Cải thiện trọng tâm sư phạm với trường tiểu học chuyển sang dạy học cả ngày

GD&TĐ - Trọng tâm sư phạm mà Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục (SEQAP) tập trung là hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức thực hiện dạy học cả ngày trong các trường tiểu học.

Cải thiện trọng tâm sư phạm với trường tiểu học chuyển sang dạy học cả ngày

Đến nay, các trường tiểu học tham gia SEQAP tại Yến Bái đã lập kế hoạch dạy học cả ngày theo Sổ tay, tài liệu hướng dẫn của SEQAP, xây dựng kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu dạy học cả ngày đáp ứng được yêu cầu của SEQAP.

Linh hoạt kế hoạch dạy học cả ngày

Hàng năm, Sở GD&ĐT Yên Bái chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường lập kế hoạch dạy học cả ngày (FDS) một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và trình độ của học sinh trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu theo tài liệu hướng dẫn của SEQAP.

Theo báo cáo tổng kết SEQAP của Sở GD&ĐT Yên Bái, các loại hình tài liệu hỗ trợ FDS và hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện dạy học theo các phương án FDS đã lựa chọn trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả thời gian tăng thêm.

Học sinh là người DTTS nhận thức còn chậm nên tập trung củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt, môn Toán để học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học. Buổi học thứ nhất (4 tiết) dạy hầu hết số tiết theo QĐ16/2006/QĐ-BGD&ĐT. Buổi học thứ hai (3 tiết) hoàn thành phần kế hoạch dạy học của chương trình chính khoá và giúp đỡ học sinh yếu kém đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng môn học, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu theo từng môn;

Nâng cao khả năng học tập môn Tiếng Việt cho học sinh DTTS (lớp 1 và 2) bằng “Tăng cường kĩ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS”. Đồng thời, tích hợp rèn luyện, nâng cao kĩ năng nghe nói tiếng Việt thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các môn học khác,…

Ngoài ra, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng được tổ chức với nội dung, hình thức linh hoạt, phong phú, đa dạng và hấp dẫn, phát huy được vai trò tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh như thi kể chuyện về Bác Hồ; tổ chức ngày hội đọc sách; tổ chức chơi các trò chơi dân gian; thi chuyên hiệu an toàn giao thông, xây dựng thư viện xanh, thư viện thân thiện, tổ chức các loại hình câu lạc bộ, giáo dục kĩ năng sống,…; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Tại Yên Bái, việc vận dụng Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch FDS và Sổ tay hướng dẫn hoạt động cho các trường FDS đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của SEQAP và đảm bảo tính linh hoạt, tính thực tế, phù hợp với điều kiện của đơn vị trường. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng mở rộng việc tập huấn và hướng dẫn sử dụng cuốn Sổ tay cho các trường ngoài SEQAP trong tỉnh.

Sử dụng hiệu quả thời gian tăng thêm

Báo cáo tổng kết SEQAP của Sở GD&ĐT Yên Bái cũng cho biết: Để tổ chức thực hiện hiệu quả FDS, cùng với việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện FDS, các trường đã vận dụng các tài liệu và hướng dẫn của SEQAP để sử dụng hiệu quả thời gian tăng thêm.

Cụ thể, vận dụng các tài liệu và hướng dẫn của SEQAP một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tế của địa phương. Hướng dẫn giáo viên tích cực, chủ động thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở vận dụng các kĩ thuật và phương pháp dạy học tích cực kết hợp với việc sử dụng các phương tiện dạy học truyền thống và hiện đại vào các bài giảng trên lớp;

Tăng cường các hoạt động dự giờ, đổi mới sinh hoạt chuyên môn (theo tổ, nhóm và toàn trường), sinh hoạt chuyên đề trao đổi, rút kinh nghiệm, giao lưu học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng; tổ chức, hướng dẫn học sinh xây dựng các góc học tập, góc sưu tầm môn học giúp các em tự khám phá kiến thức.

Tổ chức, triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động giáo dục khác, thông qua đó, phát triển hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

Triển khai hoạt động các mô hình thư viện: Tất cả các khu trong trường đều xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện góc lớp. Tổ chức cho học sinh đọc truyện vào đầu giờ, các giờ ra chơi, giờ nghỉ buổi trưa và mượn chuyện mang về nhà để đọc thêm. Các nguồn truyện được các trường trích một phần kinh phí mua thêm, xin tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức và phụ huynh ủng hộ, bổ sung thêm gần 12.300 đầu truyện mới.

Sở GD&ĐT Yên Bái cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT và các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục trong thời gian buổi trưa các ngày học cả ngày cho học sinh, như cho các em đọc báo, truyện, nghe giáo viên kể chuyện, hướng dẫn các em trò chơi dân gian đơn giản,… hướng dẫn kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự phục vụ bản thân như rửa tay trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh; cách trải, gấp chăn gối trước và sau khi đi ngủ; quét dọn vệ sinh phòng ngủ, khu vực bán trú,…

Có thể nói, sau 6 năm thực hiện, Chương trình SEQAP được triển khai cho 40 trường của 6 huyện, thị xã của tỉnh Yên Bái đã đạt được mục tiêu, giúp nâng cao chất lượng giáo dục 40 trường tiểu học thông qua việc hỗ trợ các trường tiểu học chuyển sang mô hình dạy học cả ngày.

Tỷ lệ học sinh học cả ngày các trường SEQAP chiếm 88,2%, cao hơn 18% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh; học sinh DTTS được tăng cường về Tiếng Việt, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần hàng ngày đã cao hơn nhiều so với trước khi tham gia SEQAP, không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ hoàn thành Chương trình tiểu học đạt 100%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ