Bài học đắt giá

GD&TĐ - Trong số 78 cán bộ quản lý (CBQL) đã hết thời hạn bổ nhiệm có 34 hiệu trưởng, trễ từ 1 – 14 năm. 44 phó hiệu trưởng, trễ từ 1,5 tháng – 13 năm, đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành tại các đơn vị này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vụ “quên” bổ nhiệm lại CBQL giáo dục ở TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều đời trưởng phòng GD&ĐT trước đó, mà theo lời ông Lê Quang Thạch – Trưởng phòng GD&ĐT “cái sai sau chồng lên cái sai trước mà muốn làm “sạch” không còn cách nào là phải chấp nhận “đại phẫu”. 

Cái sai sau chồng lên cái sai trước do công tác cán bộ tại các trường học, trong thời gian dài bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là thả nổi. Và đây là lỗi hệ thống chứ không chỉ riêng của ngành Giáo dục. Nhiều CBQL, khi được hỏi, đã thẳng thắn thừa nhận chỉ tập trung chuyên môn, vấn đề công tác cán bộ đôi khi không sâu sát.

Có đơn vị quy hoạch nguồn CBQL còn ít, chưa rà soát bổ sung quy hoạch để đào tạo, dẫn đến thiếu nguồn nhân sự tại chỗ khi cần bổ nhiệm. Đơn cử, Trường THCS Phạm Hồng Thái, chỉ còn 1 GV diện quy hoạch CBQL do trước đó 1 GV trong nguồn quy hoạch chuyển trường và 1 GV chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch CBQL. 

Trưởng ban Pháp chế HĐND thị xã Ninh Hòa nhận xét: Mối quan hệ phối hợp giữa phòng GD&ĐT với đảng ủy cơ sở xã phường trong việc cử nhân sự đi học lý luận chính trị và thực hiện quy trình bổ nhiệm CBQL tại các đơn vị sự nghiệp có lúc có nơi chưa tham khảo ý kiến của Đảng ủy cơ sở xã, phường để cùng phối hợp giải quyết. Chỉ đến khi thực hiện quy trình bổ nhiệm gặp khó khăn mới liên hệ với Đảng ủy cơ sở xã, phường để cùng phối hợp giải quyết.

Điều này dẫn đến việc Đảng ủy cơ sở xã phường không nắm được thông tin về công tác nhân sự cũng như việc Đảng viên được cử đi học tại địa phương mình quản lý. Có hiệu trưởng chia sẻ, hàng năm, trong báo cáo của chi bộ về phần công tác cán bộ gửi Đảng ủy xã đều có báo cáo đầy đủ về việc bị chậm tái bổ nhiệm, tuy nhiên, phía Đảng ủy cũng chỉ nhắc nhở sơ sơ. 

Chính sự nể nang, giải quyết sự việc không căn cứ vào các quy định của tổ chức Đảng và chính quyền nên nói như ông Thạch là cái sai nhỏ thành cái sai lớn dẫn đến sự việc ngày càng nghiêm trọng, vượt ra khỏi tầm giải quyết của phòng GD&ĐT và UBND thị xã Ninh Hòa.

Nếu chỉ cần một cơ quan nào đó trong mắt xích thực hiện nghiêm ngặt quy trình bổ nhiệm, chắc chắn sẽ không có việc chậm tái bổ nhiệm diễn ra trong thời gian dài như vậy. Có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, khi hết thời hạn bổ nhiệm theo quyết định, đã gửi hồ sơ tái bổ nhiệm về phòng GD&ĐT, nhưng khi không có quyết định bổ nhiệm lại cũng không hỏi cho đến cùng sự việc.

Dù thấy sai nguyên tắc nhưng cấp dưới nể cấp trên, người này nể người kia nên vai trò tập thể không được phát huy, công tác giám sát cũng bị lu mờ. Thậm chí, có những trường hợp không đủ điều kiện (thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hoặc trung cấp chính trị) nhưng vẫn được bổ nhiệm làm CBQL. 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho UBND thị xã Ninh Hòa khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan; bổ nhiệm mới với các trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; truy thu phụ cấp chức vụ kể từ thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm.

Như vậy, sẽ có một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không thể bổ nhiệm lại do không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Chưa kể là khoản tiền bị truy thu lại cũng ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, khi trên thực tế họ vẫn làm tròn công việc chuyên môn cũng như trách nhiệm quản trị trường học. Vụ việc là bài học khá đắt trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ của Ninh Hòa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ