Cách đánh giá thêm gắn kết giáo viên với các cấp quản lý

GD&TĐ - Đông đảo CBQL, GV các trường học trên địa bàn Thừa Thiên Huế cho rằng, từ khi thực hiện thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học, sự gắn kết từ giáo viên tới tổ chuyên môn, ban giám hiệu và CBQL chuyên môn của Phòng, Sở thêm chặt chẽ.

Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế trực tiếp đi cơ sở để  cùng GV trao đổi kinh nghiệm đánh giá theo Thông tư 30
Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế trực tiếp đi cơ sở để cùng GV trao đổi kinh nghiệm đánh giá theo Thông tư 30

Vừa qua, Thừa Thiên - Huế có sáng kiến kết thúc học kỳ một tổ chức sơ kết Thông tư 30, thay vì tổ chức sơ kết học kỳ một như mọi năm. 

Vạn sự khởi đầu nan

Khi được hỏi nhận xét về tác dụng của việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, các trường đều thừa nhận những ưu điểm nổi trội cũng như tác động tích cực của Thông tư đến quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.

Khó khăn được giáo viên nêu ra xoay quanh những nổi cộm như: mất  nhiều thời gian cho việc đánh giá; quá tải về số sách ghi nhận xét, đánh giá; việc lặp lại các nhận xét, đánh giá với đối tượng học sinh giỏi; phụ huynh chưa quen với việc thay đổi điểm số bằng đánh giá…

Ông Phan Văn Hải - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Thừa Thiên - Huế, người chịu trách nhiệm chuyển tải các thông tin xoay quanh Thông tư 30 tới các CBQL cơ sở luôn lắng nghe, thu thập những băn khoăn thắc mắc - cho rằng: Vạn sự khởi đầu nan, cái mới bao giờ cũng đi kèm với cái khó. Trong vòng chưa đầy 3 tháng mà đã có sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức của người thầy cũng như việc làm quen với đánh giá bằng nhận xét của học sinh, đó là dấu hiệu đáng mừng. 

Theo ông Hải, để GV thành thục các kỹ năng nhận xét, đánh giá, chắc phải cần phải có thời gian; thời gian tới chắc chắn tất cả sẽ khác.

Cô Nguyễn Ngọc Minh Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế) - người có nhiều SKKN trong hướng dẫn GV đánh giá học sinh.
Cô Nguyễn Ngọc Minh Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế) - người có nhiều SKKN  trong hướng dẫn GV đánh giá học sinh.   

Càng làm càng có sáng kiến

Việc nêu lên những khó khăn của đội ngũ giáo viên tiểu học Thừa Thiên Huế luôn đi kèm với sự tìm tòi, học hỏi để tháo gỡ vướng mắc. Có thể thấy một tinh thần trách nhiệm rất cao, từ cách chỉ đạo tập huấn của đội ngũ CBQL đến việc thực hiện của các GV.

 Thầy Huỳnh Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa - cho biết: Sau khi tập huấn ở Phòng Giáo dục về, trường đã tiến hành tập huấn cho toàn bộ CBQL, GV, kể cả hiệu trưởng. 

Các văn bản xoay quanh Thông tư 30 đều được phát tới tận tay từng người. “Tôi đã cho GV so sánh giữa đánh giá theo Thông tư 32 trước đây của Bộ với đánh giá theo Thông tư 30 hiện hành. Thật ra Thông tư 32 năm 2009 đã có quy định việc cho điểm kèm theo nhận xét nhưng GV đã ít quan tâm”. 

Hiệu trưởng cũng đề nghị GV trong quá trình thực hiện nếu thấy khó khăn, vướng mắc là có thể thắc mắc trực tiếp với Ban Giám hiệu để được giải đáp. Ban Giám hiệu cũng cho GV làm quen với những những nhận xét mẫu để GV hình dung cách nhận xét bằng chữ viết trên vở học sinh; nhận xét căn cứ vào năng lực, trình độ tiếp thu của HS. 

Nhận xét bằng lời thì không khó vì GV đã quen ở một số môn học. Với một lớp 35 học sinh trở lên, cần nhận xét theo nhóm, ít nhất một buổi nhận xét được 5, 6 em và ít nhất mỗi môn học mỗi em trong tháng phải được nhận xét từ một đến hai lần. Việc nhận xét bằng chữ viết cũng nên ghi sao cho gọn mà tác dụng nhiều, hướng tới khuyến khích HS vì tâm lý các em thích được khen.

Là giáo viên lâu năm giảng dạy có kính nghiệm, thầy Trần Quang Khen - Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi - cho rằng:  Việc triển khai đánh giá không khó mà khó ở chỗ hiệu quả ở mức độ nào: “Tôi rất nhất trí với quan điểm đánh giá trong Thông tư, đã tạo điều kiện cho rất nhiều HS được phân hóa. 

GV cần nắm kỹ quá trình phát triển của HS, lời phê phải ngắn gọn, súc tích và ngay cả trong lời phê đó cũng phải phân hóa được thì mới có giá trị. Không cho điểm lời phê phải có cả tính định lượng thì mới hiệu quả, mà muốn đạt được điều này, GV phải rèn luyện rất nhiều”. 

Để minh họa điều này, thầy Khen đưa ra ví dụ về một cách nhận xét ở môn Toán: Có em làm bài tốt, đạt điểm 10, nhưng lời giải của em lại chưa đạt. Trong trường hợp này, thầy giáo phải ghi nhận xét là “Em cần rèn luyện thêm về các trình bày, lời giải”.

Trước lời nhận xét này, Trưởng phòng Tiểu học Phan Văn Hải vẫn cho rằng cần phải cụ thể hơn nữa, chẳng hạn, chỉ ra cho em thấy trình bày cần phải như thế nào, hoặc có thể ghi “em có thể tìm lời giải khác không”. 

Qua quan sát vở ghi của HS, thầy Hải cũng có những gợi ý khá sát cho GV trong cách tìm lời phê, chẳng hạn như có bài làm của HS được GV nhận xét rất hoàn hảo, nhưng đã không phát hiện ra một câu diễn đạt vụng, tối nghĩa, như “số mét đường mà công nhân chưa đào được”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.