Giáo dục vùng khó và những bài học quý rút ra từ SEQAP

GD&TĐ - Nhiều bài học quý đã được các địa phương, đặc biệt là những tỉnh vùng khó, rút ra trong quá trình triển khai Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP).

Học sinh trường tiểu học tham gia SEQAP ăn trưa tại trường. Ảnh SEQAP
Học sinh trường tiểu học tham gia SEQAP ăn trưa tại trường. Ảnh SEQAP

Yên Bái: Ba bài học quan trọng

Theo báo cáo tổng kết SEQAP của Sở GD&ĐT Yên Bái, sau 6 năm thực hiện, Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) được triển khai cho 40 trường của 6 huyện, thị xã tỉnh Yên Bái đã đạt được mục tiêu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở địa phương này.

Cũng trong thời gian 6 năm triển khai Chương trình, những bài học kinh nghiệm quan trọng đã được ngành Giáo dục Yên Bái rút ra, cụ thể:

Một là làm tốt công tác tuyên truyền. Các trường đã chú trọng tuyên truyền tổ chức học cả ngày trong các cuộc họp tại địa phương, các cuộc họp với cha mẹ học sinh đầu năm và cuối mỗi học kỳ.

Nhìn chung, chính quyền địa phương đều hiểu mục tiêu của Chương trình và việc hỗ trợ để chuyển sang dạy học cả ngày (FDS); cha mẹ học sinh nhận thức cho con đi học cả ngày có chuyển biến tích cực. Qua đó, họ đã chủ động trong việc triển khai, tham gia chương trình, đồng thời ủng hộ về tinh thần, vật chất cho nhà trường để tổ chức FDS.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng nhà trường thực hiện đảm bảo tính công bằng trong xét duyệt cho các đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc, vùng sâu, xa được hưởng lợi từ các Quỹ của SEQAP.

Hai là sử dụng nguồn kính phí công khai, minh bạch, hiệu quả. Trên cơ sở nguồn vốn SEQAP được tỉnh phân bổ, các quy định sử dụng kinh phí Ban Quản lý SEQAP các huyện, các trường tiểu học phối hợp với hội cha mẹ học sinh lập kế hoạch sử dụng kinh phí chi tiết cho từng hạng mục của Chương trình.

Theo đó, yêu cầu các nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích và được công khai theo quy định. Giao cho Ban Quản lý SEQAP các huyện, các trường tiểu học tự chủ nguồn kinh phí đã được giao và tự chịu trách nhiệm việc chi tiêu từ nguồn kinh phí này dưới sự giám sát, tư vấn, hỗ trợ của Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các chuyên gia tư vấn vùng.

Ba là: Phát huy tối đa vai trò cộng đồng. Sở GD&ĐT xác định SEQAP chỉ cung cấp những điều kiện cơ bản, cần thiết, hỗ trợ việc chuyển đổi từ tổ chức dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày.

Để việc tổ chức dạy học cả ngày thành công và đạt hiệu quả cao, đúng với mục đích của chương trình thì cần phải có sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Để huy động xã hội hóa giáo dục trong các trường đạt hiệu quả, cần phải tập trung thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ phối hợp và linh hoạt.

Trước hết là sự chỉ đạo, quán triệt từ cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó, các trường cần phải lên kế hoạch cụ thể cho từng nội dung công việc và có sự chuẩn bị chu đáo về các điều kiện để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục; có sự thảo luận trước với các đối tượng liên quan như: cha mẹ học sinh, cộng đồng, các tổ chức xã hội…

Ngoài ra cần tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ như: tổ chức ngoại khóa, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn cho học sinh; quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, học sinh dân tộc tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động giáo dục và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, phải biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của cha mẹ học sinh, cộng đồng, chính quyền địa phương, ... để điều chỉnh kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng đạt hiệu quả cao.

Thanh Hóa: Đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.

Từ những kết quả đạt được của Chương trình và những khó khăn, tồn tại, Sở GD&ĐT Thanh Hóa rút ra những bài học kinh nghiệm khi triển khai SEQAP.

Theo đó, bài học đầu tiên là cơ cấu tổ chức của Chương trình, Dự án phải chặt chẽ, đồng bộ: cần phải thành lập Ban Quản lí ở các cấp để quản lí, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hơn.

Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ quản lí: cán bộ quản lí cần phải xác định được học sinh còn nghèo, trường còn nhiều khó khăn, có sự hỗ trợ của Chương trình, Dự án dù nhỏ cũng là đáng quý, cần phải trân trọng để làm tốt và nhân rộng, phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.

Thứ 3, làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh, cộng đồng địa phương và lãnh đạo các ngành, các cấp hiểu rõ lợi ích mà Chương trình, Dự án mang lại cho học sinh để có sự đồng thuận và hỗ trợ.

Và cuối cùng, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thường xuyên để cơ sở tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trà Vinh: Làm tốt vai trò phối hợp

Theo báo cáo tổng kết SEQAP của Sở GD&ĐT Trà Vinh, bài học đầu tiên của tỉnh này sau khi triển khai SEQAP là cần có sự phối hợp tốt giữa các cấp và các ngành hữu quan trong tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình. Xây dựng mối quan hệ, gắn kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Cùng với đó, tăng cường vai trò trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường; Phát huy sức mạnh của tập thể giáo viên; Xây dựng khối đoàn kết nội bộ để tạo ra những chuyến biến về chất và lượng trong triển khai các hoạt động dạy học cả ngày.

Xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày với nội dung, chỉ tiêu phù hợp tình hình thực tế của nhà trường, các biện pháp thực hiện phải có tính khả thi, huy động được sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài cùng thực hiện.

Cuối cùng, phải quan tâm công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá để kịp thời phát huy nhân rộng ưu điểm và điều chỉnh những mặt hạn chế. Chú ý phát huy vai trò giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Tuyên Quang: Triển khai dựa trên tình hình thực tế địa phương

Tại Tuyên Quang, sau quá trình triển khai SEQAP, Sở GD&ĐT nhận thấy, để tổ chức triển khai hiệu quả dạy học cả ngày trước hết phải tổ chức điều tra nắm chắc tình hình phát triển kinh tế, xã hội, dân trí ở địa phương, những khó khăn, thuận lợi ở tất cả các điểm trường để chủ động trong việc triển khai FDS trên địa bàn nơi trường đóng mới có hiệu quả.

Bài học về quản lý và sử dụng hai Quỹ, đặc biệt là Quỹ Phúc lợi học sinh, theo Sở GD&ĐT, cần nắm chắc Kế hoạch thời gian diễn biến các kỳ của năm học và Kế hoạch tài chính được giao theo năm tài chính để chủ động lập Kế hoạch chi tiêu Quỹ hợp lý.

Cụ thể: Một năm học có 35 tuần thực học. Quỹ Phúc lợi học sinh cũng được tính toán cung cấp tiền ăn bữa trưa 35 tuần (theo SEQAP hướng dẫn 36 tuần). Như vậy, các trường dễ dàng tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường cho 35 tuần thực học. Thực hiện tuần thứ 36 (tuần không thực học), nhà trường không tổ chức ăn trưa.

Bố trí Học kỳ 1 (thời gian từ khai giảng năm học đến 31/12 theo năm tài chính) thực hiện 17 tuần. Học kỳ 2 (thời gian từ ngày 1/1 theo năm tài chính đến khi kết thúc năm học) thực hiện 18 tuần. Như vậy, nhà trường dễ bố trí cho học sinh tổ chức ăn trưa trong 35 tuần thực học. Số học sinh được xét thụ hưởng ăn trưa được tăng lên. Việc thanh toán, quyết toán, giải ngân theo năm tài chính thuận lợi.

Bài học cuối cùng là: Đầu tư xây dựng cơ bản của SEQAP được UBND cấp huyện kết hợp với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thực hiện kế hoạch trường chuẩn quốc gia, huy động các nguồn lực đầu tư hỗ trợ ngoài SEQAP cho các trường SEQAP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ