Bài 1: Trường vùng cao thiếu giáo viên nhiều môn học

GD&TĐ - Đối với các huyện miền núi cao, đặc biệt khó khăn, tỉnh Nghệ An chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên nhằm đảm bảo chất lượng dạy học. Dù vậy, ở các địa bàn này vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên cục bộ do đặc thù địa bàn rộng, nhiều điểm lẻ. Đặc biệt, nhiều trường tiểu học “trắng” giáo viên Tiếng Anh, Tin học.

Đội ngũ GV Nghệ An có đủ trong những năm tới?
Đội ngũ GV Nghệ An có đủ trong những năm tới?

Một thầy dạy… hai trường

Thầy Đinh Văn Minh - giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Môn Sơn 3 (huyện Con Cuông, Nghệ An) nhưng năm học này thầy phải dạy thêm cả ở Trường Tiểu học Chi Khê. Lý do là toàn huyện đang thiếu giáo viên, đặc biệt là các bộ môn năng khiếu, nên nhiều thầy cô giáo phải dạy liên trường. Hai xã Môn Sơn và Chi Khê cách nhau 30 km, trong Trường Tiểu học Môn Sơn 3 có hai điểm lẻ Khe Búng và Co Phạt là nơi sinh sống của bà con tộc người Đan Lai, nằm trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho GV, 2 trường thống nhất thời khóa biểu cho thầy Minh dạy 2 ngày tại Chi Khê và 3 ngày còn lại ở Môn Sơn. Dù vậy, việc đi lại, dạy học của thầy rất khó khăn, vất vả”, thầy Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn 3 cho hay.

Cũng theo thầy Tuấn, hiện trường sắp xếp đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày với khoảng 28 – 29 tiết/tuần. Tuy nhiên, đối với khối lớp 1 các giáo viên vẫn phải dạy thừa tiết so với định mức lao động, chủ yếu ở các tiết tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Đối với các các huyện miền núi cao, đặc biệt khó khăn như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…, tỉnh Nghệ An chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các trường tiểu học đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Dù vậy, việc bố trí đủ giáo viên trên mới chỉ dừng lại ở con số tính toán tỷ lệ số giáo viên/lớp cơ học, trong khi thực tiễn giáo dục ở những địa phương này lại mang tính đặc thù.

Bà Võ Thị Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho hay: Hiện nay, giáo viên trên toàn huyện cơ bản bố trí đủ, trong đó bậc tiểu học duy trì tỷ lệ 1,35 giáo viên/lớp. Các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia dạy học 9 buổi/tuần, những đơn vị còn lại dạy từ 7 – 8 buổi/tuần. Tuy nhiên, khó khăn nhất là số điểm trường lẻ nhiều, số học sinh tại điểm lẻ ít , có những lớp chỉ có 2- 3 học sinh vẫn phải bố trí GV dạy học.

Theo thống toàn huyện có hơn 80 điểm lẻ/21 trường tiểu học. Chưa kể việc di chuyển của giáo viên khó khăn vất vả, nhất là những giáo viên năng khiếu, Tiếng Anh phải đảm nhận tất cả các điểm lẻ. Thời khóa biểu của các nhà trường luôn luôn ở trạng thái động, không cố định. Có những giáo viên dạy ngoại ngữ mỗi tuần phải dạy 40 tiết ở tất cả các điểm lẻ trong trường và cả liên trường.

Ngoài ra, nhiều trường tiểu học của huyện Tương Dương đang tổ chức bán trú dân nuôi cho học sinh. Các công việc như quản lý, tổ chức cho học sinh ăn ngủ trưa, giáo viên cũng phải tham gia mà không có chế độ thù lao. Có trường giáo viên dạy thêm cả ca 3, ca 4 vào buổi tối để phụ đạo kiến thức cho học sinh như ở Lượng Minh, Nhôn Mai… Bởi vậy, huyện vùng cao Nghệ An chưa bao giờ là đủ giáo viên với khối lượng công việc lớn như vậy.

Học sinh vùng cao Nghệ An. Ảnh minh họa/ INT
 Học sinh vùng cao Nghệ An.           Ảnh minh họa/ INT

Thiếu kinh phí hợp đồng giáo viên thỉnh giảng

Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mới được bố trí 1 giáo viên Tiếng Anh là cô Và Y Dở. Cô Dở tốt nghiệp sư phạm cách đây 5 năm, nhưng mới thi đạt chứng chỉ tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT và trúng tuyển viên chức. Là giáo viên Tiếng Anh người bản địa, cô Dở có thuận lợi để dạy học cho các em học sinh 100% là con em đồng bào Mông. Ban giám hiệu nhà trường cũng hi vọng từ đây các em học sinh được học Tiếng Anh chương trình 10 năm bài bản, đầy đủ.

Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 là một trong bảy trường tiểu học của huyện Kỳ Sơn có giáo viên Tiếng Anh. Những trường còn lại đến nay vẫn “trắng”, dẫn đến học sinh không được môn học này. Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tà Cạ năm học này có 242 học sinh tiểu học, được bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, trường không có giáo viên tiểu học dạy Tiếng Anh, Tin học. “Điều này khiến học sinh của chúng tôi thiệt thòi. Bên cạnh đó, trong chương trình phổ thông tổng thể triển khai, học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ học 2 môn Tiếng Anh, Tin học mà thiếu giáo viên thì sẽ không triển khai được”, thầy Lê Văn Hoàng – Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện, về tổng thể Kỳ Sơn cơ bản đủ giáo viên. Riêng bậc tiểu học có tỷ lệ 1,36 GV/lớp đảm bảo dạy 2 buổi/ngày với 28 – 30 tiết/tuần. Tuy nhiên, trong số 29 trường tiểu học chỉ có 7 giáo viên Tiếng Anh ưu tiên bố trí cho trường chuẩn quốc gia, và 2 giáo viên Tin học. Điều đáng nói, nhiều năm qua, huyện được cho định biên nhưng vẫn không tìm được người để dạy giáo viên các môn này vì “các vùng thuận lợi hơn họ cũng có nhu cầu và tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học”, ông Thiết lý giải.

Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn khác. Thầy Hà Văn Huấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương) cho hay: “Nhiều năm qua, nhà trường đề xuất với Phòng GD&ĐT xin giáo viên Tiếng Anh nhưng cả huyện đều đang thiếu. Riêng với môn Tin học càng khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất, mạng Internet ở vùng lòng hồ Bản Vẽ chưa đảm bảo”.

Ông Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cũng chia sẻ khó khăn: “Đối với các địa phương khác trong tỉnh, nhà trường có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên Tin học, ngoại ngữ và chi trả lương từ nguồn thu của phụ huynh học sinh trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Nhưng ở miền núi không thể làm được điều này, do chủ trương của tỉnh là không thu tiền 2 buổi/ngày đối với trường đặc biệt khó khăn. Vì thế, các trường không có chi phí để hợp đồng giáo viên dù nhu cầu này tại địa phương là rất lớn”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ