(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT đã tăng cường phân cấp cho các Sở GD&ĐT thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Từ thay đổi trong cách thi dẫn đến thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường... là những “cú hích” lớn giúp thầy cô, học sinh có những giờ học đầy sáng tạo.
Cô – trò chủ động, sáng tạo trong mỗi giờ học
Việc dạy học ở các trường trung học đã được phân hóa theo năng lực học sinh |
Xác định học sinh, giáo viên là chủ thể của mỗi giờ học, là đối tượng quyết định chất lượng dạy học, năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích đội ngũ nhà giáo đổi mới phương pháp dạy học. Theo Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) Vũ Đình Chuẩn, việc dạy học đã được phân hóa theo năng lực học sinh. Dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên đã chủ động thiết kế bài giảng, linh hoạt, khoa học phù hợp với đặc điểm từng môn học, lớp học. Những thay đổi trên dù không lớn nhưng đã có tác động tích cực đến học sinh. Có thể nói, việc truyền thụ kiến thức cân đối với rèn luyện kỹ năng đã tăng khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tế, giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, bồi dưỡng phương pháp tự học, tăng khả năng làm việc theo nhóm...
Để việc đổi mới phương pháp dạy đạt hiệu quả cao nhất, năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng có đổi mới về nội dung dạy học. Trước hết là điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, đảm bảo phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Điều chỉnh nội dung dạy học đã từng bước khắc phục sự trùng lặp kiến thức trong mỗi môn học, giữa các môn và giữa các lớp, hạn chế tình trạng nội dung dạy học vượt quá khả năng nhận thức của học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông để xác định nội dung kiến thức liên môn, làm căn cứ cho việc xây dựng các chủ đề tích hợp giữa các môn học, giúp học sinh học ít thời gian nhưng được nhiều kiến thức, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Việc tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GD cũng được Bộ chú trọng. Theo đó, các đơn vị GD chủ động xây dựng, quản lý kế hoạch dạy học, chương trình chi tiết của đơn vị dựa trên khung kế hoạch thời gian và hướng dẫn của Bộ. Xây dựng kế hoạch dạy học sẽ giúp mỗi trường, từng địa phương chủ động dành thời gian cho ôn tập, thí nghiệm, thực hành và kiểm tra định kỳ phù hợp với điều kiện dạy học của từng cơ sở GD.
Khuyến khích học sinh áp dụng lý thuyết vào thực tế
Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường phổ thông ngày càng được chú trọng (Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT Lạng Giang số 3 trong giờ thực hành thí nghiệm.) |
Để “học” đi đôi với “hành”, ngoài quy định về giờ thí nghiệm, thực hành trên lớp, Bộ GD&ĐT cũng tạo nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh. Năm học 2012 - 2013, các hoạt động “Hội thi thí nghiệm - thực hành của học sinh”, “Hội thi tự làm và sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên”, “Ngày hội công nghệ thông tin”, “Ngày hội đọc”… đã thu hút được sự tham gia của đông đảm học sinh và thầy cô. Nhiều ý tưởng hay, cách làm lạ được “trình diễn” cho thấy hoạt động dạy - học trong nhà trường đã thực sự gắn liền với cuộc sống.
Điểm sáng trong năm học vừa qua là cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã thu hút gần 400 học sinh tham gia. Cuộc thi đã chọn và cử 5 dự án tham dự Intel ISEF 2013 và 2 dự án đạt giải Tư tại Intel ISEF 2013 cho thấy kiến thức, sự sáng tạo của học sinh Việt Nam ngang tầm với các nước. Đề tài Nghiên cứu khả năng vi lọc của mảng vỏ trứng gà của 3 học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam hay Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia của nhóm học sinh đến từ Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cho thấy các em không phải là “gà công nghiệp” chỉ biết ăn- học mà thực sự là những con gà biết “đẻ trứng vàng”. Những phát minh của các em có thể còn non nớt, thiếu sót nhưng ở một góc độ nào đó chứng tỏ học sinh ngày nay không chỉ có kiến thức, am hiểu công nghệ mà còn biết vận dụng kiến thức của mình vào cuộc sống để phục vụ cộng đồng.
Học sinh Việt Nam đạt giải không chỉ là vinh dự cho các em mà còn là minh chứng cho kết quả đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học của thầy cô, của nhà trường - Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn trao đổi. Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh đã góp phần thực hiện chủ trương của Bộ về đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập cùng với việc triển khai các hoạt động khác như dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn, dạy học thực địa, dạy học qua di sản, phương pháp “bàn tay nặn bột”… Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh cũng tạo động lực thúc đẩy giáo viên nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng nhiệm vụ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực của mình.
-Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với giáo dục phổ thông là 97,52%, giảm 1,45% so với năm 2012 (98,97%); trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt 17,85 giảm 5,53% so với năm 2012 (23,38%); tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với giáo dục thường xuyên là 78,08%, giảm 7,39% so với năm 2012 (85,47%). -Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2013 có 2.119 thí sinh đoạt giải, đạt tỷ lệ 50,08% tăng 0,28% so với năm 2013 (49,8%). Đoàn dự thi Olympic Vật lý Châu Á gồm 8 học sinh trong đó 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 1 Huy chương Đồng và 3 bằng khen; Đoàn dự thi Olympic Tin học Châu Á gồm 5 học sinh đoạt giải, trong đó 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2013, Việt Nam đoạt 2 giải Tư. |
PV