Lan tỏa những điển hình giáo dục sáng tạo

GD&TĐ - Sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và 01 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp. 

 Lan tỏa những điển hình giáo dục sáng tạo

Từ các phong trào này những điểm sáng giáo dục đã được nhân rộng. Các nhà trường luôn sáng tạo, đổi mới với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.

Mẫu mực với ‘‘cái tâm” người thầy

Trong 10 năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân trong các hoạt động dạy và học, trong đấu tranh với các tiêu cực học đường và thực hiện nghĩa vụ công dân; ý thức khắc phục khó khăn đi học và tự học để chuẩn hóa trình độ chuyên môn.

Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ: Từ cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo về sự tận tuỵ với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh.

Đó là các gương mặt nhà giáo tiêu biểu trong cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn”, cuộc vận động đã khơi dậy phẩm chất cao quý vốn có của CBGV,NV trong việc nêu cao tấm lòng nhân ái, giúp đỡ chia sẻ, động viên giúp các em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Nhiều tấm gương nhà giáo đã nhận phụ đạo miễn phí cho các em có lực học yếu kém, giúp các em vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia...các thầy giáo, cô giáo là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần nhân ái sâu sắc, tình thương yêu học sinh.

Cùng với hoạt động hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ của Ngành phát động, các đơn vị trường học trong của ngành GD&ĐT Hà Nội còn tích cực triển khai những hoạt động thiện nguyện của đơn vị để nhằm vừa giúp đỡ chia sẻ với những giáo viên, học sinh và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, thể hiện tinh thần tương thân tương ái.

Nhiều hoạt động như tổ chức cho các lớp gói bánh chưng, mang đến trao tặng cho bệnh nhân bệnh nặng không về Tết, cho người nghèo lang thang cơ nhỡ, tổ chức quyên góp và thành lập đoàn đến thăm giao lưu và trao tặng cho các trường vùng miền núi có nhiều khó khăn đã được các đơn vị hưởng ứng tích cực.

Bên cạnh đó nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các đoàn thăm và hỗ trợ các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các đơn vị khó khăn trong địa bàn Thành phố Hà Nội và các CBGV,NV tại đơn vị. Những hoạt động này đã thể hiện nét đẹp của nhà giáo và học sinh Thủ đô với tinh thần tương thân tương ái, Hà Nội vì cả nước.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy học

Hưởng ứng phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều SKKN có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy.

Trong 10 năm qua có 211.956 SKKN được xếp loại cấp trường; 114.092 SKKN được xếp loại cấp quận, huyện; 50.314 SKKN xếp loại cấp Ngành trong đó có 29 SKNN loại A và 12.445 loại B. 102 cá nhân được UBND Thành phố tặng Bằng khen “Sáng kiến, sáng tạo” Thủ đô.

Bà Trần Thị Thu Hà, cho biết: Hàng năm, ngành GD&ĐT Hà Nội thường xuyên tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, nhân viên giỏi các cấp. Các Hội thi đã được đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường tích cực hưởng ứng.

Thông qua Hội thi, đội ngũ giáo viên ngày càng trưởng thành về chuyên môn, nuôi dưỡng tình yêu nghề, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình giảng dạy, phát hiện vấn đề và đề xuất giải quyết vấn đề trong hoạt động giáo dục. Các cấp Công đoàn quan tâm, động viên đông đảo cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia hội thi tạo những bước tiến mới trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Trong 10 năm cấp trường có 276.464 lượt giáo viên dự thi; cấp quận, huyện, thị xã có 51.164 giáo viên dự thi; cấp Thành phố có 4.142 giáo viên dự thi trong đó có 3.762 giáo viên đạt giải.

Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được triển khai thường xuyên ở các đơn vị và triển lãm, thi cấp quận, huyện, cấp Thành phố. Tại triển lãm trưng bày và thi đồ dùng dạy học tự làm của Thành phố năm 2009, 2012, 2015 đã có 15.108 sản phẩm dự thi cấp cụm, quận, huyện; 1.026 sản phẩm tiêu biểu dự thi cấp Thành phố, 973 sản phẩm đạt giải cấp Thành phố. Các sản phẩm dự thi đã thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, cống hiến cho Ngành của đông đảo CBGV,NV nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Để đạt được những kết quả trên, theo Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, chính quyền và công đoàn từ Ngành tới cơ sở đã phối hợp chặt chẽ, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các CBGV,NV nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của cuộc vận động, phong trào thi đua thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả.

Công đoàn đã phối hợp với chính quyền đồng cấp xây dựng tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, tinh thần tự học và tính sáng tạo của mỗi nhà giáo cho phù hợp với đơn vị. Tổ chức cho CBGV,NV học tập và cam kết thi đua thực hiện.

Các đơn vị nhà trường đều có băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cuộc vận động và phong trào thi đua, công khai các bảng tiêu chuẩn về “Đạo đức nhà giáo” tại Hội đồng Sư phạm để tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ CBGV phấn đấu thực hiện.

Quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” luôn được gắn với các phong trào và các cuộc vận động lớn của ngành như cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”.

”Trong 10 năm qua đã có 110 nhà giáo Hà Nội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” “Nhà giáo Ưu tú”, đó là những tấm gương sáng, tiêu biểu luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hết lòng chăm lo sự nghiệp giáo dục, là người có công lao to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ