29,5 điểm không trúng tuyển đại học: Cần nhìn nhận Kỳ thi ở góc độ toàn diện

GD&TĐ - Từ những phân tích sâu xung quanh việc 61 em đạt 29,5 điểm mà không trúng tuyển nguyện vọng nào, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân trao đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/ INT
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/ INT

60/61 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, mặc dù không gọi là kỳ thi “2 trong 1” nhưng thực chất, các trường Đại học đều đã sử dụng kết quả tổ hợp 3 môn thi để tuyển sinh. Đây là kênh chính ngoài các kênh như sử dụng học bạ của học sinh để xét tuyển đại học...

Có thể nói sau nhiều năm thay đổi từ hai kỳ thi (tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học) thành một kỳ thi quốc gia với mục đích “2 trong 1”, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ mà trung tâm là vì quyền lợi học sinh. Các em chỉ tham dự một kỳ thi trong hoản cảnh dịch Covid-19 hành hoành tại nhiều địa phương. Kỳ thi diễn ra rất an toàn, kết quả thi được các trường đại học làm căn cứ gốc để tuyển sinh đại học; nhiều em đỗ tốt nghiệp điểm cao.

Dư luận hết sức quan tâm chia sẻ là kỳ thi vừa qua, toàn quốc có  61 em đạt 29,5 điểm mà không trúng tuyển nguyện vọng nào vào đại học. Điều ngạc nhiên là qua thống kê, được biết  60/61 em chỉ đặt 1 nguyện vọng (NV1), 1 em còn lại đặt 2 nguyện vọng. Trong 61 em nêu trên, có 59 em đăng ký NV1 vào các trường công an, quân đội thì đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước. Chứng tỏ các em rất kiên định chỉ chọn nguyện vọng duy nhất là mong muốn vào trường công an, quân đội mà thôi.

Điều khó cắt nghĩa hơn cả là vì sao các em đạt điểm từ 29,5 trở lên lại chỉ đăng ký 1 nguyện vọng  xét tuyển vào đại học? Trong khi đó, kỳ tuyển sinh đại học 2021-2022 này, các em có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng, với nhiều cơ hội đỗ vào các trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, em nào trúng NV1 mà bỏ, không nhập trường thì không được xét trúng tuyển các NV còn lại. Nhờ thế, trong kỳ tuyển sinh lần này đã cơ bản khắc phục được nguyện vọng ảo như những năm trước đây.

Công nghệ thông tin giúp Bộ GD&ĐT hình thành nguyên lý “bình thông nhau” điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh trong toàn quốc nhanh như “nháy mắt”. Không còn những cuộc “chạy Ma-ra-tông” thậm chí thuê cả xe cứu thương hú còi phi mã để kịp thay đổi nguyện vọng đúng giờ G. Thật là tiện lợi trăm bề!

Nhiều em học sinh nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số điều kiện học tập rất khó khăn đã cố gắng, sáng tạo cách học tập mới nên đã đạt điểm thi tốt nghiệp rất cao; tổ hợp 3 môn tuyển sinh cộng với điểm ưu tiên trở thành thủ khoa của một số trường đại học. Kết quả đó chứng tỏ đây là một kỳ thi công bằng, khách quan cho tất cả các em.

Tuy nhiên, cũng có điều đáng tiếc như là chuyện vĩ thanh thường thấy ở bất cứ kỳ thi nào. Đó là câu chuyện có hơn 61 em đạt điểm 3 môn tổ hợp trên 29,5 điểm bị trượt nguyện vọng 1, thậm chí có em đạt 30 điểm cũng trượt luôn cả đại học như vừa nêu ở trên.

Cần phải thống nhất trước một quan niệm: 61 em vừa nêu không đỗ NV1 chứ không phải trượt đại học như cách diễn đạt trên mạng xã hội.

Thực ra với số điểm như thế, các em có quyền đăng ký thêm nguyện vọng và hẳn là chắc chắn đỗ các trường đại học khác.

Có thể các em tự tin, tin ở năng lực của mình. Hoặc có thể các em chỉ thích 1 trường, 1 nghề và chỉ đeo đuổi ước muốn ấy, còn các trường khác “có cho cũng không lấy” như cách nói dân dã. Hoặc cũng có thể các em tuổi học sinh còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng sống nên khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh đại học đã không tính toán kỹ càng, trước sau.

Đây có thể là bài học kinh nghiệm quý báu đầu đời của các em, để phải tiếp tục nỗ lực vươn lên về sau. Và cũng là bài học kinh nghiệm cho các em học sinh các lớp sau nữa cần tỉnh táo khi đặt bút lựa chọn nguyện vọng tiếp tục học lên của đời mình.

Có thể chia sẻ, các em đạt điểm cao mà không đỗ NV1, có em không đỗ đại học đợt này - dù do bất cứ nguyên nhân gì cũng là điều đáng tiếc. Vấn đề là ngay bây giờ có giải pháp gì để tạo điều kiện giúp các em như những trường hợp đặc biệt?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT khuyến nghị các trường mà các em đăng ký NV1 tăng chỉ tiêu để tuyển thêm các em. Điều này hơi khó, nhất là đối với các trường thuộc quân đội và công an, vốn đào tạo miễn phí và sẽ phân công công tác khi ra trường.

Có ý kiến đề nghị các trường khuyến nghị các em đăng ký bổ sung NV2, NV3 để tuyển các em theo các nguyện vọng này. Thế nhưng giải pháp này cũng khó vì có thể vì phạm quy chế tuyển sinh đã quy định trước, hoặc có thể sẽ gặp lực cản vì  biết đâu có khi chính các em từ chối vì  chưa hẳn đã muốn.

Có lẽ với tư cách là người trong cuộc, theo chúng tôi, các em cần chủ động tìm phương hướng, giải pháp; còn các trường đại học sẵn lòng tìm cách hỗ trợ, bổ sung cách tuyển sinh hợp lệ thì hẳn nhiều em có niềm vui mới.

Tổng kết đánh giá một cách toàn diện kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đã có ý kiến đề nghị thay đổi kỳ thi tốt nghiệp nhân chuyện 61 em trượt NV1, trượt đại học như trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi đặt vấn đề này ra ở thời điểm này chưa có những cơ sở chắc chắn.

Muốn thay đổi một kỳ thi tiện lợi cho số đông, khoa học, công bằng cho học sinh như kỳ thi này, cần phải có những tổng kết, hội thảo về những ưu điểm, hạn chế của Kỳ thi trong mấy năm gần đây. Từ đó, Bộ GD&ĐT mới có những cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất Chính phủ quyết định.

Lại có ý kiến cực đoan hơn cho rằng nên bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mấy năm gần đây đạt gần 100% nên việc tổ chức ký thi này không còn ý nghĩa nữa.

Thực ra, ý kiến này cũng khó thực hiện. Bởi học mà không thi tốt nghiệp, chỉ xét qua học bạ thôi thì với cách học đối phó và thói quen “chạy trường”, “chạy điểm” như hiện nay, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra? Xã hội kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập, rèn luyện của thế hệ công dân mới bước vào đời bằng cách nào? Liệu rồi, lớp công dân mới ấy có đủ đức, đủ tài, đủ kỹ năng sống để bước vào cuộc sống hay không?

Trong khi đó, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì đương nhiên cần phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học nữa thay thế. Vậy thì đề thi chung của Bộ GD&ĐT hay đề thi do các trường đại học tự chủ tuyển sinh? Và như thế, biết đâu, xã hội lại quay về cảnh hàng trăm vạn gia đình, cả nước lao vào vòng quay tuyển sinh của cái thời “khăn gói quả mướp”, dùng “xe cứu thương” để thay đổi nguyện vọng, gây nên những tốn kém và hại sức dân một cách khủng khiếp.

Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT trước mắt cần có tổng kết đánh giá một cách toàn diện kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2020-2021 và công tác tuyển sinh đại học năm nay; trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh hoặc để xuất Chính phủ chỉ đạo theo “tinh thần học thật, thi thật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ