Bắc Giang: Đổi mới ứng dụng CNTT trong dạy trực tuyến

Bắc Giang: Đổi mới ứng dụng CNTT trong dạy trực tuyến

“Nhiều biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học đã được áp dụng tại Bắc Giang. Ngoài ra, các thầy, cô giáo đã chủ động tìm kiếm các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến miễn phí khác” - bà Trần Thuý Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết.

Xuất phát từ thực tế

“Để tìm hiểu mong muốn của GV, HS trong vấn đề dạy và học trực tuyến, Bắc Giang đã thu thập thông tin từ nhiều kênh (phụ huynh, HS, GV, các phương tiện thông tin đại chúng…) và bước đầu thu được những hiệu quả thiết thực” – bà Hoàn cho biết.

HS mong muốn không quên kiến thức, đồng thời tạo mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó, nhằm nắm bắt tình hình sức khỏe, việc học tập tại nhà của HS, cũng như nâng cao khả năng ứng dụng CNTT của GV, HS, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang phối hợp với các nhà mạng, triển khai tập huấn đồng bộ cho GV các trường tiểu học, THCS trên địa bàn về sử dụng và vận hành hệ thống dạy học trực tuyến. Qua đó, các GV đã nắm bắt cơ bản về việc sử dụng và giảng dạy trên hệ thống và hiểu được thế nào là dạy học trực tuyến. Nhiều GV còn chủ động tìm kiếm các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến miễn phí khác như Shub Classrooom, Zoom Cloud Meetings… để ôn tập kiến thức cho HS.

Để hiểu rõ những điều kiện thuận lợi, khó khăn, tâm tư nguyện vọng của GV, HS, phụ huynh HS các trường trên địa bàn thành phố trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, Phòng GD&ĐT Bắc Giang đã tổ chức thảo luận bàn về tình hình tổ chức dạy học trực tuyến. Lãnh đạo Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên cho rằng, với điều kiện về CSVC của nhà trường, năng lực của GV, HS có thể tổ chức dạy học trực tuyến đến 100% HS và kiểm soát được chất lượng học tập của HS.

Tuy nhiên, còn nhiều trường tiểu học và các trường THCS gặp khó khăn về phương tiện, thiết bị, đường truyền mạng chưa tốt, các phần mềm miễn phí chất lượng chưa tốt. Trong khi đó nhiều trường phải đối diện với thực trạng GV chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai dạy học trực tuyến. Mặt khác, thời điểm dạy trực tuyến chủ yếu là buổi tối không thuận lợi; việc tổ chức dạy học theo tiết khó khăn; khó kiểm soát chất lượng học tập của HS.

Ở bậc mầm non, do đặc thù, các HS còn bé, chỉ nên dừng lại ở việc chăm sóc và nuôi dưỡng là chính. Nên hầu hết phụ huynh HS chưa sẵn sàng để trẻ tham gia học trực tuyến.

Cần sự tham gia của cả hệ thống

Nhiều trường học ở Bắc Giang nêu vấn đề: Để triển khai dạy học trực tuyến có hiệu quả cần có sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị; cần triển khai dạy học theo chủ đề, thiết kế các bài học minh họa chung cho các nhà trường; triển khai thí điểm đối với lớp 9; xây dựng khung chương trình thống nhất cho từng lớp để triển khai; cho 2 - 3 HS ở nhà gần nhau cùng tham gia học…

Cách thức để triển khai dạy trực tuyến cho HS chủ yếu được thực hiện: Mỗi thầy cô giáo đều thành lập Zalo nhóm với thành viên là các phụ huynh HS trong lớp và thông báo thời gian học, nội dung cụ thể, cung cấp ID cho từng HS, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn con em vào học với nhiều hình thức.

Ngành GD thành phố Bắc Giang cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, để có các giải pháp phù hợp nhất trong đẩy mạnh công tác tổ chức dạy học trực truyến tại các nhà trường trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm hiện tại, 100% các trường tiểu học, THCS và ở một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã cố gắng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện khá tốt công tác triển khai dạy học trực tuyến (tỷ lệ HS được tham gia học trực tuyến ở THCS: 61,83%; tiểu học: 54,6%; mầm non: 7,3%). Việc dạy trực tuyến của GV các trường mầm non, tiểu học, THCS thành phố Bắc Giang thời gian vừa qua đã giúp HS thích thú khi được tham gia các tiết học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ