“Thánh đường” của lễ nghĩa và nhân cách

GD&TĐ - Một loạt vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo xảy ra trong thời gian qua là những “hạt sạn” đáng tiếc trong giáo dục. Điều đó ít nhiều cũng liên quan đến văn hóa ứng xử giữa thầy với trò và ngược lại. Hơn bao giờ hết, văn hóa ứng xử trong trường học càng cần được quan tâm, chú trọng.

Văn hóa học đường góp phần hình thành nhân cách cho học sinh
Văn hóa học đường góp phần hình thành nhân cách cho học sinh

Văn hóa ứng xử thể hiện mức độ học vấn và nhận thức cá nhân, suy rộng ra là của một tổ chức, một cộng đồng dân tộc. Qua đó thấy được văn hoá tổ chức lành mạnh hay xã hội văn minh ở mức độ nào. Hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân có thể khác nhau bởi nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ với những người xung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè cùng trang lứa và với chính bản thân họ.

Trường học vẫn được coi là “thánh đường” của lễ nghĩa và nhân cách. Vì thế, câu chuyện về văn hóa ứng xử trong trường học không phải bây giờ mới được nhắc tới. “Tôn sư, trọng đạo” hay “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng chính là nét đẹp văn hóa trong trường học và là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Thực tế có biết bao nhiêu việc làm tốt, hành động đẹp và nghĩa cử cao cả giữa thầy - trò. Có những thầy, cô hiệu trưởng hàng ngày ra cổng trường để chào đón học sinh đến lớp. Còn có những giáo viên vùng cao sẵn sàng bỏ tiền lương của mình để lo Tết cho học trò. Hay những thầy giáo tình nguyện làm “xe ôm” để đưa đón học sinh đến trường, chỉ mong các em có được con chữ... Còn có rất nhiều, rất nhiều những giáo viên như thế - luôn tận tâm với nghề và hết lòng vì học sinh. Văn hóa ứng xử trong nhà trường được hình thành từ những việc làm, những hành động thiết thực và từ những điều giản đơn nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao.

Thời gian qua, một vài câu chuyện liên quan cách ứng xử của giáo viên khi xử phạt học sinh đã ảnh hưởng đến lòng tự trọng nghề nghiệp của hàng trăm, hàng nghìn nhà giáo, bởi “con sâu làm rầu nồi canh”. Báo chí lên tiếng, dư luận lên án và tất cả chúng ta không ai có thể chấp nhận cách xử lý tình huống thiếu nghiệp vụ sư phạm đó.

Đây là lý do cụm từ “văn hoá ứng xử trong nhà trường” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Qua đó thể hiện mối quan tâm của xã hội đối với môi trường văn hoá học đường.

Xây dựng văn hóa học đường là việc làm cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử.

Trên cơ sở đó, các trường sẽ tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên. Qua đó nhằm phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa và xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Quy tắc là cơ sở pháp lý, là giải pháp căn cốt, giúp xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, nó là kim chỉ nam để các cán bộ quản lý, giáo viên điều chỉnh hành vi và lời ăn tiếng nói của mình.

Song thiết nghĩ, điều quan trọng vẫn là ý thức của mỗi thầy cô giáo. Thầy cô giáo phải gương mẫu, giữ được hình ảnh của mình trước học trò. Bởi sự gương mẫu của thầy cô là điều cần thiết để nêu gương cho các em học sinh. Sự thân ái, trân trọng nhau sẽ giúp cho môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện. Quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương, có trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ