“Tuyển dụng giáo viên như hiện nay rất bất cập cho ngành Giáo dục”

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, hiện nay, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Nhà giáo có tính chất đặc thù nên không thể áp dụng theo công thức “ra 2 vào 1”. Ảnh: Cô - trò Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
Nhà giáo có tính chất đặc thù nên không thể áp dụng theo công thức “ra 2 vào 1”. Ảnh: Cô - trò Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Không áp dụng công thức “ra 2 vào 1”

*Nghề giáo – nghề cao quý trong các nghề cao quý vì thế nhà giáo có tính chất rất đặc thù. Tuy nhiên, bấy lâu nay, chúng ta vẫn thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường khác. Vậy điều này có bất cập và phản ánh hết được tính chất đặc thù của nhà giáo, thưa bà?

- Trước hết, chúng ta phải thấy được tính chất đặc thù của nhà giáo. Họ không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn là người cha, người mẹ hiền thứ 2 của các em học sinh. Thực tế, từ bậc mầm non đến bậc phổ thông, thời gian học ở trường trong một ngày của các em rất nhiều và thầy, cô chính là người đồng hành, người giám hộ, người chăm sóc, dạy dỗ các em và chịu trách nhiệm khi các em bị bạo lực, bị bắt nạt… trong thời gian học tập ở trường và cùng gia đình, xã hội chịu trách nhiệm về sự an toàn của các em khi các em từ trường về nhà, đặc biệt với trẻ ở mầm non và cấp học phổ cập.

Khác với ngành Y tế, khi đưa con đi khám thì còn có bố, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. Nhưng với giáo dục, khi các em đến trường là phụ huynh đã gửi trọn niềm tin để trao gửi con cho nhà trường, cho thầy cô dạy dỗ và giáo dục. Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của nhà giáo rất lớn trong việc dạy chữ, dạy người, là tấm gương về đạo đức, lối sống chuẩn mực trước các em và trước xã hội.

Do đó, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố đặc thù này để thể hiện rõ vị thế của nhà giáo trong xã hội. Vì thế, trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên cần quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, trong đó có bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực của nhà giáo mà các viên chức đơn thuần trong tuyển dụng không phải đặt ra. Và nếu chúng ta coi giáo viên như viên chức thông thường khác thì rất không ổn.

  • Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Sỹ Điền

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị sửa Luật Viên chức và cần thiết phải có Luật Nhà giáo. Chúng ta phải tính đến vấn đề, giáo viên không chỉ là viên chức mà còn là nhà sư phạm. Hiện nay, chúng ta có một bộ quy tắc ứng xử, suy rộng ra thì khi tuyển giáo viên, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu như những viên chức trong các ngành nghề khác, thì giáo viên còn phải thích ứng với bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng cấp học. Vì vậy, nếu chúng ta đang tuyển dụng giáo viên như viên chức của các nghề khác là rất bất cập.

* Hiện nay, một số địa phương đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo công thức “ra 2 vào 1”. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Như tôi đã phân tích ở trên, nhà giáo có tính chất đặc thù, do đó không thể giảm biên chế một cách cơ học và không thể áp dụng theo công thức “ra 2 vào 1” đối với đội ngũ giáo viên. Hiện nay, tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại nhiều nơi, nhiều cơ sở giáo dục mà chưa có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Tức là thừa giáo viên ở cấp học này nhưng lại thiếu cấp học khác, hoặc trong cùng cấp học nhưng ở nơi này thừa nhưng nơi khác lại thiếu giáo viên, hoặc giáo viên môn này phải đi dạy môn khác không đúng chuyên ngành đào tạo, đó là chưa nói đến giáo viên đại học sư phạm, cơ bản đào tạo để về dạy học sinh THPT nhưng để về dạy THCS (trong khi 2 cấp học này, tâm sinh lý lứa tuổi khác nhau), không mở mã ngành riêng để đào tạo giáo viên về dạy THCS. Thực trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục trong các nhà trường hiện nay.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có đề xuất chính sách không thu học phí trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với học sinh diện phổ cập. Nếu dự án Luật này được Quốc hội thông qua thì cũng là giải pháp cần thiết để các cơ sở giáo dục ngoài công lập gánh đỡ nhiệm vụ với Nhà nước, đồng thời chúng ta sẽ không bị phình biên chế, không bị tăng áp lực về cơ sở vật chất.

 
Bà Ngô Thị Minh

Để khắc phục những vấn đề nêu trên Chính phủ cần phải có lộ trình. Chúng ta cũng cần tính toán có những quy định, những chính sách cụ thể để phát triển mạnh hơn các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao phát triển, thu hút giáo viên, học sinh tự nguyện ra làm việc, học tập tại các cơ sở giáo dục này theo lộ trình hợp lý, giảm áp lực cho các trường công lập, đỡ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt ở cấp học phổ cập hiện nay.

Muốn thực hiện được điều này cần đảm bảo chế độ, quyền lợi cho giáo viên ở các cơ sở ngoài công lập, để họ được hưởng tối thiểu các chế độ như những người trong Nhà nước (chỉ khác ở nguồn chi trả từ các nhà đầu tư), từ vấn đề tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, phụ cấp thâm niên và các chính sách khen thưởng… Có như vậy mới thu hút được họ ra làm việc ở các trường ngoài công lập và họ có thể dễ dàng quay trở lại làm việc ở trường công lập khi có yêu cầu, nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh với các trường công lập, tạo điều kiện để giáo viên phát huy năng lực của mình. Có như vậy chúng ta mới có đội ngũ giáo viên giỏi và đội ngũ cán bộ tâm huyết. Chúng ta phải chấp nhận cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.

Công tác tuyển dụng giáo viên tại các vùng vẫn chưa có sự thống nhất giữa chính quyền địa phương và nhu cầu thực tế của ngành GD
  • Công tác tuyển dụng giáo viên tại các vùng vẫn chưa có sự thống nhất giữa chính quyền địa phương và nhu cầu thực tế của ngành GD

Ngành Giáo dục phải tham gia sâu vào tuyển dụng

* Vậy theo bà, lộ trình chúng ta cần thực hiện là như thế nào?

- Thực tế trong công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Tại Điều 58 Luật Giáo dục hiện hành có nêu: Nhà trường có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên.

Như vậy Luật đã cho phép các nhà trường được quyền tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, bất cập là khi có Luật Viên chức. Điều 24 Luật này quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.

Rõ ràng là có sự bất cập từ hai Luật trên và tôi đề nghị cần xem xét thấu đáo để trình Quốc hội sửa Luật Viên chức. Song song với đó, chúng ta phải nhanh chóng có Luật Nhà giáo. Đồng thời, trong Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Chính phủ cần xem xét quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, người đúng đầu chính quyền các địa phương trong công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo cùng với chính sách xã hội hóa để phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao, bám sát các “chuẩn” theo chất lượng giáo dục đặt ra cho cả trường tư, trường công, sao cho minh bạch, rõ ràng, kể cả trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ đất đai hoặc tín dụng cho các trường tư và hỗ trợ cho người học ở các trường tư diện phổ cập giáo dục, nhằm thúc đẩy các trường tư chất lượng cao phát triển (thay bằng việc Nhà nước phải xây thêm trường, lo đủ chỗ học theo chuẩn chất lượng đầu ra cho người học diện phổ cập) như hiện nay, dành kinh phí để đầu tư cho người học diện phổ cập ở trường công tại các vùng miền khó khăn và người học thuộc nhóm yếu thế.

*Có nhiều chuyên gia đề xuất, cần thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên, tức là ngành Giáo dục sẽ là đơn vị chủ trì trong quá trình tuyển dụng. Vậy ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Theo Luật Viên chức, khi tuyển dụng giáo viên, ngành Nội vụ vẫn giữ vai trò chủ trì nhưng sự phối hợp này từ Trung ương đến địa phương đòi hỏi phải đảm bảo tính hiệu quả, logic với quy trình chặt chẽ, công khai. Thực tế, vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại, hiệu quả thấp….

Ai cũng biết, vai trò của ngành Giáo dục rất quan trọng, vì thế rất cần có sự phối hợp sâu của ngành này với ngành Nội vụ trong vấn đề tuyển dụng, bố trí sắp xếp giáo viên. Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cần ngồi lại với nhau để có được giải pháp thấu đáo trong chính sách tuyển dụng giáo viên. Đặc biệt phải cơ chế phối hợp thông thoáng và hiệu quả hơn giữa hai ngành. Bởi thực tế hiện nay, nếu tuyển dụng giáo viên như những viên chức khác là rất bất cập cho ngành Giáo dục.

*Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ