Cán bộ, giáo viên đồng lòng, đổi mới giáo dục sẽ thành công

Cán bộ, giáo viên đồng lòng, đổi mới giáo dục sẽ thành công

Nhu cầu tự thân

Cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) đã tham gia tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bản thân cô cũng chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận Chương trình mới. Theo đó, mỗi giờ lên lớp, cô chủ động tìm kiếm tài liệu để bổ sung cho bài giảng của mình.

“Tôi tự xác định, sách giáo khoa chỉ là phương tiện để mình giảng dạy. Vì thế trong nhiều tiết học, tôi đã thoát ly, không coi sách giáo khoa là pháp lệnh nhưng vẫn không để chệch kiến thức chuẩn” – cô Nguyễn Thị Mai chia sẻ, đồng thời cho biết: Tôi tự thiết kế bộ tài liệu giảng dạy dành riêng cho lớp 1; sau đó xin ý kiến góp ý của tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường. Sau khi được thảo luận kỹ và thực hiện một số tiết dạy mẫu, bộ tài liệu của cô đã được vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế giảng dạy đối với từng lớp 1 của trường.

Cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học không phải là vấn đề mới nhưng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giáo viên, cô Mai Thị Hà – Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dạy học, đón đầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng sáng tạo.

“Ở Trường THPT Yên Hòa, đổi mới, sáng tạo trở thành yêu cầu và nhiệm vụ của mỗi giáo viên. Cùng với chỉ đạo của ban giám hiệu, đổi mới phương pháp dạy học là trách nhiệm của mỗi nhà giáo chúng tôi. Ban giám hiệu quy định, mỗi năm học, giáo viên phải có ít nhất một tiết dạy theo hướng đổi mới, phát triển năng lực. Giờ đây, đổi mới phương pháp dạy học trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên” – cô Mai Thị Hà cho hay.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Chủ động “đón đầu”

Để thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, mà trước mắt là đối với lớp 1, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thịnh – Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ) trao đổi: Nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về kế hoạch, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với học sinh khối 1, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, giáo viên rất tích cực trong việc tiếp nhận những phương pháp dạy học mới, kỹ thuật dạy học mới.

“Tôi tin khi Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai, các giáo viên sẽ tiếp cận rất nhanh” – cô Nguyễn Thị Minh Thịnh khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Nhà trường sẽ có kế hoạch và chiến lược riêng để triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả nhất.

Cụ thể, ngoài chương trình tập huấn, bồi dưỡng của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ có chương trình tập huấn, bồi dưỡng riêng cho đội ngũ giáo viên nói chung và cho giáo viên khối 1 nói riêng. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia để bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm nhằm hỗ trợ giáo viên đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới” – cô Thịnh cho hay.

Cũng theo cô Thịnh, đến thời điểm này, cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tương đối đầy đủ, hiện đại, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường đang tích cực tham mưu với các cấp có thẩm quyền để được bổ sung thêm một số phòng học, phòng chức năng và một số thiết bị dạy học, để khi Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai là có thể ứng dụng được ngay.

Trở về từ khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán, thầy Dương Minh Khả - Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) được hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phương pháp quản trị hoạt động dạy học và giáo dục. “Trên cơ sở đó, tôi sẽ quán triệt đến giáo viên trong toàn trường, đặc biệt là đối với giáo viên lớp 1; trong đó chú trọng đến đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế nội dung dạy học theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất có thể để giáo viên không phải “tự bơi” – thầy Khả nhấn mạnh.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị, thầy Dương Văn Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Easup, Đắk Lắk) nói: Trong năm học này, nhà trường sẽ thực hiện thí điểm dạy một số tiết theo hướng tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức thí điểm một vài hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với khối 1. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đây cũng là môn học mới, vì thế nhà trường sẽ chuẩn bị kỹ, chu đáo để phát huy hiệu quả của môn học. Theo đó, nhà trường sẽ có những chương trình, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để tổ chức thành công hoạt động học trải nghiệm nghiệm sáng tạo. “Tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khó đâu gỡ đấy và quan trọng là tinh thần đổi mới, sáng tạo luôn phải được bồi đắp, hun đúc” – thầy Tú nói.

Thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, hiệu trưởng phải là người tiên phong trong mọi chương trình hành động, kể cả đổi mới phương pháp dạy học. Nói cách khác, hiệu trưởng phải là “đầu tàu”, phải “xắn tay” cùng giáo viên trong đổi mới dạy – học.                                              Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ