Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình 4 nhóm vấn đề trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Thứ nhất, về chương trình SGK đã được thảo luận rất kỹ ở Quốc hội khóa trước. Cuối cùng Quốc hội đã thống nhất một chương trình có một số bộ SGK.

Theo Bộ trưởng, đổi mới lần này khác với những lần trước. Đó là đổi mới rất căn bản, toàn diện. Trước hết là chương trình tổng thể. Chương trình tổng thể bám rất sát vào mục tiêu, nội dung phương pháp.

Từ chương trình tổng thể bắt đầu đi vào chương trình chi tiết từng môn học và xây dựng trên một nguyên tắc chuẩn đầu ra từng cấp học, từng môn và có sự nối tiếp với nhau giữa các cấp học và môn học. CTGDPT là pháp lệnh và tất cả các trường phổ thông, các cơ sở GD trong toàn quốc sẽ dạy học theo chương trình này.

Việc thứ đến là đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản, với kiến thức phân hóa của địa phương. Trong chương trình thiết kế là 80% nội dung khung là thống nhất toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Nhưng không phải địa phương muốn viết gì thì viết, mà phải dưới sự hướng dẫn của Bộ và được Bộ thống nhất thẩm định.

Về sách giáo khoa. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, SGK là tài liệu cơ bản, quan trọng nhưng không phải là pháp lệnh. Tuy nhiên người viết SGK phải bám sát vào khung chương trình và không phải mỗi người viết một kiểu. Ngoài ra, Bộ đã có thông tư hướng dẫn những người được viết SGK nên không phải ai muốn viết cũng được. Sau khi viết xong SGK theo đúng quy trình, quy định, Bộ thành lập Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia để xem xét được ban hành.

Theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT chủ động chỉ đạo viết, biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này bình đẳng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân biện soạn và được thẩm định dựa trên khung chương trình, chương trình sách giáo khoa và Hội đồng Quốc gia.

Việc này nhằm thu hút được nhiều người giỏi, có điều kiện tham gia vào quá trình làm SGK; quan trọng hơn là khuyến khích các giáo viên chủ động sáng tạo, thiết kế bài giảng, chương trình giảng. Tránh trường hợp giáo viên dựa vào SGK như một tài liệu đóng khung, dẫn đến cứng nhắc, thầy dạy trò chép. Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đúng theo hướng đó.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai về giáo viên, người học. Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn; trong đó có nội dung về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường GD thân thiện, lành mạnh nhưng nhận thức và tổ chức thực hiện là chưa nghiêm.

Về chuẩn nhà giáo, Bộ trưởng chia sẻ: Đã có quy định về chuẩn giáo viên; trong đó phẩm chất đào tạo, phẩm chất nghề nghiệp và xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình – cộng đồng được đánh giá rất cao. Còn về chuẩn Ngoại ngữ, Tin học, không phải tất cả giáo viên đều phải có chứng chỉ. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên rất cần nhưng phải linh hoạt, phù hợp để đạt được đích đến, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên phấn đấu.

Thứ ba về GD hòa nhập, Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tổng kết 10 năm mô hình trường phổ thông bán trú, nội trú cho thấy có rất nhiều mặt được. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải mở rộng GD hòa nhập để làm sao các cháu dân tộc thiểu số có cơ hội, điều kiện hòa nhập với các cháu cùng trang lứa ở địa bàn. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để làm rõ về nội dung này.

Thứ tư về tài chính trong GD. Dự thảo luật có nêu nhưng cần làm rõ. Thực tế, ngân sách Nhà nước rất tạo điều kiện, rất cố gắng nhưng trong bối cảnh hiện nay không thể đáp ứng được với nhu cầu nâng cao chất lượng GD.

"Chúng tôi đề xuất và đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu. Một mặt, kiến nghị nhà nước trước hết có trách nhiệm đối với GD đại trà, bồi dưỡng tài năng, vùng trũng khó khăn, miền núi hải đảo, đồng thời khuyến khích chất lượng GD ở trình độ cao và tăng cường xã hội hóa, nhằm góp phần giảm áp lực cho ngân sách địa phương" - Bộ trưởng nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.