“Nhúng” sinh viên sư phạm vào môi trường học thuật

GD&TĐ - Sáng nay 14/9, Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2017-2018.

“Nhúng” sinh viên sư phạm vào môi trường học thuật

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các Ban chức năng và đơn vị thành viên ĐHQGHN; đại diện các trường ĐH, cơ quan đối tác trong và ngoài nước cùng ban Giám hiệu, các thầy cô và gần 300 tân sinh viên của Trường Đại học Giáo dục.

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS Nguyễn Quý Thanh- Hiệu trưởng nhà trường gửi lời chúc mừng các em học sinh vừa vượt qua kì thi khó khăn thách thức để trở thành tân sinh viên của trường Đại học Giáo dục. Buổi lễ khai giảng đánh dấu mốc của sự thành công bước đầu trong sự nghiệp và trong cuộc đời của các em.

Được thành lập từ năm 2009, Trường Đại học Giáo dục là 1 trong 7 trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường Đại học Giáo dục có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học, các nhà giáo dục... mà VN đang rất cần trong các lĩnh vực rất mới như giáo dục hướng nghiệp, những vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên.

Với cam kết chất lượng đầu ra giỏi về chuyên môn tinh thông về nghiệp vụ sư phạm theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ trong giáo dục, phương thức kiểm tra đánh giá tiên tiến trong quá trình đào tạo giáo viên, trường Đại học Giáo dục đang triển khai mô hình đào tạo cử nhân sư phạm chất lượng cao trên cơ sở kết hợp sức mạnh và nguồn lực chung của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS Nguyễn Quý Thanh đánh trống khai giảng năm học mới
GS Nguyễn Quý Thanh đánh trống khai giảng năm học mới

GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ: Trong thời gian gần đây, có nhiều tranh luận và thảo luận nhiều về mô hình đào tạo sư phạm trong bối cảnh về đào tạo sư phạm đang gặp khó khăn, các sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đổi mới một cách căn bản phương thức đào tạo giáo viên. Một trong những thảo luận và hướng đi trong thời gian tới mà Đại học Giáo dục góp ý với Bộ GD&ĐT là sẽ thay đổi một cách căn bản đào tạo giáo viên theo hướng đào tạo ra một cử nhân khoa học ở một lĩnh vực liên quan và sau đấy được đào tạo tinh thông về nghiệp vụ sư phạm.

Trường Đại học Giáo dục hiện nay là một trong những đơn vị đang được Bộ GD&ĐT giao để xây dựng chuẩn giáo viên phổ thông. Trong nội dung của chuẩn giáo viên phổ thông liên quan đến yêu cầu trình độ chuyên môn và yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chúng tôi có đề xuất với Bộ GD&ĐT triển khai hướng đào tạo giáo viên trong tương lai phải đi theo hướng cử nhân cộng thêm lĩnh vực đào tạo sư phạm. Hướng này tạm gọi là hướng 3+1.

Sắp tới, Đại học Giáo dục sẽ cho ra trường những giáo viên có trình độ cao hiểu biết chuyên sâu trong chuyên môn của mình cũng như nghiệp vụ sư phạm tốt. Trường sẽ tiếp tục phát triển mô hình đào tạo A+B để có một phương thức đào tạo tốt nhất.

Các em sinh viên ở Đại học Giáo dục được học tập trong một môi trường với những nhà khoa học hàng đầu của VN và có nhiều nhà khoa học đã vươn lên tầm quốc tế. Các em sẽ được "nhúng" vào trong một môi trường học thuật với các nhà khoa học làm việc ở các trường đại học thành viên như Đại học KHTN, Đại học KHXHNV.

Các tân sinh viên Trường Đại học Giáo dục
Các tân sinh viên Trường Đại học Giáo dục

Ở trong môi trường Đại học Giáo dục, các em sinh viên sẽ tiếp tục được không chỉ được học với các giáo sư hàng đầu, những nhà khoa học hàng đầu mà còn học với những bạn bè ở các trường thành viên bởi các em sẽ tham gia những lớp học cùng các sinh viên trường Đại học KHTN, Đại học KHXHNV.

Thông qua quá trình học với những người rất chuyên sâu ở lĩnh vực liên quan, các em sinh viên sẽ có những cơ hội để học thêm từ những người bạn của mình với những kiến thức chuyên môn và điều đó sẽ rất tốt cho công việc về sau.

Trong công tác NCKH, sinh viên của Đại học Giáo dục sẽ được tham gia vào môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với các phòng thí nghiệm rất hiện đại ở tất cả các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên Đại học Giáo dục cũng có 3 phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học rất hiện đại vừa được trang bị.
Bên cạnh đó là những phòng thực hành rất đặc thù trong lĩnh vực khoa học giáo dục như phòng đào tạo sinh viên, trung tâm tư vấn học đường, phòng nghiên cứu phát triển trí tuệ, trung tâm nghiên cứu hướng nghiệp và tư vấn tâm lý.

Hiện nay nhà trường đang triển khai 3 nhóm nghiên cứu với 3 nhóm sản phẩm. Sinh viên Đại học Giáo dục có cơ hội để tham gia vào 3 nhóm đó. Thứ nhất là nhóm nghiên cứu về ứng dụng trợ giáo ảo trên hệ điều hành Android. Thứ hai là ứng dụng về xét nghiệm và phân tích tâm lý giúp cho các học sinh lựa chọn đúng ngành nghề. Thứ ba là hệ thống đánh giá tùy biến theo mức năng lực của các thí sinh. 3 nhóm nghiên cứu của nhà trường hiện đang đầu tư để hướng đến các sản phẩm và các bạn sinh viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu cùng các nhóm nghiên cứu này.

Tiết mục văn nghệ tại lễ khai giảng
Tiết mục văn nghệ tại lễ khai giảng

Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động gắn kết để hun đúc lòng yêu nghề sự đam mê nghề nghiệp cho sinh viên của nhà trường. Hàng năm nhà trường tổ chức nhiều chương trình hoạt động chung của sinh viên ngành sư phạm.

Điểm mới trong năm học này là các sinh viên sẽ được tiếp xúc, được nghe nói chuyện chuyên đề với nhiều nhà khoa học đầu ngành, những chuyên gia đầu ngành cũng như nhiều cá nhân thành đạt trong lĩnh vực liên quan đến giáo dục. Điều này giúp sinh viên hình thành thêm một số ý tưởng trong việc phát triển hướng khởi nghiệp của mình sau khi ra trường.

Tại lễ khai giảng, Ban giám hiệu Trường Đại học Giáo dục đã tặng giấy khen và phần thưởng cho 1 sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa kì thi THPT quốc gia xét tuyển vào trường Đại học Giáo dục, 11 sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, 15 sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn, lớp và 11 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt.

Thầy hiệu trưởng tặng giấy khen và phần thưởng cho các sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập
Thầy hiệu trưởng tặng giấy khen và phần thưởng cho các sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ