm, hạn chế nên học sinh còn khó khăn trong điều chỉnh hoạt động học tập, tập trung ở giáo viên dạy các môn chuyên. Công tác phối hợp đánh giá học sinh tiểu học giữa giáo viên và cha mẹ học sinh đôi khi còn gặp khó khán.

Tuy nhiên, hiệu quả từ cách đánh giá mới là rất rõ ràng. Học sinh không bị áp lực về điểm số, không bị so sánh với các bạn nên các em thấy vui, tự tin trong học tập và hòa đồng trong tập thể lóp.

Những lời nhận xét chân thành của giáo viên đã giúp học sinh có hứng thú phấn đấu học tập, phát triển năng lực của bản thân, biết khắc phục những điểm yếu và thực hiện sửa lỗi một cách chủ động, tích cực, đặc biệt các em đã tiến bộ rất nhanh về nhiều mặt.

Trong mỗi giờ học, học sinh được học nhóm cùng nhau, được tự học, tự kiểm tra nên các em dần tự tin trong giao tiếp, tinh thần tự quản, tự phục vụ của các em được phát huy.

Học sinh được tham gia vào nhiều hoạt động học, hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, qua đó các năng lực và phẩm chất của các em được hình thành, hoàn thiện.

Kết quả chất lượng giáo dục của các khối lớp cuối năm học 2014 – 2015 có 99,68% học sinh hoàn thành kiến thức, kỹ năng các môn học; 99,85% học sinh đạt về năng lực; 99,95% đạt về phẩm chất; trên 84% học sinh được khen thưởng.

Kết quả xét học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,96% tăng 0,01% so với năm học trước. 0,04% số học sinh còn lại sẽ được bồi dưỡng thêm trong hè, kiểm tra lại và xét hoàn thành chương trình tiểu học trước khi vào năm học 2015 - 2016.

Để có được kết quả này, ông Hà Huy Giáp cho biết, ngoài việc ra các văn bản chỉ đạo kịp thời, triển khai tập huấn nghiêm túc, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường tiểu học thực hiện giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách để giáo viên có nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin và sáng tạo trong học tập.

Mỗi trường tiểu học sử dụng mỗi lớp học 2 cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục, trong đó 1 quyển dành riêng cho giáo viên chủ nhiệm, 1 quyển dành cho các giáo viên bộ môn.

Tất cả các trường tiểu học trên địa bàn đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn với chuyên đề đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30/2014. Trong sinh hoạt chuyên môn, cán bộ quản lý và giáo viên đã chia sẻ cách làm hay và thảo luận những biện pháp tích cực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi áp dụng đánh giá. Chính vì vậy mà giáo viên tiểu học ở Bắc Giang cơ bản rất tự tin khi áp dụng cách đánh giá mới.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các trường tiểu học ra đề kiểm tra định kì cuối năm học theo 3 mức, chấm điểm kết hợp nhận xét nghiêm túc, đảm bảo đánh giá được năng lực của mỗi học sinh. Công tác coi, chấm kiểm tra và bàn giao học sinh cuối năm thực hiện đúng theo yêu cầu Thông tư 30.

Cuối năm học, các nhà trường hướng dẫn giáo viên tổng hợp đánh giá kết quả cuối năm học nghiêm túc và tổ chức khen thưởng học sinh ở nhiều mặt, có tác dụng tốt cho các em tích cực phấn đấu vươn lên. 

Đồng thời, chỉ đạo giáo viên có học sinh chưa hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, phẩm chất và năng lực tiếp tục bồi dưỡng trong hè để giảm thiểu tối đa học sinh không được lên lớp” – ông Hà Huy Giáp chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ