Giáo dục vùng khó Yên Bái khởi sắc

Giáo dục vùng khó Yên Bái khởi sắc
(GD&TĐ)- Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương thành lập trường đại học tại tỉnh Yên Bái nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực tại chỗ cho địa phương và vùng lân cận. Vì vậy, Yên Bái cần sớm cụ thể hóa lộ trình thành lập như giành quỹ đất xây trường, nguồn lực con người, tài chính...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phát biểu tại buổi làm việc với cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái trong chuyến công tác tại địa phương này ngày hôm nay 17/3. 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo. Ảnh, gdtd.vn
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo. Ảnh, gdtd.vn
Cùng đi có các Vụ Kế hoạch-Tài chính, Tổ chức cán bộ, Giáo dục dân tộc, các Cục Quản lý Cơ sở vật chất-Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Văn phòng Bộ. 
Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã đến thăm và động viên CB-GV và học sinh tại hai trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và trường PTDTNT Yên Bái. 
Những con chim đầu đàn của ngành giáo dục Yên Bái
Theo báo cáo, thành lập từ năm 1989, trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã đào tạo 19 khóa học với tỷ lệ khá giỏi tốt nghiệp các khóa thường xuyên đạt từ 95-98%. 21 năm qua, nhà trường đã có 330 lượt học sinh đạt giải quốc gia. Tỉ lệ đỗ ĐH-CĐ luôn đạt từ 88% đến 100%, trong số các em được đào tạo này, nhiều em đã quay về công tác tại địa phương và đã góp phần không nhỏ đóng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của địa phương đề ra hàng năm.
Đối với trường PTDTNT Yên Bái, nơi giáo dục, nuôi dưỡng con em các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh, từ khi thành lập, năm 1982, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu giáo dục. 
Trong 29 năm qua đã có hơn 1.500 HS của trường trở thành bác sĩ, kĩ sư, giáo viên; có những em đã có học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy trong các trường CĐ-ĐH, có em đã trở thành cán bộ quản lý trong các cơ sở GD, cán bộ chủ chốt tại địa phương.... 
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn
 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã biểu dương những thành tích giảng dạy và học tập của CB-GV và HS các thế hệ của hai trường trong hơn 20 năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh với CB-GV ở đây: hiện nay, dạy kiến thức cho HS là chưa đủ. Nhà trường cần rèn rũa cho các cháu các hoạt động ngoại khóa, tích cực tham gia lao động sản xuất tăng gia để các cháu nhận thức giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống; nhận thức được như vậy, các cháu sẽ thêm phần tôn trọng thành quả lao động của ông bà, bố mẹ trong gia đình đã có công nuôi dưỡng, giành những gì tốt nhất có thể cho bản thân ăn học để có động lực thực sự phấn đấu vươn lên trong học tập.
Với CB-GV trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Bộ trưởng mong rằng tập thể nhà trường phải nỗ lực cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, một mặt để kịp với mặt bằng chung của các trường chuyên tại các vùng miền khác, mặt khác là trở thành con chim đầu đàn cho các trường THPT tại địa phương phấn đấu noi theo.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tặng mỗi trường một bộ máy vi tính để bổ sung vào các thiết bị hỗ trợ và ứng dụng thêm vào công tác giảng dạy và học tập tại nhà trường.
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền và Sở GD-ĐT Yên Bái để nắm tình hình thuận lợi cũng như khó khăn trong công tác dạy và học nơi đây. Cùng dự buổi làm việc có Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đào Ngọc Dung, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng và các đồng chí lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cùng đông đảo CB-GV ngành GD-ĐT Yên Bái.
Giáo dục ở một vùng khó Tây Bắc khởi sắc 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm giờ thực nghiệm tại trường chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh, gdtd.vn
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm giờ thực nghiệm tại trường chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh, gdtd.vn
Đoàn đã được nghe báo cáo khái quát về tình tình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Yên Bái trong năm qua và những mục tiêu, kế hoạch kinh tế xã hội trong thời gian tới, nghe báo cáo về những thuận lợi, khó khăn của ngành giáo dục tại đây. 
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng cho biết: là tỉnh thuộc vùng Tây Bắc với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 54% trong tổng số 75 vạn dân. Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đến 62/180 xã phường còn ở diện đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt hơn nữa là tại địa phương hiện có trên 60% số học sinh hiện nay là con em các dân tộc thiểu số, 20% số học sinh là con em các hộ nghèo. Chính vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tính bền vững của công tác PCGD còn gặp nhiều khó khăn, báo cáo đánh giá.
Tuy vậy, trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2005), với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cùng toàn ngành giáo dục Yên Bái, sự nghiệp giáo dục nơi đây đã có nhiều chuyển biến và khởi sắc rõ nét.
Đơn cử như tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước đó. Năm 2010 có trên 98% HS đỗ tốt nghiệp, cao hơn 23,58% so với năm 2009. 
Báo cáo cũng đưa ra con số khảo sát số học sinh đỗ vào các trường CĐ-ĐH tăng lên một cách đáng mừng theo từng năm. Nếu như năm 2006 tỉ lệ này chỉ đạt 13% thì đến năm 2008 đạt 19%, thì năm 2010 đã có 27,4% các em dự thi vào các trường CĐ-ĐH đắc cử.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm giờ học trên máy vi tính của HS trường chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh, gdtd.vn
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm giờ học trên máy vi tính của HS trường chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh, gdtd.vn
Hiện toàn tỉnh có 579 trường học, cơ sở GD các cấp với 185.924 HS-SV và trẻ mẫu giáo học ở 6.762 lớp học. Hàng năm, tỷ lệ học sinh các cấp bậc học PT bỏ học giảm đi rõ rệt. Trong năm qua, chỉ có 574/132.544 HS bậc học PT (chiếm 0,43%) bỏ học.
Kết quả chống mù chữ-PCGDTH, PCGDTHCS tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng. Tỉ lệ HS 6 tuổi ra lớp đạt 99,2%, tỉ lệ trẻ trong độ tuổi vào lớp 6 đạt 86,3%. Năm 2007, Yên Bái đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS và năm 2009 được công nhận đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi, hai kết quả này đang tiếp tục được ngành GD nơi đây giữ vững.
Toàn ngành GD Yên Bái đang có 14.500 biên chế, lao động. Trong số này có 99,12% GV đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu. Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách thu hút, động viên GV-HS nhằm thu hút lực lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi về địa phương công tác....
Bên cạnh những thuận lợi ngành GD Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là những tâm tư nguyện vọng của CB-GV ngành GD Yên Bái phản ánh trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hôm nay.
Yên Bái hiện còn 15 xã chưa có trường mầm non độc lập, tỉ lệ phòng học kiên cố của bậc học này mới chỉ đạt 47,2%, số còn lại đều là nhà học tạm bợ và học nhờ. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp mới chỉ đạt 15,5%, mẫu giáo đạt 83,64%, 5 tuổi đạt 97,6% dân số độ tuổi. Đây là những thách thức lớn gây khó khăn cho công tác phổ cập GDMN 5 tuổi.
Ở các bậc học khác, cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng thí nghiệm, phòng học chức năng còn thiếu thốn. Một số ý kiến phản ánh với Bộ trưởng tập trung vào: việc hoàn thiện mạng lưới trường bán trú dân nuôi, trường Trung cấp Y tế của Yên Bái, tiêu chí, điều kiện thành lập trường bán trú...
Địa phương cần phát huy tính chủ động trong GD-ĐT
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng chụp ảnh lưu niệm với học sinh trường PTDTNT Yên Bái. Ảnh, gdtd.vn
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng chụp ảnh lưu niệm với học sinh trường PTDTNT Yên Bái. Ảnh, gdtd.vn
  
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đánh giá cao những thành quả của sự nghiệp giáo dục mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cùng ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã đạt được trong thời gian qua. 
Bộ trưởng cũng mong rằng, trong thời gian tới, cùng với việc khắc phục những khó khăn trong việc thực hiện những chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra, địa phương hết sức phối kết hợp cùng ngành giáo dục khó khăn trước mắt để con em các dân tộc anh em nơi đây có điều kiện tốt nhất có thể để học tập, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cho địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu các nhà trường Dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi khắc phục khó khăn, từng bước chăm lo đời sống cho học sinh nhằm giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt để các em ổn định sinh hoạt để đến trường và tập trung vào học tập. "không được trong chờ ở trên, ngay tại địa phương, những điều kiện nào cho phép thì có thể làm ngay để các cháu được đến trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với Đề án Phổ cập GDMN 5 tuổi, ngành giáo dục Yên Bái phải chủ động tiến hành từng bước thật cụ thể với từng địa phương, từng trường. Về phía Bộ GD-ĐT sẽ từng bước nhanh chóng phân cấp, hướng dẫn các bước tiến hành cho từng địa phương.
Về dự án trường xây dựng trường chuyên của tỉnh Yên Bái trên cơ sở mở rộng quy mô của trường chuyên Nguyễn Tất Thành hiện nay, Bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với phương án này và cho biết, Bộ sẽ phân bổ nguồn lực hỗ trợ dự án này cho Yên Bái cùng với sau khi cân đối nguồn vốn.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Yên Bái rà soát lại đề án thành lập trường Trung cấp Y tế tại đây trình Bộ sớm thẩm định và phê duyệt. Nếu điều kiện nào chưa đầy đủ thì địa phương phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thành để Đề án sớm được triển khai...
Bí thư Tỉnh ủy Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm cho Bộ GD-ĐT. Ảnh, gdtd.vn
 Bí thư Tỉnh ủy Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm cho Bộ GD-ĐT. Ảnh, gdtd.vn
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.