Ba “lực lượng” trong giáo dục đạo đức, lối sống

GD&TĐ - Những năm gần đây, tác động của cơ chế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa cùng nhiều tác nhân khách quan khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý, lối sống của học sinh, sinh viên. Làm thế nào để có lối sống phù hợp thuần phong mỹ tục, với những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, nhưng cũng phù hợp sự phát triển của xã hội hiện đại. Đây là vấn đề được PGS. TS Nguyễn Văn Biên và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu dày công tìm câu trả lời.

Thế hệ trẻ đang có những bước chuyển về tư duy, lối sống theo những tiến bộ của công nghệ
Thế hệ trẻ đang có những bước chuyển về tư duy, lối sống theo những tiến bộ của công nghệ

Cần có cái nhìn khách quan

- Thưa ông, mặt trái của hội nhập là sự xáo trộn, mất ổn định trong tâm lý, văn hóa của rất nhiều người trong xã hội. Ở lứa tuổi học sinh – sinh viên, các em rất nhạy cảm với cái mới, hay bắt chước những thói hư tật xấu ngoài xã hội?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Tính tương tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng và cần thiết. Có thể xét ở khía cạnh vi mô: Nhóm bạn - một mặt giúp đứa trẻ kiểm soát hành vi, suy nghĩ, nhưng mặt khác có thể dẫn dắt, kích động hoặc làm gương cho nhau về hành vi bạo lực; những người thân, cộng đồng xung quanh đứa trẻ cũng vậy.

Hiện nay, có một tác động khá vô hình từ yếu tố xã hội, nhưng lại có thể đem đến những hậu quả hữu hình: Đó là các phương tiện thông tin truyền thông như: Tivi, đài, báo, game và nhất là các trang mạng xã hội… Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra, đến lúc tốt nghiệp trung học, một trẻ vị thành niên xem tivi hơn 20.000 giờ, trong đó có 15.000 vụ giết người và 100.000 quảng cáo liên quan đến rượu bia và chỉ ra sự liên quan của những yếu tố này đến hành vi bạo lực ở trẻ.

Lý giải ảnh hưởng của các bên đến hành vi bạo lực của học sinh – sinh viên cũng cần nhìn nhận một cách sâu sắc, toàn diện - để tránh việc đổ lỗi lên một chủ thể nào đó. Và chúng tôi vẫn nhắc lại thông điệp đầu tiên: Thay vì đổ lỗi, mỗi bên nhìn thấy trách nhiệm của mình và cùng tìm giải pháp phối hợp với nhau.

Tác động từ môi trường là cần thiết

- Nói vậy, học sinh - sinh viên rất dễ ảnh hưởng từ những tác động khách quan đó, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Vậy theo ông, gia đình, nhà trường và xã hội nên có sự tương tác trong giáo dục học sinh ra sao để hướng các em đến những chuẩn mực tốt đẹp?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Tôi cho rằng, giống như sự phát triển của một cái cây cần gốc rễ để bám trụ và lấy dinh dưỡng từ đất; cần thân, cành vận chuyển chất dinh dưỡng để đơm hoa kết trái - thì sự phát triển của một đứa trẻ cũng cần có môi trường gia đình như phần gốc rễ của cây, nhà trường như phần thân cành và xã hội là nơi nhân cách ấy được thể hiện và khẳng định.

Cùng với sự biến đổi vô cùng to lớn của đời sống xã hội từ trong mỗi cá nhân và gia đình đến xã hội đã tác động không nhỏ đến tính cách và hình thành nên lối sống của học sinh - sinh viên. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên và cộng sự đã dày công nghiên cứu để đưa ra những đánh giá khách quan về những ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động thế nào đến tâm sinh lý học sinh – sinh viên. Có được những nhìn nhận khách quan về những tác động tích cực và tiêu cực của những bên liên quan, sẽ giúp các bậc cha mẹ và nhà trường cùng nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức cho con em đang là độ tuổi học sinh – sinh viên.

Giáo dục gia đình có những đặc tính mà không một môi trường giáo dục nào có được: Tính xúc cảm cao, tính linh hoạt, tính cá thể, thiết thực và mang tính trải nghiệm nên có hiệu quả cao. Chính mối quan hệ gắn bó, yêu thương cùng bầu không khí tâm lí gia đình đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên tính cách trẻ sau này. Vì vậy có thể nói, gia đình là môi trường văn hóa tự nhiên của trẻ và những giá trị tốt đẹp mang lại trong đời sống mỗi người đều bắt đầu từ gia đình. Tuy nhiên, giáo dục gia đình mang tính kinh nghiệm, phụ thuộc nhiều vào khả năng, trình độ của cha mẹ.

Ở nhà trường, thông qua hoạt động giáo dục có tính mục đích, tính kế hoạch trẻ được cung cấp hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo có bài bản, khoa học, chính xác cao, không cho phép sai lầm tuy nhiên tính thực tế, cụ thể cũng như tính cá thể hóa bị hạn chế. Chính vì vậy, hai môi trường giáo dục gia đình và nhà trường cần bổ sung cho nhau và phối hợp với nhau để tạo ra sự thống nhất toàn vẹn.

Môi trường xã hội là nơi đứa trẻ trải nghiệm cuộc sống thực, nơi trẻ quan sát và đem áp dụng những gì học được từ gia đình, nhà trường vào hoạt động thực tế, nơi đứa trẻ được củng cố niềm tin vào những gì mình được học từ nhà trường, gia đình.

Do đó, một niềm tin xuyên suốt từ gia đình - nhà trường - xã hội về những chuẩn mực cần tuân thủ thực sự cần thiết để hình thành nên hành vi đạo đức cho đứa trẻ, từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất. Xin được chia sẻ câu chuyện nhỏ mà không nhỏ khi nhóm nghiên cứu chúng tôi phỏng vấn một số trường phổ thông để minh chứng cho điều này: Nhiều giáo viên chia sẻ trải nghiệm của họ khi tổ chức hoạt động giáo dục hành vi an toàn giao thông cho học sinh THCS thông qua phát động học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Khoảng một tháng sau khi phát động, học sinh toàn trường thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, sau tháng đó, lác đác có bạn không đội, 3 tháng sau, tình trạng trở về như trước khi phát động. Tìm hiểu qua học sinh thì thầy cô được biết: Học sinh thấy cha mẹ hoặc nhiều người lớn khi tham gia giao thông cũng không cần đội mũ và đó là lý do khiến các em không tin rằng, tham gia giao thông an toàn bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Câu chuyện trên chắc không hiếm và không chỉ trong dạy cho học sinh về an toàn giao thông.

Cần cộng đồng trách nhiệm

- Giáo dục lối sống, đạo đức tác phong cho học sinh, sinh viên có cần sự tương tác của nhiều bên không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Quan điểm của tôi, quan trọng nhất trong giáo dục hành vi đạo đức cho trẻ không phải là nhà trường làm gì, gia đình làm gì và xã hội làm như thế nào mà là sự tương tác thống nhất giữa 3 môi trường này. Điều này một lần nữa khẳng định, nếu chỉ một mình Bộ GD&ĐT thực sự quan tâm và bắt tay vào giáo dục đạo đức cho học sinh – sinh viên là không đủ và không thể thành công. “Đạo đức là pháp luật tối đa, pháp luật là đạo đức tối thiểu”- Để hình thành nên ý thức đạo đức công dân cho học sinh cần sự phối hợp, chung tay của toàn xã hội, của các bộ, ban ngành khác chứ không chỉ là trách nhiệm của giáo dục.

- Từ thực tế nghiên cứu, ông có thể đưa ra một số gợi ý về mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Tôi cho rằng, để thành công trong giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất định cần sự phối hợp, liên kết của cả 3 lực lượng: Gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy trong mô hình phối hợp này, đã xác định được các thành tố tham gia. Đây là một nghiên cứu liên ngành, nhóm nghiên cứu của chúng tôi có sự tham gia của các chuyên gia về tâm lí học, giáo dục học và xã hội học sẽ tập trung nghiên cứu để có thể giải quyết từng vấn đề đặt ra như: Từng thành tố trong mô hình tham gia như thế nào, theo nguyên tắc hay cơ chế nào, mô hình này vận hành ra sao để có hiệu quả... Nên về câu hỏi này, chúng tôi xin phép trả lời sau khi có kết quả nghiên cứu cụ thể.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.