Bữa ăn học đường "giữ chân” học trò vùng khó

GD&TĐ - Thương các em học sinh nghèo, còn nhỏ trong khi bố mẹ vật lộn với nương rẫy, các thầy cô ở vùng khó Pá Mỳ bằng tình yêu thương và sự sẻ chia đã tìm mọi cách để giữ học trò ở lại lớp...

Nhờ tạo được nhiều sân chơi bổ ích nên tỷ lệ học sinh đến lớp ở Mường Nhé tăng cao. Ảnh: Ngọc Diệp
Nhờ tạo được nhiều sân chơi bổ ích nên tỷ lệ học sinh đến lớp ở Mường Nhé tăng cao. Ảnh: Ngọc Diệp

Bát cơm nguội chan nước lã

Một ngày làm việc của cô giáo Bùi Thị Mái, giáo viên cắm bản Pá Mỳ 3, Cụm 2 thuộc Trường Mầm non Pá Mỳ (xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) bắt đầu bằng việc đi “chợ” từ sớm tinh mơ. Gọi là chợ nhưng thực ra ở Pá Mỳ không có chợ, mà chỉ là mua bán tại vài quầy hàng tạp hóa ở trung tâm xã. Hôm nào cô Mái cũng  mua bánh quy trước rồi mới đến thực phẩm. 

Điểm trường Pá Mỳ 3, Cụm 2 cách trung tâm xã gần chục cây số. Ở đây có duy nhất một lớp ghép (từ 36 tháng - 5 tuổi) với 20 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông trong bản. Sáng sớm khi học sinh đến lớp, cô Mái chia một nửa số kẹo trong ngày cho học sinh để “khích lệ” các cháu. Số còn lại cô treo ngay ở góc lớp, dành đến chiều cho các em khi ngủ dậy. Bằng cách làm đơn giản ấy cô đã giữ chân được học trò. 

“Ở đây, các cháu thiếu thốn đủ thứ. Nên mỗi khi cô mua kẹo, mang lên lớp chia thì các cháu vui lắm. Thương các em nhất là đến mùa gặt lúa nương. Bố mẹ các em đi làm xa, biền biệt đến nửa tháng mới về. Các con không đến lớp thì ở nhà lang thang, chẳng có ai chăm sóc. Vì thế, mỗi buổi sáng, điểm danh thấy thiếu em nào là tôi đến tận nhà để tìm hiểu xem vì sao con chưa ra lớp”, cô giáo Bùi Thị Mái chia sẻ.

Giàng Thị Mua, 3 tuổi là học sinh bé nhất lớp. Giờ thể dục buổi sáng, Mua cứ nép sau lưng chị gái là Giàng Thị Sua khóc nức nở vì thấy người lạ mặt. Phần cũng bởi Mua đang sốt cao nên quấy khóc. Bố mẹ em gặt lúa trên nương đã hơn tuần nay chưa về. Thấy cô giáo vào bếp chuẩn bị nấu ăn cho cả lớp, Mua lẻn ra cổng, chạy về theo mấy anh lớn tuổi hơn gần nhà. Mua chạy khắp bản tìm gọi bố, mẹ… nhưng không thấy. Cuối cùng, em lại trở về lớp, tìm đến cô giáo.

“Đến lớp, các cháu được cô giáo dạy chữ, được ăn cơm nên các cháu rất thích đi học. Nhiều gia đình khó khăn. Bố mẹ vắng nhà, các con lấy cơm nguội ra rồi chan ít nước lã và muối ớt để ăn. Vì thế khi lên lớp cô mua dù là quả trứng, mì tôm hay ít thịt băm cũng là có chất dinh dưỡng và các con ăn ngon lành”, cô Mái kể tiếp. 

Cô giáo Bùi Thị Mái cùng các trò nghèo. Ảnh: Ngọc Minh
Cô giáo Bùi Thị Mái cùng các trò nghèo. Ảnh: Ngọc Minh

Tạo nhiều sân chơi bổ ích

Ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT) Pá Mỳ, mỗi tuần học sinh được mặc áo đồng phục một lần vào ngày thứ 2. Kết thúc ngày học, giáo viên chủ nhiệm thu lại, mang về giặt, phơi và bảo quản. “Nhiều gia đình đông con, bố mẹ suốt ngày đi rừng làm nương nên họ đưa hết con cái ra trung tâm xã để học rồi gửi gắm thầy cô. Vì thế, ngoài dạy chữ chúng tôi còn kiêm luôn vai trò làm bố, làm mẹ. Thầy cô trông coi cho đến khi các cháu ngủ hết mới yên tâm về nhà”, cô giáo Lò Thị Toàn bộc bạch.

Cách nhau một lối đi nhỏ, phía bên kia là Trường PTDTBT THCS Pá Mỳ. Giữa sân trường, thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến, Hiệu trưởng hớt hải cầm micro ra giữa sân trường để chỉ đạo các khối lớp tổ chức hoạt động trải nghiệm. Đây cũng là cách để “giữ chân” học trò ở lại trường học. Mấy năm nay, các thầy cô giáo ở đây cũng đỡ vất vả hơn trước. Còn như trước kia, cứ đến mỗi dịp đầu năm học, mùa đi nương hay dịp sau Tết là thầy cô lại lội suối, trèo đèo đến các bản vùng cao xa xôi để gọi học sinh. 

“Chúng tôi trăn trở và thống nhất thường xuyên tạo ra các sân chơi bổ ích cho các con. Mỗi tuần chúng tôi tổ chức một chủ đề, chủ điểm riêng trong buổi sinh hoạt tập thể. Khi thì tuyên truyền chống bạo lực học đường. Có lúc lại phổ biến các kiến thức về phòng chống ngộ độc lá ngón, hay như tuyên truyền để xóa bỏ hủ tục, lạc hậu, nạn tảo hôn… Đó là sân chơi bổ ích để các con thêm đoàn kết, gắn bó với nhà trường và thầy cô”, thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến phấn khởi nói.

“Tuy là xã nghèo, song chúng em cũng cố gắng huy động xã hội hóa bằng mọi cách như đi xin sách, quyên góp truyện đọc để củng cố đầu sách cho thư viện. Thấy có sách hay, các cháu thi nhau lên mượn sách, truyện về đọc. Các thầy cô cũng thấy phấn khởi”, thầy Tuyến cho biết thêm.

Bên cạnh đó, thầy Tuyến chia sẻ về giai đoạn những năm chưa có mô hình trường PTDTBT. Thời điểm đó, hầu hết học sinh đều ở trong những lán tạm được dựng bằng tranh tre nứa lá do bố mẹ dựng cho để học. Bữa cơm hàng ngày của học sinh thời ấy chỉ với mấy món đơn giản là muối trắng, gừng và ớt khô. “Nhớ ngày đó, các cháu chỉ ăn cơm và muối trắng. Mỗi khi được nghỉ, các cháu vào rừng bẫy chuột, tối đến lại ra suối soi cá để bắt. May mắn thì bắt được con dúi hay con cá thì còn có bữa ăn tươi. Có những hôm bố mẹ lên thăm, gửi cho được con cá khô là quý lắm rồi”, thầy Tuyến nhớ lại.

Cũng từ khi có mô hình trường PTDTBT, học sinh ở Pá Mỳ đi học đều hơn, chuyên cần hơn. Thầy cô cũng không còn quá vất vả khi phải đi đến từng nhà để vận động như trước nữa. Học sinh có chế độ ăn ở trường, thầy cô cũng xây dựng nhiều kế hoạch thiết thực, ví dụ như: Giao khoán đất để tăng gia. Trên diện tích được phân chia, mỗi lớp tổ chức trồng, chăm sóc vườn rau, nuôi lợn, nuôi gà… như một mô hình kinh tế riêng. Sản phẩm các em làm ra đều được nhà trường bao tiêu theo giá thị trường để phục vụ chính bữa cơm của các em. Tiền bán rau thu được thì được chia cho học sinh hoặc để các lớp gây quỹ. 

Bây giờ, sản phẩm các em làm ra, các em được sử dụng. Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng hơn trước, được thầy cô tính toán, thực hiện việc đổi món theo biểu đồ dinh dưỡng. Vì thế các con thích đến trường hơn là ở nhà vì ở đây các con được học kiến thức, được ăn ngon từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước. Phụ huynh người ta cũng hoàn toàn tin tưởng khi giao con em mình cho thầy cô. - Thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ