Bước đột phá về ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập

GD&TĐ - Trong thời gian qua (từ năm 2014 – 2016), triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp đột phá.

Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT kí kết triển khai kế hoạch toàn diện VnEdu với VNPT Hà Giang
Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT kí kết triển khai kế hoạch toàn diện VnEdu với VNPT Hà Giang

Trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT đã nêu bật những cách làm, kết quả quan trọng đã đạt được giai đoạn vừa qua.

Những chỉ đạo mang tính đột phá

Thưa ông, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ CNTT trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã gặp những khó khăn gì và có những chỉ đạo thực hiện như thế nào?

Là một tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc, ban đầu để thực hiện nhiệm vụ này, ngành gặp nhiều khó khăn như: Nguồn nhân lực CNTT trong các trường và cơ sở giáo dục hiện vẫn còn thiếu.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, hiệu quả đạt được chưa cao. Khoảng 70% máy tính đã được trang bị từ lâu, cấu hình yếu và xuống cấp. Kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị còn hết sức hạn hẹp. Việc áp dụng CNTT trong ngành còn nhiều hạn chế.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Lãnh đạo Sở quyết tâm chọn ứng dụng CNTT là khâu đột phá nhằm đạt hiệu quả trong quản lý, dạy và học…

Để khắc phục khó khăn và triển khai công tác này, Sở đã đưa ra nhiều giải pháp: Triển khai thống nhất phần mềm Quản lý nhà trường (vnEdu) để xây dựng hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành; Sử dụng thống nhất việc gửi nhận văn bản liên thông qua phần mềm VNPT - iOffice đến toàn bộ các đơn vị giáo dục và áp dụng hình thức ký số văn bản; Loại bỏ một số báo cáo giấy, chuyển sang khai thác các báo cáo trực tuyến.

Tăng cường hình thức quản lý thống kê trực tuyến trên hệ thống các phần mềm, cho phép áp dụng ký số trong báo cáo điện tử; Tăng cường sử dụng các đầu sổ sách điện tử thay hình thức giấy.

Tiếp đó, Sở chỉ đạo loại bỏ ngay trong năm học 2017 - 2018 các phần mềm có tính năng đơn lẻ và đi vào khai thác thống nhất các ứng dụng tích hợp (vnEdu, VNPT - iOffice, Portal/Website, trường học kết nối, thiết kế bài giảng e-Learning).

Cho phép việc áp dụng thanh, kiểm tra trên phần mềm đối với các loại hồ sơ, sổ sách điện tử do các đơn vị đã đăng ký áp dụng; Áp dụng tối đa các hình thức bài giảng, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; Chú trọng bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên dạy tin học của các đơn vị.

Cán bộ, giáo viên sau khi được bồi dưỡng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các đơn vị và có trách nhiệm tập huấn lại cho các giáo viên cùng đơn vị.

Cập nhật thường xuyên các thông tin về hoạt động của đơn vị lên website của nhà trường; tăng cường sử dụng phương thức mới trong việc trao đổi thông tin giữa nhà trường - gia đình - xã hội qua hình thức tin nhắn.

Nhờ những giải pháp trên, việc triển khai các hoạt động CNTT trong ngành Giáo dục Hà Giang được thực hiện có bước đột phá và hiệu quả. Thành quả nổi bật đã đạt được là Sở GD&ĐT đã ký kết với VNPT Hà Giang cung cấp gói ứng dụng CNTT tổng thể triển khai đến tất cả các trường trong tỉnh.

Cho đến nay, toàn ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã triển khai đến tất cả các đơn vị trường học theo thỏa thuận đã được ký kết giữa Sở GD&ĐT với nhà cung cấp dịch vụ VNPT Hà Giang.

Đề xuất đầu tư, mua sắm bổ sung cho các trường học. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp theo Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Những bước đi chiến lược, đồng bộ

Sở đã có những giải pháp, cách thực hiện như thế nào?

Năm 2014, Sở GD&ĐT Hà Giang đã ký thỏa thuận hợp tác với Viễn thông Hà Giang (VNPT Hà Giang) triển khai phần mềm Quản lý nhà trường (vnEdu). Sau khi thí điểm thành công, Sở đã triển khai đến 243 trường phổ thông trong tỉnh.

Sở đã chọn VNPT Hà Giang là đối tác toàn diện hỗ trợ triển khai đột phá ứng dụng CNTT trong toàn ngành bắt đầu từ năm 2017; Gồm: Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT kết nối với 11 cổng các Phòng GD&ĐT và 677 trang thông tin điện tử thành phần của các trường, trung tâm.

Trong đó, điểm đặc biệt là các hệ thống này hoàn toàn được tích hợp tự động như: Tự động đăng văn bản từ phần mềm Quản lý văn bản điều hành (VNPT - iOffice), tự động đăng kết quả học tập, lịch, kế hoạch, thời khóa biểu từ phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu) lên Website các trường. Đồng thời áp dụng ký số đối với văn bản và áp dụng sổ sách điện tử, báo cáo trực tuyến thay thế, loại bỏ hình thức giấy.

Để đảm bảo việc ứng dụng CNTT theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng đúng các yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”.

Để đảm bảo tính thống nhất trong toàn ngành, ngày 15/12/2017 Sở GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2386/QĐ-SGDĐT về việc ban hành quy chế sử dụng ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập và áp dụng báo cáo trực tuyến, sổ sách điện tử. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng trong việc ứng dụng CNTT đối với ngành.

Những kết quả quan trọng

Ông có thể nêu bật những kết quả đạt được của công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy - học tập và áp dụng báo cáo trực tuyến, sổ sách điện tử trong toàn ngành thời gian qua?

Nhờ những bước triển khai đồng bộ quyết liệt, đến nay, ngành Giáo dục Hà Giang đã đạt được nhiều mục tiêu trong kế hoạch đề ra: Đã hoàn thành 100% việc cập nhật cơ sở dữ liệu trường, lớp, giáo viên, học sinh, điểm số... toàn ngành trên địa bàn tỉnh lên phần mềm Quản lý nhà trường (vnEdu), dữ liệu được liên thông giữa các cấp học trong tỉnh và toàn quốc, đảm bảo dữ liệu quốc gia về giáo dục.

Đã triển khai xong và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin thành phần thống nhất chung trong toàn ngành đến 100% các đơn vị; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Phòng GD&ĐT, bước đầu áp dụng hành chính công cấp độ 2; 100% các trường và các trung tâm GDTX - HN, ứng dụng CNTT toàn diện trong quản lý tại đơn vị.

Đã cấp gần 6.000 tài khoản sử dụng phần mềm Quản lý Văn bản điều hành (VNPT - iOffice) cho các chức danh từ tổ phó chuyên môn đến lãnh đạo và các chức danh khác tại 100% các cơ sở giáo dục, đã triển khai các ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ cho việc khai thác thường xuyên các ứng dụng CNTT như nhận thông báo họp, văn bản đến, điểm danh, cho điểm…

80% trường học sử dụng sổ, sách, hồ sơ điện tử thay sổ sách giấy, trong đó đã áp dụng sổ điểm cá nhân; sổ điểm tổng hợp (sổ gọi tên và ghi điểm); sổ học bạ; sổ đăng bộ; sổ xét tốt nghiệp; lịch báo giảng; sổ chủ nhiệm, kế hoạch giảng dạy; sổ hạnh kiểm; sổ điểm danh. 60% các loại báo cáo giấy được chuyển sang hình thức báo cáo trực tuyến trên vnEdu và đã áp dụng hình thức ký số trong các loại báo cáo trực tuyến.

Công tác tuyên truyền của ngành được tiến triển một bước và đạt hiệu quả. Hiện tại, đã có gần 1.900 tin bài về các hoạt động giáo dục và đào tạo được đăng tải trên trang web của các trường và Sở. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Sở đảm bảo, kịp thời, thường xuyên.

Năm 2017, Sở được Chủ tịch UBND tỉnh giao 159 nhiệm vụ, Sở đã hoàn thành 151 còn 8 nhiệm vụ đang hoàn thành trong hạn, không có nhiệm vụ quá hạn. Mọi thông tin được công khai, minh bạch để toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân dân biết. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Để đảm bảo việc ứng dụng CNTT theo Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 và đáp ứng đúng các yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Cục CNTT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.