Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, nâng giáo dục lên tầm cao mới

GD&TĐ - Sáng 27/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2021–2025.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn,  nguồn lực còn hạn hẹp, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp GD-ĐT nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được dư luận xã hội cả nước ghi nhận, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Những kết quả nổi bật về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đó là: Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD-ĐT cơ bản được hoàn thiện; Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao;

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực; Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến tích cực; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng đặt ra các giải pháp cụ thể:

Đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý

Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn. Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn vừa qua.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục sẽ chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; hoàn thiện cơ chế để cơ quan quản lý giáo dục được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và phân bổ, sử dụng nguồn tài chính dành cho giáo dục của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các địa phương.

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh kiện toàn Hội đồng trường đúng quy định về số lượng, chất lượng, cơ cấu và thành phần, bảo đảm thực quyền theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định 99 của Chính phủ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý - quản trị giáo dục trực tuyến trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên,cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thời gian qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, nâng cao chất lượng một bước.

Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn bấp cập, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong thời gian tới.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học.

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương theo “mô hình vệ tinh” với các trường đại học sư phạm trọng điểm.

Xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, bảo đảm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Tiếp tục chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo các vị trí chức danh, xây dựng lộ trình và thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và thực hiện bồi dưỡng đội ngũ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp.

Các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.

Tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày, nhất là ở vùng khó khăn. Trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

Khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; rà soát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tổ chức hoạt động và tiêu chuẩn đội ngũ, cơ sở vật chất tối thiểu để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án của Chính phủ về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; tập trung bố trí kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực và tiếp cận quốc tế. Rà soát sắp xếp lại các đại học, trường đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Hình thành một số đại học, trường đại học trọng điểm và khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục

Những năm qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; số hóa các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ GD&ĐT với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Tăng cường công tác truyền thông

Giáo dục có liên quan đến từng người, từng gia đình nên luôn được xã hội quan tâm, góp ý. Bởi vậy, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới giáo dục; các chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT và các địa phương cần được chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân.

Chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và tự chủ đại học, trước hết là quán triệt sâu sắc trong nội bộ ngành Giáo dục.

Kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới GD-ĐT trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện...

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.