Các trường ĐH gấp rút hoàn thiện phương án lựa chọn môn thi chuyên ngành

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại xung quanh phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Các trường ĐH gấp rút hoàn thiện phương án lựa chọn môn thi chuyên ngành
Các trường ĐH gấp rút hoàn thiện phương án lựa chọn môn thi chuyên ngành ảnh 1 PGS.TS Phạm Hồng Quang

Phương án thi tổng hợp nhiều ưu điểm

Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, ưu điểm chính của kỳ thi THPT quốc gia là được nghiên cứu trên một cơ sở khoa học vững chắc, đánh giá được quá trình tích lũy học vấn, những tri thức phổ thông của học sinh, hội tụ được tất cả những ưu điểm của các kỳ thi trước và chắt lọc giá trị của kỳ thi 3 chung.

Về mặt thực tiễn, phương án thi này không gây ra những thay đổi đột ngột, cả về cách tổ chức và cách ra đề. Từ kỳ thi năm 2014, kỳ thi Đại học đã có dấu hiệu tốt của cách ra đề tích hợp.

Phương án thi đưa ra vào thời điểm này là rất phù hợp, đúng lúc và tạo ra sự yên tâm đối với học sinh và phụ huynh

Phương án có tác dụng tích cực đối với cách dạy của giáo viên và học sinh cũng có cách học hiện đại hơn, đổi mới hơn, không tạo ra áp lực tâm lý lớn.

Một số ý kiến băn khoăn về phương án thi này là chuyện đương nhiên vì bất cứ đổi mới nào cũng rất khó có thể hoàn thiện ngay từ đầu, vẫn còn những điểm cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Nếu thực hiện tốt kỳ thi này sẽ có hiệu ứng tốt, dẫn đường cho xã hội, tạo định hướng đúng đắn, chuẩn bị cho những chiến lược phát triển nền giáo dục.

Về lâu dài, công tác thi tốt nghiệp phổ thông nên giao cho các địa phương thực hiện, còn thi Đại học nên giao cho các trường vì như vậy sẽ đi vào đúng bản chất và đích đến của mỗi kỳ thi.

Việc Bộ GD&ĐT trao quyền cho trường Đại học trong kỳ thi THPT Quốc gia là chính sách nhận được đồng thuận lớn từ đa số các trường. Hướng Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh là hợp xu hướng chung và đúng bản chất của trường đại học – chỉnh thể sáng tạo, là nơi khơi gợi những nguồn sáng tạo của người học.

Cũng bởi mỗi trường là một chỉnh thể, đều có những lĩnh vực chuyên ngành riêng nên họ có quyền, có khả năng lựa chọn và đón các đối tượng phù hợp với quy trình đào tạo của nhà trường. nói cách khác là các trường đại học sẽ biết cách để lựa chọn những con người tốt nhất cho chính mình. Đây cũng chính là niềm tin mà Bộ GD&ĐT gửi gắm các trường đại học

Mọi cải cách đều hướng tới mục tiêu chất lượng

Chia sẻ quan điểm về một số băn khoăn của dư luận đối với kỳ thi Quốc gia, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng: Đây là một kỳ thi lớn và điều quan trọng nhất của kỳ thi này cũng giống như bất cứ một kỳ khảo hạch nào là phải tạo được niềm tin. Vì vậy đòi hỏi các khâu chuẩn bị và thực hiện phải thực sự chặt chẽ và nghiêm túc để đảm bảo chắc chắn niềm tin cho dư luận xã hội về một kỳ thi mang tầm vĩ mô.

Phương án thi đã rất khoa học và khả quan nhưng cốt lõi vẫn là kết quả của quá trình biến những kế hoạch trên giấy thành hiện thực. Đây mới là điều cần bàn tính và suy ngẫm. Chúng ta cần hợp lực để tìm cách hiện thực hóa một kỳ thi thực sự nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, giảm thiểu áp lực.

Để góp phần làm được điều này, tổ chức theo cụm như phương án Bộ đưa ra là mô hình tốt và trước đây chúng ta đã từng có kinh nghiệm tổ chức.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông tới mỗi giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, phụ huynh và dư luận xã hội thấm thía được việc thi cử là chuyện rất cần nghiêm túc, không thể làm khác và không thể gian lận. Đặc biệt, đối với mỗi thí sinh, kỳ thi này sẽ trở thành dấu ấn trong cuộc đời với ý niệm tuyệt đối về sự nghiêm túc.

Thực hiện được những điều này thì kỳ thi sẽ lấy được trọn niềm tin của các trường đại học.

Học sinh chỉ cần vững kiến thức phổ thông

Về những băn khoăn đối với việc các trường đại học công bố môn thi chuyên ngành, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng: Học vấn nền tảng rộng của bậc học phổ thông là vô cùng quan trọng. 

Đó không chỉ là kết quả để xét vào đại học mà là cách học sinh phổ thông tự đánh giá được mình. Vì suy cho cùng triết lý của đánh giá là tự đánh giá, triết lý của kiểm tra là hướng đến tự kiểm tra và triết lý lớn nhất của giáo dục là hướng đến tự giáo dục cũng giống như triết lý của dạy là phải hướng đến học. 

Vì vậy thành công lớn nhất của kỳ thi sẽ giúp các em học sinh tự đánh giá được khả năng của bản thân mình.

Đứng ở góc độ kinh tế, kỳ thi quốc gia có lẽ không chỉ hướng tới vấn đề tiết kiệm. Vì mục đích quan trọng nhất của một kỳ khảo hạch là chất lượng. Người nông dân có thể nghèo nhưng sẵn sàng bán lợn, bán trâu cho con đi học vì đầu tư cho giáo dục. Chỉ có sự thiếu chân thực mới là tốn kém.

Với phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT đưa ra, về mặt tiết kiệm thì cũng đã giảm bớt một số thủ tục không cần thiết, bớt đầu môn thi, thời gian nhưng tăng chất lượng cũng là cách tiết kiệm…

Những học sinh cảm thấy không tham gia được lỳ thi đại học thì cũng đã có chỗ để thể hiện và ghi nhận năng lực của mình, tránh được tình trạng, cứ tốt nghiệp lớp 12 là thi đại học.

Thuận lợi lớn nhất là ngay sau khi nhận chỉ đạo của Bộ về phương án thi, các trường Đại học đã bắt đầu tổ chức các nhóm nghiên cứu môn thi cho các môn đơn ngành để sớm công bố. Trên tinh thần đánh giá nhanh nhất, hiệu quả nhất và gọn nhẹ nhất.

Nếu như trước đây thi theo hình thức 3 chung, cứ đến hạn là ung dung nhận đề, phô tô nhưng bây giờ phải tổ chức từ khâu ra đề, sẽ có những khó khăn riêng. Nhưng các trường cũng hiểu rằng đó cũng là cái giá của tự chủ.

Đại học Thái Nguyên mong muốn các trường có cùng nhóm ngành nghề hãy thành lập Hiệp hội các trường có cùng nhóm ngành nghề, ngồi lại với nhau để bàn thảo thực hiện 3 chung của từng nhóm.

Đối với học vấn phổ thông là học vấn nền tảng mà khi đã chắc nền tảng thì thí sinh không cần băn khoăn là chuyện công bố môn thi chuyên ngành sớm hay muộn.

Các trường đại học có quyền đưa ra các sát hạch theo đặc thù nhưng tất nhiên các trường cũng đủ thông minh để hiểu rằng, năng khiếu ấy, lựa chọn ấy là phù hợp với nguyện vọng của số đông thí sinh. Về cơ bản lựa chọn của các trường sẽ không có gì dị biệt quá so với nhưng phương án đã từng áp dụng.

Thí sinh không nên có tư thế “nhăm nhắm” lựa chọn môn để thi vào đại học mà quan trọng là nên chuẩn bị tốt học vấn nền tảng để thích ứng với bất kỳ yêu cầu sát hạch nào của trường đại học.

Tất nhiên, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường đại học đang gấp rút hoàn thiện phương án lựa chọn các môn thi chuyên ngành để sớm công bố, tạo tâm thế tốt hơn cho các thí sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi chung quốc gia được tổ chức lần đầu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.