Câu chuyện từ thực tế
Theo cô Nguyễn Thị Th – giáo viên trẻ trường TH Văn Bán , thời gian đầu làm việc tại trường do chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt đối với những học sinh cá biệt và những học sinh mắc lỗi.
Cô cảm thấy rất bực mình, nhiều lúc không kiềm chế được nên đã mắng học sinh khi các em đi học muộn, không thuộc bài, đánh nhau bị ghi sổ đầu bài làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lớp. Tuy nhiên, sau những lần như thế cô thấy học sinh cũng không thay đổi và cũng không có kết quả gì.
Khi áp dụng kỷ luật tích cực, cô cảm thấy không khí trong lớp không còn căng thẳng như trước. Do được động viên, khuyến khích, được lắng nghe và khuyên bảo nhẹ nhàng nên học sinh đã biết nghe lời hơn và biết tự giác nhận khuyết điểm khi mắc lỗi.
Chị Hoàng Thu Hòa- Yên Viên (Hà Nội) chia sẻ: Trước đây giữa tôi và con trai sáng nào cũng có xung đột xảy ra do con không chịu dậy để di học. Sau khi áp dụng PPKLTC, buổi tối trước khi đi ngủ, cả nhà tôi đều nói chuyện, cam kết với nhau ngày mai phải thi đua dậy sớm đúng như chuông báo thức.
Tôi đã bày tỏ sự tin tưởng vào việc thực hiện đúng cam kết của cháu. Tôi tìm lời lẽ khích lệ, nhằm vào lòng tự trọng để khuyến khích con. Kết quả tuyệt với ngoài mong muốn. Con tôi đã thay đổi mà gia đình tôi không cần phải làm gì vất vả, căng thẳng…
Cũng theo chị Hòa, ngày trước khi con trai không nghe lời, không có cách nào hay hơn là phải đánh cho sợ nhưng từ khi áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực thấy khá thành công với con trai. Điều này đã giúp chị đúc rút được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng ứng xử với con đó là bảo ban, dạy dỗ mà không cần phải đánh mắng.
Cô Nguyễn Thị Nhung (Vĩnh Linh – Quảng Trị) kể: Đầu năm học, khi nhận lớp học với gần 30 học sinh, cô đã phát hoảng khi nhận thấy trong lớp có tới 5 học sinh nam thuộc diện cá biệt. Các em luôn là trung tâm quậy phá của lớp và cản trở việc học tập cũng như thành tích chung của tập thể.
Trong lớp các em luôn nói chuyện, gây rối, không chịu nghe giảng và làm bài tập. Khi lớp tổ chức hoạt động ngoại khóa, các em không chịu tham gia mà đạp xe vòng quanh và trêu đùa các bạn. Trong số 5 em có 1 em là đại ca ngầm của lớp. Khi em chỉ đạo ngầm điều gì thì đa số các bạn nam trong lớp phải nghe theo. Đa số các lời chỉ đạo đó lại mang tính quậy phá.
Thầy cô có thể vỗ bàn, đập ghế và mắng mỏ, đe nạt. Có thể ra những hình phạt nặng nề… nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả với nhóm học sinh này. Thời gian đầu làm quen với lớp, cô Nhung hiểu rằng những biện pháp cứng rắn với các học sinh này dường như phản tác dụng. Khi các em quậy phá, cô cố gắng không tức giận, tìm cách an ủi bản thân, thậm chí cố cười trừ để bình tĩnh hơn và tìm hướng giải quyết.
Và cách cô đã làm đó là: Viết thư động viên khích lệ kịp thời và cả khích tướng phù hợp… khiến các em trở nên thân thiện gần gũi. Mặt khác cô còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng học sinh, trao đổi tư vấn với phụ huynh và người thân các em. Cô cũng tin tưởng dần dần giao nhiệm vụ chung để các em hoàn thành…
Và những nỗ lực của cô đã khi áp dụng PPKLTC đã được đền đáp. Lớp của cô luôn được biểu dương và đi đầu trong các phong trào của trường. Học sinh của cô trở nên thân thiện cởi mở và hợp tác. Tình cảm cô trò trong lớp hòa đồng gần gũi và đoàn kết hơn.
Để giáo dục bền vững
Giáo dục phương pháp kỷ luật tích cực là một phương pháo giáo dục vừa đảm bảo tính khoa học, vừa có giá trị nhân văn nhất trong thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh ở các nhà trường hiện nay. Phương pháp này cần được chia sẻ, nhân rộng ở mọi môi trường giáo dục.
Phương pháp kỷ luật tích cực đã giúp cho học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu rõ hơn về quyền, bổn phận của mỗi người. Giúp học sinh tự tin hơn trong hoạt động và giao tiếp. Học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động nói trên. Đặc biệt, giúp cho mối quan hệ thầy trò bình đẳng, thân thiện hơn. Học sinh sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô những suy nghĩ mà mình e ngại.
Phương pháp kỷ luật tích cựccũng làm cho đội ngũ các thầy cô giáo phong phú thêm về vốn tri thức, về chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết hơn về tâm sinh lý của trẻ, thấy được trách nhiệm nhiều hơn, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay trong việc giáo dục trẻ, tránh được hiện tượng sát phạt mắng xúc phạm đến thân thể hoặc tinh thần, danh dự trẻ…
Đến nay, vẫn có những phụ huynh, giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa vai trò của phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh. Để giáo dục học sinh thành công thì mỗi giáo viên cần được trang bị, nâng cao nhận thức về phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh; Giáo viên, cũng như các nhà trường cần giúp học sinh thực hiện các quy định bắt buộc của nhà trường với tính tích cực, tinh thần tự giác cao.