Giáo dục Tu Mơ Rông: Nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ

Giáo dục Tu Mơ Rông: Nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ

(GD&TĐ) - Từ 1 huyện mới thành lập với tỉ lệ trẻ em thất học cao, 6 năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn các dự án, chính sách và đặc biệt là nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Kon tum về “Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số”, đến nay ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng với đặc thù của xã vùng sâu, vùng xa, có hơn 98% người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đời sống người dân còn khó khăn, ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông vẫn đang gặp nhiều vướng mắc cần xã hội chung tay tháo gỡ, đặc biệt là những giải pháp từ chính quyền địa phương.

 

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiện nay việc xây dựng trường đạt chuẩn, xóa bỏ các lớp học tạm, duy trì sĩ số HS và nâng cao chất lượng dạy học… đang đặt ra cho ngành giáo dục huyện những thách thức.

Ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông trăn trở, hiện nay, toàn huyện còn có 43 phòng học nhờ, 13 phòng học tạm. Để giải quyết vấn đề này, ngành cũng đang tham mưu với UBND huyện kêu gọi sự tài trợ của cá tổ chức xã hội để xóa bỏ lớp học tạm này những còn gian nan lắm.

Mặc dù, các phòng học đã tương đối đảm bảo cho học sinh học ngày 2 buổi. Nhưng, việc xây dựng các phòng chức năng còn hạn chế. Trường tiểu học xã Văn Xuôi, trường PTDT bán trú xã Ngọc Lây đều phải lấy phòng học văn hóa làm phòng thư viện, phòng Đội, thí nghiệm… Điều đáng quan tâm là không chỉ thiếu vốn để xây dựng, hoặc phòng chức năng tạm bợ mà các đồ dùng dạy học cũng đã hư hỏng nhiều nhưng chưa được bổ sung. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở địa phương.

Thầy A Chậm, giáo viên trường PTDTBT tiểu học xã Ngọc Lây, Tu Mơ Rông bày tỏ: “Vấn đề khó khăn nhất là việc duy trì học sinh. Đa số các em đến đây nằm rải rác ở các thôn, cho nên việc đi lại trong mùa mưa thì rất là khó. Học sinh thì rất nhỏ. Một số gia đình không tạo điều kiện cho con em đi lại”.

Thầy Trần Văn Trọng, Hiệu trưởng Trường TH Văn Xuôi băn khoăn, hiện xã có 6 thôn làng cách xa điểm trường trung tâm nên các em lớp 3 lớp 4, 5 đi học gặp rất nhiều khó khăn, đường sá lầy lội, cách trở nên ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số. Một vấn đề đáng quan tâm khác là mặc dù những năm qua đội ngũ giáo viên đã có sự thay đổi về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Với 727 giáo viên và cán bộ; trong đó, có 718 giáo viên đạt chuẩn song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn giảng dạy. Một số giáo viên là người DTTS trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, phương pháp soạn giảng còn yếu, công tác huy động học sinh chưa cao. Đội ngũ giáo viên còn trẻ chưa có kinh nghiệm trong công tác cũng như chưa có phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh trên địa bàn. Đáng bận tâm hơn là có một số giáo viên được đào tạo giai đoạn trước hiện nay không đáp ứng được phương pháp dạy mới.

Ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông, bày tỏ: “Hiện tại, có 37 GV bậc học MN và TH được đào tạo giai đoạn trước đây, theo hình thức công đoạn, cấp tốc cho nên trình độ năng lực của các giáo viên này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo phương pháp mới.”  

 

Những tín hiệu vui

Năm 2006, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT ) tiểu học xã Ngọc Lây, thành lập chỉ với một dãy nhà cấp 4, sách vở, trang thiết bị, dụng cụ dạy học đều thiếu thốn. Đến nay, trường đã được đầu tư, xây dựng, đảm bảo việc học tại địa phương.

Thầy Trần Viết Huê, Hiệu trưởng trường PTDTBT tiểu học xã Ngọc Lây, (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Cho đến thời điểm này, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trường đã xây dựng kiên cố hóa lớp học, đảm bảo được số lượng phòng học và số đồ dùng đảm bảo cho HS 2 buổi trên ngày. Đội ngũ giáo viên cũng từng bước bổ sung và thường xuyên bồi dưỡng, cử đi học tập, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn. Công tác duy trì sĩ số học sinh đảm bảo, chất lượng dạy học không ngừng được nâng cao”.

Không riêng gì Trường PTDTBT tiểu học xã Ngọc Lây, mà hầu hết các trường trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cũng đã và đang được đầu tư từ các nguồn vốn như kiên cố hóa trường lớp, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum về nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

So năm học 2005-2006, toàn huyện Tu Mơ Rông chỉ có 86 phòng học thì đến năm học 2012-2013, huyện đã có 420 phòng học, có 3/33 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1 đều được ra lớp. Trang thiết bị, sách vở, dụng cụ dạy học đã được tăng cường đầu tư mua sắm. Cùng với việc đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục như: đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS.

Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Kon Tum cũng đã đề ra nhiều phương án mang tính giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn chung của ngành. Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho rằng, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các địa phương cần huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia công tác xã hội hóa.

 

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục không chỉ dừng lại ở việc tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Mà điều quan trọng hơn là huy động được các lực lượng này tham gia cùng với nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc giáo dục các em học sinh. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành giáo dục với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội cùng chung tay chăm lo, giáo dục học sinh. Ông cho biết: “Đôi với các xã đặc biệt khó khăn, các địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc lớn, thì vấn đề nâng cao chất lượng học sinh đồng bào DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, Sở GD&ĐT cũng đã triển khai những giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, như tăng các số buổi học lên 2 buổi/1 ngày. Tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho các em từ 300 tiết tăng lên 400 tiết”.

Theo ông Nguyễn Hóa thì để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục trên địa bàn huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh trong những năm tiếp theo, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt ngành giáo dục cần bổ sung biên chế cán bộ các môn đặc thù… Cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người học là người  đồng bào DTTS, người lao động nghèo. Tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn theo kế hoạch kiên cố hóa trường học, nhà ở cho giáo viên, xóa bỏ phòng học tạm, đặc biệt là ở bậc học MN.

Đại Thắng - Đại Khải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ