"Đột phá trong giáo dục đại học phải bắt đầu từ quản lý Nhà nước!"

"Đột phá trong giáo dục đại học phải bắt đầu từ quản lý Nhà nước!"
"Tôi khẳng định không phải các trường ĐH ỳ, mà các trường ĐH đang bị hạn chế bởi một cơ chế khiến không thể năng động được."
GS.TS Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
GS.TS Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

3 điều kiện để tự chủ

- Thưa ông, hiện đang có nhiều nhà quản lý lên tiếng về những vấn đề tồn tại của hệ thống GD ĐH Việt Nam, từ đó chỉ ra GD ĐH Việt Nam cần thay đổi gì để mạnh hơn, vững hơn. Là nhà quản lý chèo lái con thuyền ĐHBKHN, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

* Tôi nghĩ điều cần quan tâm nhất hiện nay của GD ĐH Việt Nam là nguồn lực ở đâu để đảm bảo được những yêu cầu nâng cao chất lượng của một trường ĐH. Và điều này liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước.

Xin nói hình ảnh một chút, rằng các trường ĐH trong hệ thống ĐH Việt Nam giống như những đứa con trong một gia đình: người 10 tuổi, người 15, 30, 40 tuổi. Có những anh bố mẹ phải lo cho một chút. Nhưng có những anh thì hoàn toàn có thể tự chủ được. Nếu như bố mẹ luôn luôn lo cho tất cả các con thì những người con dù có 30, 40 tuổi, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng trở thành vô dụng, thiếu trách nhiệm với xã hội, với bản thân, cứ dựa nhờ vào bố mẹ giàu có!

Bởi thế nên nhiều người cứ đặt câu hỏi: Tại sao hệ thống GD ĐH hiện nay quá ỳ? Tôi khẳng định không phải các trường ĐH ỳ, mà các trường ĐH đang bị hạn chế bởi một cơ chế khiến không thể năng động được. Chính bởi thế mà Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng phải đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước trong GD ĐH. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần nghĩ ra một cơ chế để quản lý hệ thống - một cơ chế thuận lợi để các trường ĐH phấn đấu và tự chịu trách nhiệm với xã hội, chịu trách nhiệm với chính mình.

- Liên quan đến vấn đề tìm nguồn lực cho trường ĐH, hiện một số trường ĐH đang thí điểm mô hình: Cắt kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước, các trường tự chủ tài chính. Ông thấy mô hình này thế nào?

* Theo tôi, tự chủ là một chủ trương đúng. Nhưng nếu ta làm không cẩn thận, nếu giải pháp không tốt thì ta sẽ biến một chủ trương đúng đi đến chỗ phá sản. Cụ thể, việc tự chủ tài chính theo Nghị định 43 theo tôi là chưa triệt để. Tôi xin được ví như thế này: Một đứa con, buổi sáng được bố đưa cho 20 nghìn, bảo: “Đây nhé, 10 nghìn ăn phở, 2 nghìn bơm xe, 3 nghìn uống nước… nếu không tiêu đúng thì bị phạt, không tiêu hết hết thì trả lại”. Rồi khi giao cho tự chủ thì thay đổi: “Thôi, cầm 20 nghìn này, thích tiêu gì thì tiêu, nhưng chỉ trong ngần đó tiền thôi”. Vậy thì cái gì thực sự thiết yếu mà hơn 20 nghìn là chịu, không mua được. Để thấy rằng cái tự chủ đó không giải quyết vấn đề gì.

- Vậy thì theo ông, cần có những nội dung gì trong tự chủ?

* Nói đến tự chủ là ai cũng nghĩ ngay đến vấn đề tài chính và thoát khỏi quản lý Nhà nước. Theo tôi điều này là sai hoàn toàn. Nếu trói buộc tất cả, chỉ cho tự chủ thu học phí cao thì không những không giải quyết được vấn đề gì mà còn có thể gây “tai hoạ” cho xã hội. Tự chủ phải là sự hài hoà của 3 khâu: Tự chủ về học thuật; Tự chủ tài chính; Tự chủ về tổ chức và cán bộ.

Tự chủ về học thuật gồm chương trình đào tạo; nội dung đào tạo; tiêu chuẩn học thuật đầu ra, đầu vào; phương thức tuyển sinh…

Tự chủ về tài chính là tự chủ về tìm kiếm, khai thác và sử dụng tài chính, sử dụng và khai thác tài sản của nhà trường. Với một trường ĐH, nhiệm vụ chính trị bao giờ cũng là nghiên cứu và đào tạo. Nhưng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải có tài chính, là làm ra đồng tiền. Có tiền mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Khai thác tài chính có thể từ nhiều nguồn: học phí; kinh phí NCKH từ Nhà nước, từ doanh nghiệp, từ hợp tác quốc tế; kinh phí từ hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ, sản xuất - kinh doanh… Trong bối cảnh tự chủ , các trường ĐH bình đẳng với nhau trong việc cạnh tranh nguồn lực tài chính từ Nhà nước, từ xã hội, từ doanh nghiệp. Vì phải cạnh tranh bằng chính thực lực của mình nên anh nào cũng phải năng động, phải sáng tạo, phải tự hoàn thiện mình, phải tạo dựng được uy tín đối với xã hội. Và như vậy, dần dần chúng ta sẽ có một hệ thống tự chủ, phát triển ổn định và bền vững.

Khi nói về tự chủ qui mô đào tạo và học phí, chúng ta cũng đừng ngại sẽ xảy ra một sự “bùng nổ” tùy tiện, không thể kiểm soát. Chính trách nhiệm đối với xã hội và trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển của chính mình mà các trường được giao quyền tự chủ phải tính toán, cân nhắc qui mô đào tạo sao cho hợp lý, học phí cũng phải tương ứng với chất lượng dịch vụ đào tạo. 

Đồng thời với tự chủ về học thuật và tự chủ về tài chính là tự chủ về tổ chức và cán bộ. Để có thể tiếp nhận cơ chế tự chủ thì bắt buộc nhà trường ĐH phải thay đổi rất nhiều. Trường nào có bước chuẩn bị tốt thì sẽ tiếp nhận tự chủ dễ hơn. Đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý là một vấn đề hết sức quan trọng. Khi nhà trường đã có quyền tự chủ thì bắt buộc phải phân cấp cho các đơn vị của mình quyền tự chủ chứ không thể nhà trường bao đồng tất cả mọi việc được. Vậy thì các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong trường phải có bộ máy tổ chức và tư cách pháp nhân phù hợp để có thể tự chủ. Ví dụ, tổ chức các khoa như hiện nay ở các trường đại học của chúng ta là rất khó có thể phân cấp tự chủ. Nếu được tổ chức thành các học viện – trường con đơn ngành trong trường ĐH (university) thì sẽ thích hợp hơn với cơ chế tự chủ.

ĐHBKHN đang thực hiện đổi mới cơ cấu tổ chức Nhà trường theo hướng này và dự kiến sẽ không còn tổ chức khoa vào 2013, hiện tại trường đã có 9 viện mang đặc thù của học viện.

Theo tôi, đó là 3 nội dung của tự chủ ĐH. Tự chủ và tự chịu trách nhiệm có mối quan hệ hữu cơ được hình thành một cách tự nhiên. Có tự chủ thì tất sẽ “hình thành” tự chịu trách nhiệm. Có tự chịu trách nhiệm thì mới có thể tự chủ bền vững. Tóm lại, phát triển bền vững = tự chủ + tự chịu trách nhiệm! Nếu một trường nào đó tự chủ mà vô trách nhiệm thì chỉ là “chụp giật”, như vậy thì sẽ tồn tại được bao lâu? Phải luôn nghĩ một điều rằng một trường ĐH muốn tồn tại phát triển được thì phải có trách nhiệm trước xã hội, và quan trọng hơn hết là chịu trách nhiệm với chính mình.

Lộ trình chuẩn bị đón tự chủ!

- Thưa ông, cùng với trường ĐHBKHN, có một số trường cũng đang mong được giao tự chủ. Phải chăng chỉ cần “cờ đến tay” là nhà trường có thể ngay lập tức phất cờ tiến lên?

* Ôi không! Không thể nói tự chủ là tự chủ được ngay đâu! Phải có sự chuẩn bị khá kỹ cho nó đấy. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT khi quyết định cho một trường ĐH nào đó tự chủ thì trách nhiệm của Bộ cũng lớn lắm. Bởi tự chủ nếu không thành công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Theo tôi, nên chọn những “anh con cả” trong gia đình cho tự chủ. Nhưng ngay cả nếu “anh con cả” tự chủ thì cũng không thể nói một cái là tự chủ ngay, mà phải có giai đoạn, có lộ trình.

Đoán được việc tự chủ sớm muộn cũng sẽ diễn ra, khoảng 2-3 năm trở lại đây, ĐHBKHN đã tổ chức nghiên cứu nghiêm túc về cơ chế tự chủ đại học, đồng thời chúng tôi cũng đã xem xét tất cả các vấn đề để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Nhà trường phải đổi mới cái gì?

Để đảm bảo việc trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, chúng tôi đã đổi mới toàn bộ mô hình đào tạo nhà trường, làm sao để linh động hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực KHKT đa dạng của xã hội. Công việc này đã được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai từ 2009, dự tính đến 2015 là phải xong. Hiện ĐHBKHN có mô hình đào tạo rất đa dạng. Về quản lý khoa học công nghệ, chúng tôi đã và đang có những đổi mới mạnh mẽ. Các chương trình nghiên cứu liên ngành ngắn hạn, trung hạn xuất phát từ nhu cầu thực tế và nhằm vào các sản phẩm cụ thể đã được xây dựng và triển khai. Công viên khoa học công nghệ - môi trường nghiên cứu phát triển ứng dụng, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, sản xuất thử của nhà trường cũng đang được xúc tiến xây dựng. Hệ thống doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình tập đoàn cũng đã được thành lập từ 2006, giờ hoạt động đã dần vào guồng, vừa làm vừa điều chỉnh theo mô hình của ĐH Havard Mỹ, của ĐH Thanh Hoa Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng trường ĐHBKHN là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam có mô hình tổ chức hệ thống doanh nghiệp và dịch vụ “mạch lạc” tồn tại song song với nhà trường.

Bắt đầu từ năm 2010, nhà trường đang triển khai quản lý theo ISO, đến 2013 sẽ hoàn thành cho tất cả các đơn vị của trường. Trường cũng đang triển khai hệ thống kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn ABET. Chúng tôi hiện đã hoàn thành việc tập trung quản lý tài chính, mạch lạc hoá các hoạt động thu chi. Tập trung quản lý và mạch lạc hoá việc sử dụng và khai thác tài sản công (đất đai, nhà cửa),… Trường ĐHBK Hà Nội sẵn sàng đón nhận thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ khi được Bộ GD-ĐT cho phép. Chúng tôi cũng đã tính toán, xác định lộ trình thực hiện thí điểm từ năm 2011 đến 2015. 

- Ông có bao giờ nghĩ rằng nếu nhìn từ bên ngoài, người ta thấy trường chưa tự chủ nhưng vẫn quản lý linh hoạt, vẫn có nguồn tiền để đầu tư cái này cái khác, vẫn phát triển tốt, vậy nên cứ theo đà đó mà phát triển, không cần tự chủ làm gì?

* (Cười) Không! Cần hết sức cẩn thận khi nhận định chuyện này. Một trường ĐH giàu có hay không phải nhìn xem phòng thí nghiệm ra làm sao, cơ sở hạ tầng nhà trường thế nào, điều kiện học tập của SV, rồi quan trọng là đầu tư cho SV một năm là bao nhiêu tiền. Tôi luôn luôn nghĩ thế này: Trước khi nghĩ người thầy thu nhập bao nhiêu tiền một năm thì phải nghĩ là nhà trường có suất đầu tư bao nhiêu tiền cho mỗi SV một năm. Bởi cái đó là một trong các yếu tố quyết định trực tiếp chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo tốt thì thầy mới yên tâm với thu nhập cao được. Với ĐHBKHN, con số này hiện chưa cao.

- Vậy mà không ít trường ĐH khác mơ ước có được số tiền Nhà nước cấp chi phí thường xuyên giống như ĐHBKHN…

* Ôi, nếu thế thì họ mơ hồ quá! Họ không hề biết với kinh chi phí thường xuyên nhà nước cấp, tất cả các trường ĐH công đều không đủ để trang trải. Cụ thể, trong 3-4 năm gần đây kinh phí chi thường xuyên Nhà nước cấp hàng năm cho ĐHBKHN chỉ đảm bảo cho trường trang trải chi phí thường xuyên trong khoảng 6 -7 tháng. Hiện nay, ĐHBKHN chi phí thường xuyên hàng năm đã lên gấp hơn 2.5 lần kinh phí chi thường xuyên được nhà nước cấp. Việc mơ ước này nọ là do người ngoài cuộc đứng nhìn vào thôi. Số tiền này đâu có giải quyết được vấn đề gì lớn đâu. Suất đầu tư cho sinh viên còn thấp, chúng ta vẫn chưa thực hiện được việc tăng thu nhập gấp 3 lần lương cho cán bộ giáo viên như nhà nước cho phép. Nếu muốn tăng các chỉ tiêu này thì trường phải có ít nhất khoảng 400 tỷ chi phí thường xuyên một năm chứ không phải chỉ như hiện nay.

- Vậy hiện nhà trường đang lấy nguồn gì để bù vào số tiền thiếu hụt đó?

* Thì bằng nguồn học phí, bằng chuyển giao công nghệ, bằng các hợp đồng với doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ, … Tóm lại là phải bươn chải!

 - Thưa ông, trong tình thế bươn chải như vậy, làm thế nào mà trường ĐHBKHN giữ chân được đội ngũ GV?

* Đây cũng là một vấn đề. Khi nói đến việc để giữ được đội ngũ thì bao giờ cũng nghĩ ngay đến chuyện tiền, nghĩ sao trả cho người này ngần này tiền, người kia ngần này tiền để giữ chân họ. Tôi cho đó là cách nghĩ không đúng. Theo tôi, điều đầu tiên nên nghĩ là phải tạo môi trường làm việc. Môi trường làm việc tốt thì sẽ thu hút được đội ngũ. Và khi đội ngũ đó tạo nguồn lợi cho nhà trường thì nhà trường cũng phải tạo cơ chế hưởng thụ cao nhất có thể cho họ.

Cụ thể với ĐHBKHN, chúng tôi đã, đang và sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm (PTN), trung tâm nghiên cứu với điều kiện và môi trường làm việc tương tự các PTN của nước ngoài để thu hút đội ngũ cán bộ trẻ vào làm việc. Tuổi đời bình quân của trường hiện nay là 38. Hiện trường có đội ngũ cán bộ trẻ hơn 800 thạc sĩ, tiến sĩ với tuổi đời không quá 35, họ rất sung sức, làm việc hăng say. Có những cán bộ nghiên cứu trẻ thu nhập tương đối cao khoảng 15-20 triệu/tháng. Rồi còn khoảng 450 cán bộ trẻ đang đào tạo ở nước ngoài. Trường dự đoán là ít nhất sẽ có 2/3 số đó trở về trường để công tác. Chúng tôi chủ trương từ nay đến 2015 không gia tăng biên chế nữa mà giữ ổn định khoảng 2.200 người, nhưng tỷ lệ cán bộ hành chính trên cán bộ giảng dạy phải giảm.

Trên thực tế, cán bộ giảng viên của ĐHBKHN đã về thì bỏ trường ra đi rất ít. Chỉ có cá biệt một vài trường hợp ra đi do hoàn cảnh gia đình hay chuyển đến một trường ĐH khác với vị trí quản lý cao hơn. Còn anh em yêu nghề và gắn bó với trường lắm.

- Với những trăn trở của ông về tự chủ cho trường ĐH, thấy nhiều giả định “nếu như trường ĐHBKHN được tự chủ thì…” Vậy khi những giả định này thành hiện thực, hình dung về trường ĐHBKHN sẽ là như thế nào?

* Đến 2030, trường ĐHBKHN phải trở thành một trường ĐH nghiên cứu mạnh ở Việt Nam. Tập thể nhà trường cũng phấn đấu để khi đó, nói đến trường ĐHBKHN của Việt Nam thì cũng giống như nhắc đến ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc, hay MIT ở Mỹ. Nói như thế nghĩa là nói về vị thế của trường trong hệ thống đại học Việt nam, chứ không dám nói mình xếp bằng các trường của họ vào thời điểm đó! 

- Không biết hiểu thế này có đúng không, thưa ông, rằng cho dù đã tự chủ thì để trường ĐH Việt Nam ngang tầm quốc tế vẫn còn một con đường dài phía trước?

* Mỗi trường ĐH, kể cả ở nước ngoài đều mạnh về một số lĩnh vực nào đấy. Trường ĐHBKHN sẽ tập trung phát triển một số lĩnh vực quan trọng, mang tính liên ngành, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển khoa học, công nghệ trong tương lai như CNTT, điện tử viễn thông, tự động hoá, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ nano … Còn nói ngang tầm quốc tế, tức là nói đến hội nhập với cộng đồng ĐH quốc tế về trình độ khoa học. Theo chủ quan của tôi, với đội ngũ cán bộ trẻ, đầu tư tập trung tạo môi trường làm việc tiên tiến, có cơ chế hưởng thụ nội bộ hợp lý và hợp tác quốc tế sâu rộng thì các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam sẽ không khó khăn để đạt được nguyện vọng chính đáng này ở từng lĩnh vực mạnh của mình. Tự chủ ĐH chính là phương tiện chuyên chở các trường ĐH chạy nhanh trên con đường đổi mới để tiến tới mục tiêu. Đường dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là chúng ta đi nhanh hay chậm!

- Thưa ông, khi nói đến việc còn xa ĐH Việt Nam mới đạt tầm đẳng cấp quốc tế, nhiều nhà quản lý tỏ ý buồn. Cảm nghĩ của riêng ông thì sao?

* Nhiều khi tâm lý cũng bảo là nhà trường hiện nay so với những gì khao khát, mong muốn còn xa vời. Nhưng với sự quan tâm từ Nhà nước, từ Bộ GD-ĐT, cộng thêm sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ giáo viên trong trường, thì cũng thấy hài lòng với những gì mà trường đạt được trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này tạo thêm niềm tin để trường ĐH Bách Khoa Hà Nôi tiếp tục vững bước đi trên con đường của mình.

Tôi rất tâm đắc với một câu trong báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước quốc hội tháng 11/2009: “Không nên lấy hạn chế, yếu kém ở một trường nào đó hay một khuyết điểm cụ thể nào đó mà phủ nhận cả thành tựu giáo dục đại học ở nước ta.” Tôi cho rằng những cái còn tồn tại trong GD ĐH Việt Nam chính là quản lý Nhà nước. Và đột phá trong hệ thống GD ĐH chính là ở điểm này.

Xin nói một chuyện ngoài lề. Một nhà Phật học có tặng tôi một tài liệu do anh biên soạn, trong đó có trích một câu trong Chính kinh: “ Cái sai lầm của mọi sai lầm là luôn tách riêng biệt thành từng vấn đề một mà không nghĩ rằng đó là một tổng thể, đó là sai lầm của mọi sai lầm!”. Câu nói này tuyệt vời quá! Có thể suy ra rằng: nguyên nhân của sự không thành công thường là khi xem xét hệ thống lại không biết nhìn cái tổng thể, mà chỉ nhằm vào cái thành phần. Cái “tổng thể” để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống GD ĐH Việt Nam hiện nay chính là đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, cái “tổng thể” của đổi mới quản lý nhà nước đối với GD ĐH của chúng ta chính là tự chủ ĐH với đầy đủ các thành tố của nó.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

>>> ĐHBKHN đã làm một khảo sát với đối tượng là các SV tốt nghiệp khóa 53. Kết quả: 2 tháng sau tốt nghiệp, gần 62% SV có việc làm; sau 6 tháng, hơn 90% SV có việc làm. Con số này trùng với điều tra của Dự án Phát triển GD ĐH (vay vốn Ngân hàng thế giới) năm 2001.

>>> ĐHBKHN là ĐH đầu tiên trong cả nước có hệ thống doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình tập đoàn song song với nhà trường.

Ngọc Khả Hân (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ