Bất cập trong quản lý Nhà nước về Giáo dục: “Bài toán” cần lời giải

GD&TĐ - Trao đổi về một số vấn đề liên quan quản lý Nhà nước đối với GD, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhắc tới bài học kinh nghiệm từ nước bạn Lào, đồng thời đề xuất: Nếu cần thiết, có thể tổ chức hội thảo về việc làm thế nào để Bộ GD&ĐT có thể quản lý con người và tài chính. 

Đổi mới GD đòi hỏi sự thống nhất về quản lý. Ảnh: Hà Thành
Đổi mới GD đòi hỏi sự thống nhất về quản lý. Ảnh: Hà Thành

Còn ông Nguyễn Hoàng Nhi – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Chỉ khi nào giao cho Sở GD&ĐT chủ trì và quyết định về nhân sự và chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương thì lúc đó ngành Giáo dục mới chủ động”.

Kinh nghiệm từ nước bạn Lào

Nhớ lại chuyến công tác sang nước bạn Lào, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, những ấn tượng tốt đẹp. Song quan trọng nhất là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý GD. “Ở Lào việc quản lý GD rất hay. Chẳng hạn Bộ GD chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý các cấp trong ngành. Có như vậy thì Bộ GD mới có thể điều động, sắp xếp nhân lực vào các vị trí phù hợp và thưởng phạt được phân minh” - PGS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Bây giờ nói thừa thiếu giáo viên thì Bộ GD&ĐT cũng khó giải quyết, bởi Bộ có được tuyển dụng đội ngũ này đâu. Tiền nhiều hay ít, Bộ cũng có quản đâu, mà chỉ được phân “một nhúm” thôi”. 

Liên hệ với Việt Nam, PGS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn cho rằng, Bộ GD&ĐT không có quyền, lại không có tiền. Về con người, Bộ cũng không được quản lý và tiền cũng không được điều phối. “Chẳng hạn như cử một anh giám đốc Sở thì cũng là ai cử chứ không phải là Bộ GD&ĐT. Mà người ta đã cử rồi, cuối cùng chỉ hỏi ý kiến Bộ GD&ĐT. Cho nên việc quản lý đội ngũ cán bộ và giáo viên hiện nay là bất cập. Mình không quản lý thì làm sao có thể chịu trách nhiệm được mọi chuyện” - PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Nói thêm về tài chính, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, ngân sách GD được cấp 20% nhưng Bộ GD&ĐT không được nắm và điều phối toàn bộ ngân sách này. Ngân sách này được phân xuống các địa phương và các bộ, ngành có liên quan; còn thực hiện phần ngân sách đó như thế nào, Bộ GD&ĐT cũng không nắm được. “Bất cập ở việc con người và quản lý tiền. Mà giữa con người và tiền phải quản lý như thế nào mới có chất lượng? Hai cái đó đều nằm ngoài tầm tay của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, ở Lào, Bộ GD của họ quản lý cả hai việc này lâu rồi. Chính vì vậy là GD của Lào chỉ trong một thời gian đã tiến bộ rất nhanh” - PGS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Từ thực tế nêu trên, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, trong Luật GD (sửa đổi) nên có cơ chế nào đó để Bộ GD&ĐT được quản lý cả con người (giáo viên và cán bộ quản lý GD) và phần ngân sách dành cho GD. Nếu không được nắm quyền toàn bộ và chưa quản lý tới đội ngũ giáo viên thì ít nhất phải quản lý đến lãnh đạo Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT.

Cần chính sách thống nhất

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhi, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, bài toán nhân lực cho ngành Giáo dục liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều thời điểm khác nhau nên tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, quan trọng nhất là nhân lực của ngành Giáo dục đến bây giờ chúng ta vẫn loay hoay tìm lời giải! Nếu vẫn duy trì theo cách ngành Nội vụ (tỉnh/huyện) tham mưu UBND cùng cấp thì rất khó để nắm chắc số lượng giáo viên/môn ở các cấp học, ảnh hưởng công tác giảng dạy ở trường.

Thực tế phân cấp quản lý như hiện nay thì ngành GD-ĐT không còn chủ động trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Có những nơi sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Nội vụ chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển GD-ĐT. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến tuyển dụng không sát với thực tế, tạo ra nghịch lý thừa - thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương.

  • Ông Nguyễn Hoàng Nhi - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp

Ví dụ như năm 2018, huyện Krông Pắk của tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện tuyển dụng dư ra trên 400 giáo viên tiểu học, THCS và giáo viên mầm non, do đó nên giao cho Phòng GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính và phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu trình UBND cùng cấp quyết định. Đây sẽ là giải pháp hợp tình hợp lý nhất, vì nhân sự ngành Giáo dục sử dụng thì ngành sẽ biết rõ thừa, thiếu và điều động, bổ nhiệm như thế nào là hợp lý.

Vấn đề tự chủ trong ngành Giáo dục đã được nói nhiều, nhưng đến nay tự chủ về con người vẫn chưa được giao. Phòng GD&ĐT chỉ làm công tác tham mưu về nhân sự, có nơi Trưởng phòng GD&ĐT cũng chưa được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng... Nhiều nơi quy mô trường lớp, học sinh tăng nhưng biên chế giáo viên nhiều năm liền vẫn “giậm chân tại chỗ” nên ngành Giáo dục rất vất vả trong việc điều hành, bố trí nhân sự.

Chỉ khi nào giao cho Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chủ trì và quyết định, chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương, thì lúc đó ngành Giáo dục mới chủ động được về nhân sự. Trong tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ nhân lực của ngành GD-ĐT cần phải có sự tham gia, góp ý kiến, giám sát của ngành. Chỉ có người làm giáo dục mới hiểu hết được thực tế, chuyên môn.

Nếu ngành Nội vụ chỉ giao biên chế “một cục” mà không kiểm soát được nhu cầu thừa chỗ này, thiếu chỗ khác thì vướng mắc rất khó được giải quyết. Vấn đề hiện nay là giữa Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và chính quyền các địa phương cần có chính sách thống nhất, để làm sao ngành Giáo dục có bước chủ động trong vấn đề tuyển dụng. Cần phải có chế độ chính sách ổn định để giáo viên yên tâm làm việc đúng chuyên môn nghiệp vụ.Ông Nguyễn Hoàng Nhi 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.