Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh đã khẳng định quyết tâm của toàn ngành vượt khó nâng cao chất lượng GD. Các nhà trường trên địa bàn tỉnh đều thể hiện quyết tâm cao trong năm học này.
Thưa bà, xin bà cho biết quy mô của GD Quảng Ninh và chỉ đạo của ngành để hiện thực hóa quyết tâm nâng cao chất lượng toàn diện GD trong năm học này thế nào?
Trên địa bàn toàn tỉnh có 655 cơ sở GD từ mầm non đến THPT. Tổng số lớp của các trường trong toàn tỉnh là 10.642, tăng 195 lớp so với năm học trước với 305.512 HS. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 20.404, trong đó: 1.600 cán bộ quản lý (giảm 11), 16.839 giáo viên (tăng 234), 1.965 nhân viên (giảm 18).
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo bám sát các nội dung theo đúng tinh thần 9 nhóm nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các yếu tố đặc thù của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh thực hiện theo đúng nội dung các nghị quyết Tỉnh Đảng bộ, các quyết định của UBND, HĐND tỉnh.
Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng GD đại trà, thu hẹp khoảng cách GD giữ các vùng miền.
Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, trong dó tăng cường trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho HS, học đi đôi với hành. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành GD trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh HS và toàn xã hội.
Cơ sở vật chất trường lớp có tác động không nhỏ đến chất lượng vậy việc này được Quảng Ninh khắc phục thế nào, thưa bà?
Chúng tôi xác định để có được chất lượng dạy - học tốt thì ngoài nhân tố người thầy, điều kiện hạ tầng cũng phải được đáp ứng cơ bản.
Năm học này, tổng số phòng học cả tỉnh có 9.616 phòng (tăng 445 phòng so với năm học trước) trong đó 8.453 phòng học kiên cố (chiếm 88%); tổng số phòng học bộ môn, phòng chức năng phục vụ học tập là 1.481 (tăng 95 phòng).
Các cơ sở GD trực thuộc Sở đã xây dựng bổ sung và đưa vào sử dụng trong năm học này 6 phòng học, 6 phòng bộ môn, 3 nhà đa năng, 8 phòng công vụ giáo viên, 12 phòng làm việc với tổng mức đầu tư trên 42 tỷ đồng; ngoài ra cải tạo, sửa chữa 124 phòng các loại với kinh phí gần 23 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư thiết bị công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại được đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, chuyển giao, tập huấn để sử dụng trong năm học mới.
Dự án đầu tư 27 phòng học và họp trực tuyến phục vụ đào tạo, bồi dưỡng; tích cực hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án mua sắm thiết bị các cấp học mầm non và phổ thông; Các địa phương trong tỉnh cũng đưa vào sử dụng 28 trường học xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa gần 200 hạng mục cơ sở vật chất trường học, tổng kinh phí thực hiện trên 291 tỷ đồng.
Ngoài ra các địa phương đã mua sắm trang bị bổ sung phương tiện, thiết bị dạy học cho các nhà trường với kinh phí gần 34 tỷ đồng.
Đối với HS các dân tộc trong tỉnh, hiện Quảng Ninh đang có những chính sách hỗ trợ gì để các em học tâp tốt, thưa bà?
Để GD có sự phát triển đồng đều, việc quan tâm chăm lo tới vùng dân tộc là một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo tỉnh và ngành. Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ giáo viên và người học.
Thời gian qua là chính sách: Hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở GD mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng HS bán trú đang học tại các cơ sở GD THCS trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở GD mầm non cho đối tượng trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo...
Để tăng thêm các nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp chung, chúng tôi cũng vận động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư cho GD các xã khó khăn.
Theo thống kê sơ bộ, ước tính tổng kinh phí đạt được là 367.011.700 đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các đợt công tác hỗ trợ nhân dân các xã khó khăn về quần áo, thực hiện nếp sống ăn, ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... Nhân đây, thay mặt ngành GD, cho phép tôi gửi lời cám ơn tới những nghĩa cử cao đẹp chung tay góp sức vì sự nghiệp chung.
Quyết tâm “làm được nhiều hơn” của GD Quảng Ninh cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, phải chăng đã giúp GD không còn khó khăn nữa, thưa bà?
Đúng là sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và sự trợ giúp của các đoàn thể, người dân đã tháo gỡ cho GD nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Quảng Ninh là một tỉnh miền núi nên khó khăn còn rất nhiều.
Cơ sở vật chất của các cơ sở GD ở nhiều địa phương còn thiếu và xuống cấp nhiều, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư cho GD lớn, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng được nhu cầu về phòng học, phòng chức năng và các cơ sở vật chất khác của các nhà trường.
Số HS mầm non, tiểu học tăng dẫn đến tăng lớp, thiếu phòng học, thiếu giáo viên, nhân viên. Một số địa phương (Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà...) khó khăn trong việc vận động HS ra lớp, đặc biệt đối với trẻ độ tuổi nhà trẻ (0 - 2 tuổi) và HS tốt nghiệp lớp 9 vào học THPT hoặc học nghề;
Mức thu học phí tại các trung tâm GDTX thấp, không đủ kinh phí để chi trả cho giáo viên thỉnh giảng. Rồi biên chế giáo viên, cùng nhiều vấn đề khác mà để tháo gỡ không chỉ ngành GD làm được mà cần sự trợ giúp nhiều hơn nữa từ Trung ương đến địa phương và sự đồng lòng giúp sức của các tổ chức đoàn thể và người dân.
Xin cám ơn bà!