“Bức tranh” tổng thể nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên phổ thông

GD&TĐ - Thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) vô cùng cần thiết.

Bồi dưỡng giáo viên phổ thông tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bồi dưỡng giáo viên phổ thông tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Từ thông tin này, các đơn vị chức năng có căn cứ để rà soát, cập nhật, điều chỉnh chương trình, tài liệu và phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng; từ đó giúp đội ngũ phát triển năng lực nghề nghiệp hiệu quả hơn.

Giáo viên đề xuất nội dung mong muốn được bồi dưỡng

Khẳng định bồi dưỡng thường xuyên là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) cho biết: Ghi nhận trên Hệ thống TEMIS của nhà trường, nhu cầu được bồi dưỡng về “sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh” được đa số thầy cô lựa chọn (28/61 thầy cô).

“Là giáo viên giảng dạy môn Công nghệ nên bản thân thấy rất cần được bồi dưỡng các chuyên đề về lập trình, Arduino, STEM để có thể thực hiện tốt Chương trình 2018; cùng với đó là kỹ năng sử dụng, thực hiện các thí nghiệm thực hành cho chương trình mới.
Thực tế, dù là giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng trực tiếp từ Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, nắm rất rõ quan điểm và chương trình, tuy nhiên có nhiều nội dung, chuyên đề tôi thấy vẫn cần được đào sâu để nắm chắc hơn, không băn khoăn khi thực hiện. Hoạt động bồi dưỡng muốn có hiệu quả cần sự quan tâm của sở GD&ĐT, nhà trường; đặc biệt là nội dung bồi dưỡng cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng phù hợp với Chương trình 2018” - thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Hai nội dung có nhu cầu bồi dưỡng nhiều thứ 2 là: “Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh” và “Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018”. Tiếp theo là các nội dung: “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học giáo dục” (11/61 thầy cô lựa chọn); “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (8/61 thầy cô lựa chọn).

Tại Hải Dương, thông tin từ ông Lương Văn Việt, Giám đốc sở GD&ĐT, nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng được giáo viên lựa chọn nhiều nhất là ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Có 3.056 giáo viên trên tổng số 14.673 thầy cô mong muốn được bồi dưỡng nội dung này. Tiếp đến là nội dung sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (2.629/14.673 người, tỷ lệ 17,92%). Ngoài ra, số thầy cô có nhu cầu hoàn thành mô-đun bồi dưỡng trong hè chiếm 21,67%.

Với Hưng Yên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phê cho biết: Nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng của giáo viên được lựa chọn nhiều nhất là “sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (3.211/9.728 người, chiếm tỷ lệ 33,01%). Nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng của giáo viên được lựa chọn ít nhất là “kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (2.328/9.728 người, chiếm tỷ lệ 23,93%).

Báo cáo TEMIS của Sở GD&ĐT Bình Định cho thấy, nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng của giáo viên được lựa chọn nhiều nhất theo thứ tự là “ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục” (21,31%); “sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (19,59%); “phát triển chuyên môn bản thân” (19,08%); “xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (16,48%); “kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (14,82%).

Giáo viên phổ thông được bồi dưỡng tại Trường ĐH Trà Vinh.
Giáo viên phổ thông được bồi dưỡng tại Trường ĐH Trà Vinh.

5 nội dung bồi dưỡng giáo viên mong muốn tham gia nhiều nhất

Thông tin từ TS Lê Thị Kim Anh, Chuyên gia tư vấn Ban Quản lý Chương trình ETEP, theo kết quả đánh giá 767.632/810.000 giáo viên cơ sở GDPT trên Hệ thống thông tin quản lý đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) đến 31/12/2021, có 5 nội dung bồi dưỡng mà giáo viên mong muốn tham gia nhiều nhất: Ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục; Phát triển chuyên môn bản thân; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số); Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo kết quả đánh giá của 56.517/59.000 hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trên Hệ thống TEMIS đến 31/12/2021, các nội dung mà cán bộ quản lý cơ sở GDPT muốn được bồi dưỡng nhiều nhất là: Sử dụng ngoại ngữ; Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; Ứng dụng CNTT; Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường.

Ở hầu hết các nội dung, phần lớn giáo viên mong muốn được bồi dưỡng vào thời gian nghỉ hè. Các nội dung có nhiều giáo viên muốn được bồi dưỡng trong vòng 1 năm tới gồm: Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (26,4% ý kiến); Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh (26,3% ý kiến); Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (26,0% ý kiến); Tư vấn và hỗ trợ học sinh (25,9% ý kiến); Ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục (25,6% ý kiến); Phát triển chuyên môn (25,0% ý kiến).

Ngoài Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học của GDPT do Bộ GD&ĐT thực hiện, TS Lê Thị Kim Anh cho biết: Sở GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT trên địa bàn và chủ động bồi dưỡng, phối hợp với các trường ĐHSP bồi dưỡng theo nhu cầu giáo viên.

Ngoài ra, giáo viên tự chọn các mô-đun bồi dưỡng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm theo quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở GDPT của Bộ GD&ĐT.

“Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học của GDPT do Bộ GD&ĐT thực hiện; Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển GDPT theo từng thời kỳ của mỗi địa phương do sở GD&ĐT thực hiện và Chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm đều có thời gian bồi dưỡng là khoảng 40 tiết/năm học” - TS Lê Thị Kim Anh cho hay.

Còn tại Lai Châu, nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng của giáo viên được lựa chọn nhiều nhất là “sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (31,43%). Nội dung đăng ký học tập, bồi dưỡng của giáo viên được lựa chon ít nhất là “kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” (22,4%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ