Bám bản, bám làng dạy chữ vùng cao

GD&TĐ - Mường Lát là huyện miền núi xa nhất và đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố 246 km. Những năm gần đây, hành trình về với Mường Lát không còn khó khăn như trước nhờ giao thông đi lại đã thuận lợi hơn. 

Bám bản, bám làng dạy chữ vùng cao

Thế nhưng, rất nhiều khu lẻ ở bản trong vùng sâu, vùng xa vẫn còn muôn vàn khó khăn, và những câu chuyện về những người thầy giáo miền xuôi cắm bản hàng chục năm để mang cái chữ về với đồng bào vẫn khiến nhiều người cảm phục.

Gắn bó máu thịt với vùng cao

Trò chuyện với chúng tôi về những ngày không thể quên, thầy giáo Lê Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý) bồi hồi nói: “Tôi đã gắn bó máu thịt với vùng cao Mường Lát hơn 24 năm rồi”.

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm 12+2 Thanh Hóa, thầy Viên tròn 20 tuổi. Thầy được cử đến Trường PTCS Tén Tằn dạy học.

Đến năm 2006, thầy Viên được chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lý, rồi lên làm Hiệu trưởng. Đến khi thành lập Trường Tiểu học Tây Tiến, thầy Viên được phân công đến làm Hiệu trưởng cho đến nay.

Nhớ lại những kỷ niệm về hành trình gieo chữ đầy khó khăn gian khổ, thầy Viên cười nói: Hành trình về Mường Lát những năm trước đây vô cùng vất vả.

Quê thầy ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), từ nhà lên đến Mường Lát phải đi mất cả ngày đường. Lên đến Mường Lát những con đường mòn lên các bản làng như những sợi chỉ vắt qua từng quả đồi.

Khác với các vùng cao khác, trên lối mòn đi vào Mường Lý như được dải lớp đá bi tròn nhỏ, khiến cho hành trình về Mường Lý trên những bản, làng càng thêm nhiều thử thách.

Đường đi vào Trường Tiểu học Tây Tiến duy nhất chỉ là một lối mòn đi bộ, đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu đúng như nhà thơ Quang Dũng đã từng miêu tả “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”.

Thế nhưng, tình yêu nghề, thương trẻ đã thôi thúc các thầy giáo trẻ không ngại khó, ngại khổ, gạt đi những vất vả để đến những vùng sâu, xa dạy học cho học sinh.

Thầy Viên kể: “Tháng 1/2008, khi thành lập Trường Tiểu học Tây Tiến ở bản Xì Lồ học sinh ở đây còn nhiều vất vả. Gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm nên sự quan tâm, chăm sóc các em cũng hạn chế.

Các em, tóc thì tốt, đầu lại nhiều chấy. Các thầy, cô giáo phải phải đưa học sinh đi cắt tóc, gội đầu; các thầy, cô giáo phải dùng tới xà phòng giặt để gội đầu, tẩy chấy cho các em”.

“Hiện nay, Trường Tiểu học Tây Tiến có hơn 400 học sinh, tất cả các điểm trường đều được xây dựng từ năm 2006, thế nên đã bị xuống cấp, không phù hợp với diện tích phòng học hiện nay.

Phần lớn, các điểm trường đều được dựng tạm bằng các nhà gỗ tạm. Có tới 7/8 điểm trường chưa có nhà ở giáo viên. Trong khi đó, đường xa, đi lại khó khăn nên các thầy, cô giáo cứ vài tuần mới về khu chính ở trung tâm xã Mường Lý một lần” - Thầy Viên cho biết thêm.

Tình yêu nghề vượt qua mọi khó khăn

Từng nhiều năm công tác tại điểm trường ở bản Cò Cài thuộc Trường Tiểu học Trung Lý 2 (xã Trung Lý), thầy Phạm Đăng Dung (Sinh năm 1982) không quên những ngày tháng khó khăn khi mới về trường dạy học.

Ngôi trường này được thành lập từ năm 2004, để đi từ trung tâm xã vào đến trường, không có phương tiện nào có thể đi được ngoài phải đi bộ 15 km đường rừng.

Người nào đi nhanh cũng phải mất hơn 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Ngoài ra, nơi đây không có sóng điện thoại nên vào đến khu này là hoàn toàn bị mất liên lạc với bên ngoài.

Những người từng công tác tại trường vẫn chưa quên câu chuyện, mẹ của thầy giáo Nguyễn Trọng Hán quê ở xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị mất cả tuần mà thầy không hề biết để về chịu tang.

Điều kiện cơ sở còn nhiều khó khăn, nên giai đoạn đầu cả điểm trường có 25 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ có một phòng ngủ. Mỗi kỳ họp tập trung hết cán bộ, giáo viên về trường, mọi người phải… ngủ chung một phòng.

Khó khăn đủ bề, từ điểm trường ở bản Cò Cài, giáo viên phải đi hơn 20 km mới đến được khu chợ của xã Hiền Kiệt (Quan Hóa), hoặc phải ngược lên chợ ở thị trấn Mường Lát là 65 km.

Vì vậy, tại nơi đây các thầy, cô giáo phải tự túc trồng rau, chăn nuôi gà, vịt. Điều kiện khó khăn như vậy, nên công văn, giấy tờ về đến Cò Cài mất cả tuần. Nhiều thông tin cuộc họp các thầy, cô giáo nhận được thì cuộc họp đã diễn ra trước đó vài ngày.

Thầy Dung chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, tôi được phân công về dạy tại điểm trường bản Cò Cài. Nơi vùng khó còn nhiều gian nan nhưng các thầy, cô giáo chúng tôi thấy hạnh phúc vì được đứng trên bục giảng, được dạy chữ cho các em học sinh nghèo.

Sau nhiều năm công tác ở bản Cò Cài, thầy Dung được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Sau đó, thầy Dung lại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu 1 - vùng đất xa hơn, cao hơn của Mường Lát.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Dung cười nói: “Ở mỗi vùng khó, giáo viên chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc. Nếu không có tình yêu nghề, không có sự đùm bọc, động viên lẫn nhau, có lẽ nhiều người đã chùn bước trước khó khăn.

Thầy cô giáo cắm bản không chỉ dạy chuyên môn mà cùng chung những khó khăn của học sinh nơi đây. Nhiều em phải dựng lều để trọ học do nhà xa trường.

Nhiều em nghỉ học do điều kiện gia đình quá khó khăn. Chúng tôi luôn biết giải quyết khó khăn để các em được đến lớp học cái chữ. Phần thưởng của chúng tôi là khóm hoa rừng của học trò tặng nhân dịp các ngày lễ”.

“Mọi người thường nói, khi còn trẻ cứ đi về bản khó trước, nhưng phần lớn các cán bộ, giáo viên Mường Lát luôn luôn xác định hành trình mang chữ của mình từ điểm khó này, đến điểm khó khác, để cùng góp một phần nhỏ công sức cho cuộc sống đồng bào nơi đây bớt khó, bớt khổ” - Thầy Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu 1, tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ