“Nghề đặc biệt” - nhà giáo

GD&TĐ - Lao động của nhà giáo là lao động sư phạm - loại hình lao động đặc biệt. Bởi vậy, công cụ lao động chủ yếu của nhà giáo không chỉ là kiến thức mà còn là toàn bộ nhân cách của mình. Nhân cách này càng hoàn hảo thì sản phẩm làm ra càng hoàn thiện. Nhân cách đó bao gồm đạo đức, tâm hồn, tư tưởng, phong cách sống cũng như sinh hoạt của người giáo viên.

Cô và trò Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh (TPHCM)
Cô và trò Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh (TPHCM)

Các loại hình lao động khác thường thu được sản phẩm khi kết thúc quá trình lao động, trong khi hiệu quả lao động của người giáo viên sống mãi trong nhân cách của người được đào tạo; nên lao động sư phạm không chỉ mang tính tập thể rất sâu mà còn mang dấu ấn cá nhân rất đậm. Nghề dạy học do đó đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao; sự am hiểu nghề nghiệp và đặc biệt là đạo đức, nhân cách người thầy. Nghề giáo, đạo đức của nhà giáo phải là vấn đề được đưa lên hàng đầu với ý nghĩa rộng, gồm cả phẩm chất, năng lực và lương tâm nghề nghiệp...

Giáo viên thường được nhìn dưới ba góc độ: Nhà chuyên môn trong nghề dạy học; mẫu người về phẩm cách để học sinh noi theo; người lãnh đạo, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trong lớp học. Các vai trò này của nhà giáo tăng theo cùng với những yêu cầu mới về nội dung, phương pháp trong chương trình giáo dục và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đưa vào các chuẩn giáo viên các quy định về kiến thức, kĩ năng, thái độ mà nhà giáo phải có. Nội dung cốt lõi của chuẩn giáo viên là sự toàn tâm, toàn ý với người học và nghề dạy học; việc nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; trách nhiệm quản lý và giám sát việc học của học sinh, sinh viên; tinh thần học tập liên tục để nâng cao kết quả dạy học; tác phong đi đầu trong các quan hệ phối hợp với đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng.

Nhà giáo là một lực lượng hùng hậu, chỉ tính riêng giáo viên mầm non, phổ thông, trên cả nước đã có gần 1,2 triệu người. Rất nhiều người trong số đó tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình cho công việc, góp phần lớn vào những đổi thay của giáo dục. Cũng rất nhiều người, dù chưa từng được một lần vinh danh, tên chưa từng lên mặt báo, nhưng vẫn hàng ngày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục một cách thầm lặng và cao quý. Trong nhiều lần phát biểu, người đứng đầu ngành Giáo dục đã bày tỏ xúc động, trân trọng khi nhắc đến những thầy cô giữa thiếu thốn đủ bề vẫn miệt mài gieo chữ, vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ; sẵn sàng dành một phần trong thu nhập còn eo hẹp để hỗ trợ học trò với mong muốn các em được đến trường...

Nhưng bên cạnh đó, đâu đó vẫn có những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo; thậm chí, có một bộ phận sa sút về phẩm chất dẫn đến những vụ việc gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến đa số nhà giáo yêu nghề. Để hạn chế giáo viên vi phạm đạo đức, bên cạnh việc họ cần được thấu hiểu, đồng hành, được trợ giúp khi gặp khó khăn trong nghề nghiệp, việc thể chế hóa yêu cầu truyền thống mà xã hội trông mong ở người thầy là vô cùng cần thiết.

Theo đó, giáo viên, dù là người truyền thụ kiến thức một chiều theo phương pháp cũ hay là người dẫn dắt người học chiếm lĩnh tri thức theo phương pháp mới, bao giờ cũng phải là tấm gương sáng về đạo đức để học sinh, sinh viên noi theo. Từ các quy định pháp lý về đạo đức nói chung, “sư” đức nói riêng, cần xác định các giá trị nền tảng của nghề giáo, từ đó xây dựng các chuẩn mực đạo đức cơ bản mà người giáo viên phải tuân theo. Các chuẩn mực đạo đức này được cụ thể hóa trong từng trường hợp cụ thể, theo từng cấp học và trình độ đào tạo trong các văn bản hướng dẫn. Làm được điều đó, nhà giáo sẽ ý thức hơn nữa đến “công cụ” lao động đặc biệt của mình, đó là đạo đức, nhân cách và phẩm chất; không chỉ là kiến thức chuyên môn, kĩ năng sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ