Giáo dục “Tôn sư trọng đạo” qua hoạt động Đội

GD&TĐ - Để giáo dục hiệu quả truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, giáo viên Tổng phụ trách Đội có thể thông qua nhiều hoạt động Đội sinh động, thu hút, lôi cuốn đội viên.

Giáo dục “Tôn sư trọng đạo” qua hoạt động Đội

Đó là sáng kiến của cô Phi Thị Thu Hóa - Giáo viên Trường THCS Xuân Giang (Hà Nội).

Những biện pháp dưới đây đã được cô Hóa áp dụng, tạo chuyển biến tích cực cho hóc sinh, thể hiện qua giao tiếp, ứng xử, hành động đối với thầy cô, cha mẹ và những người lớn tuổi một cách đúng mực.

Tổ chức diễn đàn theo chủ đề:

Đưa ra một tiểu phẩm với tình huống thiếu tôn trọng thầy giáo, cô giáo. Tiểu phẩm đó chưa được kết thúc cần đội viên đưa ra cách kết thúc tiểu phẩm.

Có thể khắc sâu hơn kiến thức về tình huống trên, nên đặt câu hỏi vì sao em lại kết thúc như vậy?

Việc đó sẽ thu hút tất cả đội viên trong liên đội có suy nghĩ và hướng giải quyết, cách lập luận khác nhau.

Thi văn nghệ:

Nhân dịp thi đua với chủ đề “Thầy cô và mái trường”, liên đội Trường THCS Xuân Giang đã tổ chức múa hát thông qua hoạt động bình chọn những đội viên, trao thưởng cho tập thể có nội dung múa hát hay nhất, diễn xuất tốt nhất.

Từ việc tham gia vào hoạt động văn hoá - văn nghệ, học sinh được bồi đắp tình cảm yêu quí thầy cô, cha mẹ, những người đã có công dưỡng dục mình.

Thi kể chuyện:

Liên đội Trường THCS Xuân Giang đã phát động phong trào thi kể chuyện về thầy giáo, cô giáo mà em yêu kính nhất.

Cuộc thi đã cung cấp cho học sinh tiềm năng sáng tạo, góp phần rèn luyện thêm cho đội viên khả năng làm văn, bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy giáo, cô giáo.

Liên đội cũng có những phần quà nhỏ dành cho cá nhân, tập thể có bài kể chuyện hay nhất.

Để tổ chức tốt được những hoạt động này, liên đội cần chuẩn bị tốt một số điều kiện như: Ban giám khảo, hình thức tổ chức, sự nhiệt tình, năng động của đội viên…

Tận dụng các ngày lễ lớn:

Trong năm học có một số ngày lễ lớn có liên quan đến chủ đề “Tôn  sư trọng đạo” như ngày 20/11, 22/12 và ngày 26/3 ...

Nhân dịp những sự kiện này, liên đội phối hợp với các tổ chức trong nhà trường như Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm… triển khai nhiều nhiều hoạt động với các hình thức đa dạng, phong phú lôi cuốn đội viên liên đội tham gia.

Ví dụ, hoạt động làm báo tường, tập san. Đây là hoạt động thu hút nhiều đội viên trong tham gia. Nội dung bài báo tường có xã luận, thơ, truyện ngắn, tranh vui, âm nhạc, hòm thư góp ý... do học sinh sưu tầm hoặc tự sáng tác ca ngợi công ơn thầy cô giáo và mái trư¬ờng.

Nhân những ngày lễ lớn, liên đội cũng có thể phát động phong trào thi đua giành nhiều hoa điểm tốt, tiết học hay, ngày học tốt.

Phong trào được tổng kết, đánh giá, động viên tuyên dương kịp thời, đặc biệt đối với đội viên tiêu biểu trong các chi đội.

Trong các đợt thi đua đó các đội viên có những phần quà nhỏ nhưng rất có ý nghĩa giúp các em phấn đấu trong học tập và rất tự hào trong kết qủa học tập của mình.

Kết hợp với các lực lượng giáo dục:

Công tác giáo dục truyền thống nói chung, giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” nói riêng cho đội viên là nhiệm vụ của tất cả tổ chức trong nhà trường, trong đó có Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên...

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm là người gắn bó gần gũi nhất với đội viên, cũng là người trực tiếp quản lí và giáo dục các em.

Dựa vào thế mạnh đó, liên đội kết hợp chặt chẽ với đội ngũ này để giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đạt kết quả cao.

Thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp:

Trong phân phối chương trình, hoạt động ngoài giờ lên lớp đã được đưa vào hoạt động chính khoá trong nhà trường. Đó là điều kiện thuận lợi để liên đội lồng ghép vào việc giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cho đội viên thông qua một số hoạt động cụ thể.

Điều đáng qua tâm hơn nữa, các tiết hoạt động ngoài giờ theo chủ điểm tháng, mỗi tháng có một chủ điểm rất phù hợp với từng khối lớp, được gắn kết chặt chẽ truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Giáo dục thông qua tấm gương thầy cô:

Học sinh có được truyền thống đạo lí “Tôn sư trọng đạo” hay không trước hết còn bởi tấm gương thầy cô giáo. Do tâm lí lứa tuổi, các em thường suy nghĩ và hành động theo các tấm gương của người lớn.

Muốn hình thành trong học sinh thái độ tích cực với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, bản thân mỗi thầy cô cần luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Người giáo viên tổng phụ trách không phải là ngoại lệ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ