Bước đi vững chắc thực hiện dạy học cả ngày ở tiểu học

GD&TĐ - Dạy học cả ngày ở giáo dục tiểu học là hướng đi phù hợp với xu thế thời đại cũng như với yêu cầu, mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; đáp ứng đòi hỏi của cha mẹ học sinh và xã hội về chất lượng và hiệu quả giáo dục tiểu học.

Bước đi vững chắc thực hiện dạy học cả ngày ở tiểu học

Xây dựng lộ trình thực hiện dạy học cả ngày

Theo báo cáo tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) 2010 - 2016, tất cả các hoạt động của SEQAP đều hướng tới hỗ trợ xây dựng chính sách và quy trình về dạy học cả ngày để triển khai trong cả nước.

Xây dựng lộ trình thực hiện dạy học cả ngày là một đóng góp quan trọng của SEQAP trong việc phát triển chính sách quản lý giáo dục tiểu học theo định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Theo đó, Chương trình này đã thực hiện nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi các trường tiểu học từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày (lộ trình FDS), để đến năm 2020 đạt mục tiêu cả nước có 90% số trường tiểu học áp dụng dạy học cả ngày.

Dựa trên kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu độc lập của SEQAP, tháng 12/2014, cả nước đã có khoảng 65% số trường tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, 26% số trường thực hiện kết hợp cả dạy học nửa ngày và dạy học cả ngày; 9% số trường vẫn còn thực hiện dạy học nửa ngày.

Nghiên cứu đưa ra kết luận với cách áp dụng các phương án dạy học linh hoạt như của SEQAP, việc thực hiện mục tiêu dạy học cả ngày vào năm 2020 là có thể đạt được, nếu áp dụng các chính sách phù hợp và chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải có bước đi, chuẩn bị các điều kiện và hướng dẫn thực hiện. Qua nghiên cứu và thực tế áp dụng của SEQAP cho thấy, các vấn đề đặt ra khi thực hiện Lộ trình này là:

Thứ nhất: Lập kế hoạch triển khai cho các trường chưa chuyển đổi sang dạy học cả ngày, đồng thời cần xác định các tiêu chí lựa chọn trường vào triển khai theo giai đoạn và xác định thời gian cho quá trình chuyển đổi của các trường, trong đó tính đến khả năng về tài chính và các nguồn lực khác cần cho việc hỗ trợ chuyển đổi;

Thứ 2: Chọn phương án dạy học cả ngày phù hợp đối với các trường: Áp dụng T30, T33, T35 hoặc kết hợp các phương án.

Thứ 3: Xác định điều kiện cơ sở vật chất cần và đủ cho các trường khi chuyển sang dạy học cả ngày mà đích cuối cùng là T35 (bao gồm về số phòng học, phòng học đa năng, khu vệ sinh, thư viện, nhà bếp, chỗ ăn, chỗ nghỉ trưa cho học sinh);

Thứ 4: Xem xét phân bổ nguồn lực cho các trường (theo số học sinh hay phân bổ theo biên chế giáo viên, cán bộ, nhân viên; yếu tố vị trí địa lý và điều kiện kinh tế vùng miền, nhóm học sinh khác nhau với nhu cầu khác nhau);

Thứ 5: Xác định khối lượng công việc của giáo viên và phân bổ giáo viên;

Thứ 6: Xác định những hỗ trợ kinh phí không thể thiếu được cho vùng khó khăn;

Thứ 7: Thông qua xã hội hóa để thêm nguồn lực hỗ trợ cho dạy học cả ngày.

Có thể nói, tất cả các hoạt động của SEQAP đều hướng tới hỗ trợ xây dựng chính sách và quy trình về dạy học cả ngày để triển khai trong cả nước. SEQAP đã thực hiện có kết quả các nghiên cứu tập trung vào một số lĩnh vực chính sách cụ thể ở cấp quốc gia.

Nghiên cứu về những thay đổi đối với các quy định hiện hành về phân bổ giáo viên khi chuyển từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày ở trường tiểu học; nghiên cứu nhu cầu tài chính phát sinh từ dạy học cả ngày; nghiên cứu chiến lược huy động cộng đồng tham gia hỗ trợ cho những thay đổi được đề xuất; đánh giá tác động của một số đầu vào được được lựa chọn cho việc triển khai dạy học cả ngày trong cả nước.

Giải pháp quan trọng thực hiện 90% trường tiểu học học cả ngày ngày vào 2020

Khi xem xét việc triển khai dạy học cả ngày trên cả nước, câu hỏi đặt ra là có thể triển khai mà không cần có những điều kiện như đã đặt ra ở trong khuôn khổ SEQAP hay không?

Thực tế cho thấy, dạy học cả ngày có thể thực hiện trong những bối cảnh không tối ưu và rất khác nhau. Chẳng hạn như có trường không đủ mỗi phòng học cho mỗi lớp, có ít giáo viên hơn so với định mức hiện tại, vẫn quản lý được dạy học cả ngày tuy chưa được tập huấn và cũng không có các sổ tay hướng dẫn như SEQAP đã cung cấp.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thực sự, các trường vẫn phải có các điều kiện cần thiết tối thiểu về cơ sở vật chất, giáo viên, kinh phí chi thường xuyên đáp ứng với SEQAP cho dù lựa chọn phương án T30, T33 hay T35; cán bộ quản lý và giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học cả ngày. Trên cơ sở đó, SEQAP đã xây dựng được Lộ trình thực hiện FDS, đến năm 2020 với 90% các trường tiểu học trong cả nước chuyển sang FDS.

Đánh giá trong báo cáo tổng kết SEQAP, lộ trình dạy học cả ngày sẽ giúp các cơ quan quản lý hoạch định chính sách, bổ sung các điều kiện cần thiết cho việc dạy và học; xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn cho việc nâng cao chất lượng của giáo dục tiểu học trong cả nước.

Lộ trình thực hiện dạy học cả ngày cũng là giải pháp quan trọng để đi đến thực hiện mục tiêu đạt 90% số trường tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm 2020 quy định tại Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020. Lộ trình này không chỉ thiết thực đối với vùng khó khăn mà còn là chỉ dẫn cần thiết để nâng cao hiệu quả dạy học cả ngày ở tất cả các vùng miền khác nhau.

Lộ trình thực hiện dạy học cả ngày là tổng hợp kinh nghiệm của SEQAP nhằm chuyển một trường tiểu học hoặc các trường của một huyện, một tỉnh từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày.
Lộ trình dạy học cả ngày đưa ra các chỉ dẫn để khảo sát thực trạng trường tiểu học, nâng cao nhận thức của các bên liên quan (nhà trường, cộng đồng, cha mẹ học sinh, học sinh…) về dạy học cả ngày, chỉ ra các điều kiện cần có, các bước đi thích hợp, các hoạt động cụ thể để chuyển sang dạy học cả ngày.

Lộ trình thực hiện dạy học cả ngày là một sự tổng kết thực tiễn nên mang tính thuyết phục cao, có ích cho các trường tiểu học, đặc biệt các trường ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số khi chuyển sang dạy học cả ngày.

Báo cáo tổng kết SEQAP 2010 - 2016

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ