Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có nhiều sáng tạo, đổi mới trong giáo dục

GD&TĐ - Ngày 24/3, tại TP Nam Định diễn ra Hội nghị giao ban vùng 3 lần thứ nhất, năm học 2016-2017, tham dự có lãnh đạo các Sở GD&ĐT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (vùng thi đua số 3). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có nhiều sáng tạo, đổi mới trong giáo dục

Theo báo cáo tổng kết của ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, Trưởng Vùng thi đua số 3: Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT cụm 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Học kỳ I, với nhiều đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng.

Những kết quả khả quan

Các Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt các hoạt động, quy mô trường, lớp ở các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định. Toàn Cụm có 5.879 trường học, trong đó: 1.909 trường Mầm non; 1.822 trường Tiểu học; 1.678 trường THCS; 371 trường THPT; 99 TTGDTX. Tổng số 2.837.298 học sinh.

Các tỉnh trong Cụm tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục các cấp học; triển khai phần mềm hệ thống quản lý phổ cập giáo dục và xoá mù chữ. Đến nay, đã đạt PCGD cho trẻ mầm non 5 tuổi; hoàn thành công tác PCGD tiểu học đúng độ tuổi. Trong đó: Tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định hoàn thành phổ cập giáo dục mức độ 3; tỉnh Quảng Ninh có 93,5% xã, phường đạt chuẩn mức độ 3.

Công tác phổ cập giáo dục THCS từng bước dược nâng cao: Tỉnh Hải Dương, Nam Định hoàn thành phổ cập THCS mức độ 2; tỉnh Quảng Ninh đạt 82%; tỉnh Hưng Yên đạt 80%....; Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT kiểm tra hoàn thành công tác PCGD, xóa mù chữ theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL được thực hiện tốt, các Sở GD&ĐT đặc biệt coi trọng việc rà soát, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL). Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển đội ngũ CBQL được thực hiện đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình do các cấp có thẩm quyền quy định. Đội ngũ CBQL từ cấp Sở đến các đơn vị cơ sở của các tỉnh trong Cụm đều đảm nhiệm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ CBQL các đơn vị được thường xuyên học tập các Nghị quyết của Đảng; cập nhật kiến thức quản lý Nhà nước, nhất là về các lĩnh vực quản lý nhân sự; quản lý tài chính, tài sản; xây dựng kế hoạch... do các Sở GD&ĐT chủ động triển khai.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cử 25 CBQL trong các cơ sở giáo dục và CBQL cấp phòng bồi dưỡng ở Singapore; tỉnh Nam Định tích cực triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 20/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cũng được chú trọng, như: Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh ở các cấp học; bồi dưỡng giáo viên thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng an ninh; tập huấn kỹ năng xây dựng và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; chuyên đề chuẩn bị thi THPT quốc gia; tập huấn nâng cao dạy học Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục; tập huấn đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên, các tỉnh trong Cụm tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, có nhiều giải pháp sáng tạo ưu tiên đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ. Việc phân công, sắp xếp giáo viên ở các tỉnh đảm bảo cân đối, phát huy được năng lực của đội ngũ; khắc phục tình trạng chênh lệch về chất lượng giáo dục, tiến tới đảm bảo sự công bằng trong giáo dục đào tạo giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tích cực đổi mới mô hình, phương pháp dạy học

Các Sở GD&ĐT trong Cụm đã tích cực đổi mới mô hình, phương pháp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục mở, thân thiện từ bậc học mầm non, THCS đến THPT. Nhiều địa phương đã có những giải pháp sáng tạo, huy động nguồn lực, kinh nghiệm của công đồng dân cư để tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo ra môi trường học tập cởi mở, thân thiện, gắn với địa phương.

Ở bậc Mầm non: Triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả cao chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm; chuẩn bị tốt các yếu tố để trẻ sẵn sàng vào lớp 1; tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng, đồ chơi phát triển vận động, trí tuệ, tình cảm cho trẻ. Các trường Mầm non đều có giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn để xây dựng môi trường học tập giúp trẻ được trải nghiệm, khám phá, tìm tòi, phát hiện, trẻ nhanh nhẹn, tự tin hơn.  

Ở bậc Tiểu học: Các Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực. Các nhà trường đã chú trọng xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, sử dụng thiết bị dạy học và học liệu, đổi mới mô hình, không gian lớp học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phối hợp chặt chẽ nhà trường với cộng đồng dân cư, huy động phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục học sinh…

Ở bậc Trung học: Nhiều trường THCS đã kế thừa mô hình VNEN ở bậc Tiểu học để tiếp tục triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng được mục tiêu giáo dục, tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội. Các trường THPT vừa chú trọng dạy học tích hợp, vừa chú trọng phân hóa theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT được chú trọng, các nhà trường đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp.  

Từ đầu năm học, các Sở đã triển khai đổi mới đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, quy định đánh giá học sinh tiểu học kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Đến nay, nhận thức của giáo viên, phụ huynh, học sinh và cộng đồng về đánh giá học sinh Tiểu học đã có thay đổi căn bản và hình thức đánh giá mới đã tác động tích cực đối với học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế. Kỳ tuyển sinh vào lớp 10, các tỉnh đều chọn hình thức “thi tuyển” với các môn thi Văn, Toán và môn thứ 3. Tỉnh Nam Định thay “môn thi thứ 3” bằng “bài thi thứ 3” gồm 3 lĩnh vực KHXH, KHTN và Ngoại ngữ.

Trước yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường điều chỉnh phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Kết thúc học kỳ I, các Sở tổ chức khảo sát chất lượng học sinh theo hình thức tổ chức của kỳ thi THPTQG giúp học sinh được làm quen với hình thức thi, giúp phụ huynh học sinh yên tâm tin tưởng vào việc đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Vùng 3 có nhiều sáng tạo, đổi mới trong giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực to lớn của các địa phương, trong học kỳ I năm học 2016-2017 các Sở GD&ĐT trong cụm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đạt kết quả cao trong cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Các Sở đã có nhiều sáng tạo và đổi mới trong giáo dục, có nhiều điểm sáng hơn một số thành phố lớn trong cả nước. 

Thứ trưởng giao nhiệm vụ: Vùng 3 là vùng gồm các tỉnh có nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục, là nơi người dân quan tâm đến việc học của con em, là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Trong thời gian tới cần lưu ý các nội dung sau:

Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Đây là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016-2017. Có thể xây dựng thành một chuyên đề chuyên sâu bàn bạc trong các Hội nghị tiếp theo; Tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để ban hành các cơ chế, chính sách cho giáo dục.

Chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho kỳ thi THPTQG năm 2017. Bộ sẽ có chỉ đạo tới Hiệu trưởng các trường ĐH về việc cử cán bộ giảng viên về coi thi các tỉnh. Cán bộ coi thi đây là nhiệm vụ và về địa phương cùng chia sẻ các khó khăn với cơ sở.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: Cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (chú trọng công tác giáo dục pháp luật) bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; Chủ động giải quyết những vụ việc xảy ra ở địa phương; Quan tâm đến vấn đề dân chủ trong các trường học; Chú trọng chất lượng các cuộc thanh tra và với mục đích ngăn chặn trước những vụ việc có thể xảy ra.

Hàng năm, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo Sở GD&ĐT cần có báo cáo với đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh về những khó khăn, bất cập của giáo dục ở địa phương, để đại biểu quốc hội phát biểu, có tiếng nói tại nghị trường (như các vấn đề về cơ chế chính sách đối với CB, GV, NV; nhân viên Y tế, Kế toán các trường học...) - đây là điều kiện thuận lợi, có hiệu quả cho các vấn đề về giáo dục.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tham mưu, giải quyết các nội dung mà các tỉnh đề nghị; tăng cường hơn nữa thông tin giữa các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT  với các Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ