Điều tiên quyết để xây dựng thương hiệu trường Sư phạm

GD&TĐ - “Trước yêu cầu đổi mới chương trình - SGK GD phổ thông, các trường sư phạm cần phải chuyển động nhanh, trong đó phải xác định được mục tiêu đào tạo là chú trọng tới hình thành phương pháp tư duy, linh hoạt, năng động, nhạy bén, tạo năng lực thích ứng cho SV” - Đó là chia sẻ của PGS. TS Trần Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, Học viện Quản lý Giáo dục.

 Điều tiên quyết để xây dựng thương hiệu trường Sư phạm

Thay đổi để đáp ứng với yêu cầu mới

Theo bà, các trường sư phạm cần có những thay đổi nào trong việc đào tạo đội ngũ sinh viên ra trường đáp ứng với yêu cầu mới hiện nay?

Các trường sư phạm phải nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung và trước hết là thực hiện tốt việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông mới.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các trường sư phạm cần phải cấu trúc lại khung chương trình đào tạo; Chương trình đào tạo đảm bảo phát triển năng lực giáo viên phổ thông và chú trọng hình thành năng lực tư duy khoa học và khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của xã hội.

Song song với đó cần đổi mới nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo theo hướng phát triển năng lực cá nhân, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục của đất nước và thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học giáo dục, phát triển năng lực hoạt động xã hội.

Tăng cường sự liên kết phối hợp đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm với các trường phổ thông, đồng thời tăng cường giao lưu học tập theo hướng trao đổi sinh viên với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, với mục đích để sinh viên được tắm mình trải nghiệm thực tế và được mở mang tầm nhìn ra thế giới.

Vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng mạng lưới cơ sở thực hành tốt để tạo môi trường giáo dục thực nghiệm, ứng dụng ý tưởng mới trong đào tạo giáo viên vào các trường phổ thông. Việc nâng cao trách nhiệm của trường phổ thông cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho sinh viên sư phạm có điều kiện để thực hành.

Quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã có tác động như thế nào đối với các trường sư phạm hiện nay?

Tại các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên các cấp hiện nay đang bám vào yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các trường sẽ tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV về chuyên môn và phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc trong việc triển khai đồng bộ với chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, chúng ta cần xác định việc giảng dạy với chương trình mới không thực sự dễ dàng đối với giáo viên. Đối với đội ngũ giáo viên hiện tại thì sức ỳ dạy theo lối mòn vẫn còn. Vì vậy, vấn đề cơ bản là phải thay đổi nhận thức và tạo động lực về tinh thần, vật chất cho họ.

Nhà nước cần đầu tư kinh phí để phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Mặt khác cần tinh giản đội ngũ giáo viên cũ, đãi ngộ họ về chế độ để họ có thể được nghỉ ngơi sau một thời gian dài công tác. Có như vậy, chúng ta mới tuyển dụng được một đội ngũ mới có năng lực và trình độ chuyên môn tốt phù hợp với yêu cầu dạy học mới.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tổng rà soát, thống kê hiện trạng đội ngũ giáo viên hiện có, tính toán số lượng giáo viên thừa/thiếu cục bộ theo từng môn học, cấp học; tổng hợp nhu cầu về giáo viên phổ thông từ năm học 2018 - 2019 để Bộ có căn cứ chính xác khi giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho các trường theo nhu cầu của địa phương.

Như vậy, ngoài việc đào tạo về số lượng đáp ứng về yêu cầu của xã hội, các trường sư phạm phải thay đổi phương thức đào tạo. Vấn đề thay đổi phương thức đào tạo không phải chỉ dựa trên sự thay đổi của chương trình sách giáo khoa mới. Việc đào tạo cho sinh viên sư phạm cần chú trọng tới phương pháp tư duy. Đó là sự linh hoạt, năng động, nhạy bén, dám đưa những vấn đề mới vào thể nghiệm.

Tăng cường trải nghiệm thực tế

Để sinh viên có thể thích nghi và đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của mình sau khi ra trường, cần những điều kiện và yếu tố nào?

Sinh viên được đào tạo trong 4 năm học trong trường sư phạm, tuy nhiên kiến thức luôn được cập nhật và đổi mới. Vì vậy khi tốt nghiệp, những sinh viên sư phạm không chỉ sử dụng những kiến thức đã được đào tạo trên giảng đường mà cần có sự học hỏi thích ứng với những điều kiện giảng dạy thực tế.

Thế nên các trường sư phạm cần phải tăng cường cho các sinh viên xuống các trường phổ thông trải nghiệm thực tế ngoài chương trình thực tập năm cuối. Các trường mà sinh viên được trải nghiệm cần bao gồm cả hệ thống các trường dân lập, các trường công lập và các trường có yếu tố nước ngoài.

Chúng ta cũng cần phải xây dựng một hệ thống các trường thực hành để tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên được đào tạo hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Điều quan trọng là phải tăng cường kiến thức thực hành. Đây cũng là môi trường tốt, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm phát huy những ý tưởng mới một cách có hiệu quả.

Muốn như vậy không chỉ GV cần được thay đổi, mà những người quản lý cũng cần phải thay đổi. Quan trọng nhất trong quá trình đào tạo, đó là sinh viên khi ra trường có đáp ứng được hay không. Đây chính là một trong những điều làm nên thương hiệu của cơ sở đào tạo.

Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sư phạm phải công khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Điều đó có những điểm tích cực.

Thứ nhất, đó là các cơ sở giáo dục muốn đào tạo có chất lượng thì bản thân phải có đủ các điều kiện đặc biệt là năng lực đào tạo. Đào tạo phải gắn với năng lực của các nhà trường trên mọi phương diện từ cơ sở đến đội ngũ.

Thứ 2, khi các sinh viên ra trường cũng phải được đánh giá từ các nhà trường phổ thông. Các trường phổ thông sẽ nhận xét và kiểm nghiệm xem các sinh viên được đào tạo tại các trường sư phạm có năng lực giảng dạy như thế nào.

Việc Bộ GD&ĐT quy định các trường sư phạm phải công khai như vậy sẽ giúp các nhà trường có kế hoạch sát thực hơn về chỉ tiêu tuyển sinh và phù hợp với năng lực đào tạo của xã hội. Như vậy, sinh viên ra trường sẽ có việc làm và đảm bảo được chất lượng đào tạo, hạn chế được sự chồng chéo. Một mặt nữa, các đơn vị đào tạo sẽ có kế hoạch xây dựng được cơ sở của mình trong đó có cả vấn đề uy tín và cũng như các yếu tố về cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

“Đích đến của đào tạo đội ngũ giáo viên là phải biết khái quát, biết thích ứng với sự thay đổi trong quá trình dạy và học. Các sinh viên sư phạm cần được trang bị khả năng tự đào tạo, tự học hỏi để phát triển bản thân. Và bản thân họ luôn có nhu cầu tự đổi mới, tự hoàn thiện và thay đổi mình thì mới đáp ứng được sự thay đổi của xã hội”. PGS.TS Trần Thị Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ