Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không để giáo viên nào bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19; tuy nhiên toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép, gần đây nhất là Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm học 2019 - 2020, triển khai công tác năm học 2020 - 2021, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV nhiệm kỳ 2018 - 2020 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

5 bài học kinh nghiệm

Bộ trưởng biểu dương Công đoàn ngành đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, không nặng về phong trào. Năm qua, ngành Giáo dục bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu kép, gần đây nhất là Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1. Đặc biệt, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học an toàn; trong đó có công sức của các thầy, cô làm công đoàn ngành.

Đánh giá cao kết quả các hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng ghi nhận, chất lượng hoạt động của công đoàn đã có nhiều đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Qua thực tiễn, Bộ trưởng nêu lên 5 bài học kinh nghiệm để Công đoàn ngành tiếp tục kế thừa, phát huy và khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.

Toản cảnh hội nghị
Toản cảnh hội nghị

Thứ nhất - bài học về sự phối hợp. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với Bộ GD&ĐT, các địa phương và các đơn vị công đoàn cơ sở đã được triển khai thực hiện tốt.

Đặc biệt sự phối hợp giữa Bộ và Công đoàn ngành rất sát thực, hiệu quả và được coi là sự đột phá. Điều này đã tạo ra sự cộng hưởng tốt trong thực thi nhiệm vụ và tạo nên những kết quả tích cực, hướng tới đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

Bộ trưởng cũng nêu lên một số điểm chưa thành công cần được khắc phục trong thời gian tới, đó là: Công tác phối hợp về mặt tổ chức. Theo đó, cán bộ làm công đoàn cần phối hợp chặt chẽ, sâu sát hơn với các bộ phận chuyên môn để các hoạt động ngày càng sát thực, hiệu quả. 

Ngoài ra, công tác thông tin, trong đó có thông tin các hoạt động về chỉ đạo, điều hành những vấn đề của ngành Giáo dục cần được đẩy mạnh hơn nữa và có thể đưa vào tiêu chí để đánh giá thi đua của các đơn vị.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến

Thứ hai - bài học về phương châm, trọng xây hơn chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Theo Bộ trưởng, đối với ngành Giáo dục nói chung, chúng ta phải khơi dậy tâm huyết, nhiệt tình đổi mới, sáng tạo của các thầy, cô giáo; phải giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt khó.

Chúng ta phải có bản lĩnh, thái độ rõ ràng, cái gì chưa chuẩn thì chỉnh lại cho chuẩn nhưng phải có niềm tin vào ngành Giáo dục.

Năm vừa rồi, Công đoàn ngành có nhiều hoạt động tốt như: Mở các lớp tập huấn tăng cường năng lực sư phạm, những hoạt động thầy cô thay đổi… Bộ trưởng cho rằng, cần nhân rộng trường học hạnh phúc, những tấm gương thầy, cô giáo tâm huyết, sáng tạo trong dạy học.

Đặc biệt, nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động đã trở thành những hoạt động nổi bật, gắn liền với tên tuổi của Công đoàn Ngành như: phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Dân chủ- Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Thứ ba – bài học về phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề; đồng thời khơi dậy những điển hình tiên tiến. Bộ trưởng ghi nhận, đây là điểm sáng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong năm qua.

Nhiều vấn đề về bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo được Bộ trưởng đánh giá cao như: Vấn đề giáo viên hợp đồng, công đoàn có ý kiến kịp thời để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho thầy, cô.

Hay như dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống nhà giáo, Công đoàn đã có ý kiến đề xuất để hỗ trợ thầy, cô giáo vượt qua khó khăn, để tiếp tục bám trường, bám lớp.

Đặc biệt, hoạt động biểu dương, ghi nhận, vinh danh giáo viên được Công đoàn ngành thực hiện tốt. Điển hình như, năm 2019, lần đầu tiên Công đoàn tổ chức Lễ vinh danh Nhà giáo của năm. Một việc làm có ý nghĩa sâu sắc.

Ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và hoạt động công đoàn
Ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc  trong công tác và hoạt động công đoàn

Thứ tư - bài học về công tác truyền thông. Theo Bộ trưởng, năm vừa rồi công tác truyền thông của Công đoàn ngành rất nổi bật. Tiêu biểu là Công đoàn đã xây dựng được fanpage. Đây là kênh truyền thông nội bộ và là diễn đàn để các thầy cô biểu thị quan điểm, tâm tư nguyện vọng của mình. Trên cơ sở đó, Công đoàn ngành đã tham mưu cho Bộ rất tốt.

Ngoài ra, nhiều hoạt động của ngành cũng được truyền thông hiệu quả. Tới đây, cần tăng cường ý kiến đa chiều; trong đó tinh thầy xây dựng là chính.

Thứ năm - bài học về tăng cường năng lực của cán bộ giáo dục làm công tác công đoàn. Bộ trưởng nhấn mạnh, một hoạt động mạnh thì tổ chức và con người trong tổ chức ấy phải chuyên nghiệp.

Dự báo năm học tới, ngành Giáo dục sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, trong khi dịch Covid-19 vẫn còn. Hơn nữa, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Theo đó, Công đoàn ngành sẽ đồng hành cùng với Bộ để động viên, hỗ trợ các thầy cô giáo phải vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các đơn vị
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các đơn vị

3 nhiệm vụ trọng tâm

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng lưu ý 3 nhóm vấn đề chính mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần quan tâm thực hiện, đó là: Bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho cán bộ nhà giáo, người lao động. Đối với giáo dục đại học, trong năm tới có chuyển biến mạnh trong tự chủ đại học.

Để tự chủ tốt, cần thực hiện dân chủ trong các trường đại học; đồng thời tăng thực quyền của Hội đồng trường và làm tốt công tác giám sát. Khi thực hiện dân chủ thì những vấn đề tồn đọng sẽ giải quyết được.

Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Vũ Minh Đức trao cờ thi đua cho các Công đoàn cơ sở xuất sắc
Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Vũ Minh Đức trao cờ thi đua cho các Công đoàn cơ sở xuất sắc

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, cần đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo và tự học của giáo viên. Bảo vệ cho thầy cô được đổi mới, trong đó có giáo viên lớp 1 khi thực hiện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với đó, Công đoàn ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động, giúp đỡ các thầy, cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ để không ai bị bỏ lại phía sau.

Mặt khác, cần tăng cường năng lực chuyên môn và kỹ năng làm công đoàn cho cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm. Đây là nội dung cần được tăng cường trong năm học tới.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - PCT Công đoàn GD Việt Nam trao cờ thi đua cho các Công đoàn cơ sở xuất sắc năm học 2019 - 2020
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - PCT Công đoàn GD Việt Nam trao cờ thi đua cho các Công đoàn cơ sở xuất sắc năm học 2019 - 2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.