Bảo vệ bữa ăn học đường

GD&TĐ - Việc có phải HS trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhiễm sán lợn từ chính bữa ăn học đường hay không, có hay không các trường nhập thực phẩm bẩn cho trẻ vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, làn sóng phụ huynh đưa con đi xét nghiệm, bức xúc vì con bị nhiễm bệnh là một lời cảnh báo cấp thiết cho các cơ sở GD:

Cần cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng và kiểm soát bữa ăn trong trường học. Ảnh: Hà Thành
Cần cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng và kiểm soát bữa ăn trong trường học. Ảnh: Hà Thành

Một khi an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo trong môi trường công cộng như học đường, mức độ nguy hiểm, tác hại về phương diện vật chất và tinh thần là hết sức lớn.

An toàn vệ sinh thực phẩm được gióng lên mỗi ngày trong đời sống dân sinh. Với tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường ở cấp mầm non, tiểu học ngày càng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn, chất lượng bữa ăn học đường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư liên tịch số 08 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GD. Trong đó đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường.

Ở cấp cơ sở, nhiều trường còn thành lập Ban giám sát do Hội Cha mẹ HS đảm nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức ăn bán trú về thực đơn, thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến thức ăn, tổ chức bữa ăn cho trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non và các bếp ăn học đường khác.

Tuy vậy, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học vẫn xảy ra. Có nhiều nguyên nhân, bên cạnh câu chuyện về trách nhiệm, đạo đức của người quản lý GD, người kinh doanh, còn có thể thấy các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, phạt tiền, rất khó ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào trường học.

Thực hiện đúng quy định, quy trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng chế tài pháp lý với hành vi vi phạm để bảo đảm bữa ăn học đường an toàn là cần thiết, nhưng cũng phải trên cơ sở khoa học. Gần đây, khi có thông tin dịch bệnh ở một số thực phẩm, nhiều trường học trên địa bàn dịch đã “tích cực” nói không với một số thực phẩm diện nghi án.

Chẳng hạn ngay sau khi Hà Nội công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, nhiều trường mầm non, tiểu học từ dân lập đến công lập trên địa bàn thành phố hạn chế hoặc tạm thời ngừng sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn của HS tại trường. Ở TPHCM, khi nghe nhiều xe lợn dịch vượt qua trạm kiểm soát vào thành, không ít trường kiên quyết không nhập thịt lợn vào bếp ăn học đường.

Điều quan trọng nhất ở các cơ sở trường học là lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm có đủ giấy tờ pháp lý, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm, cũng như chia sẻ thông tin với phụ huynh một cách minh bạch, khoa học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ