Giáo dục miền núi nỗ lực mở rộng dạy học 2 buổi/ngày

GD&TĐ - Với điều kiện của một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, huyện miền núi Tây Trà nỗ lực huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư, mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, mô hình dạy học 2 buổi/ngày đã được địa phương triển khai áp dụng và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

Số lượng trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở huyện miền núi Tây Trà liên tục được mở rộng
Số lượng trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở huyện miền núi Tây Trà liên tục được mở rộng

Giải pháp nâng cao chất lượng GD miền núi

Năm học 2017 - 2018, toàn huyện Tây Trà có 10/10 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó có 4 trường dạy học 2 buổi/ngày với 9 - 10 buổi/ tuần, với 61 lớp có 100% số lớp từ lớp 1 - 5 học tập cả ngày tại trường; 6 trường còn lại tổ chức dạy 7, 8 buổi/tuần; toàn huyện còn khoảng 32 lớp chưa tổ chức dạy 2 buổi/ ngày.

Thầy Phạm Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), cho hay: Qua tình hình thực hiện dạy 2 buổi/ngày ở huyện Tây Trà trong những năm gần đây, kết quả cho thấy rằng, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là giải pháp tối ưu nhất để đổi mới quản lý nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả GD đối với huyện miền núi.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tạo điều kiện cho các trường học có thời gian để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo môi trường học tập lành mạnh, thân thiện cho HS; việc dạy các tiết dạy tăng cường ở buổi thứ hai tạo mối quan hệ gần gũi giữa giáo viên và HS, phân hóa được đối tượng HS trên lớp. Tạo được sự quan tâm các tổ chức trong và ngoài xã hội để tăng cường chăm lo cho việc dạy và học của nhà trường, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất được tăng cường, góp phần vào việc dạy học 2 buổi/ ngày.

Thầy Phạm Sơn nhìn nhận: Khi tổ chức mô hình dạy học 2 buổi/ ngày đã góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải cho HS. HS không phải làm bài tập, học ở nhà vì đã có thời lượng ở buổi thứ hai để giải quyết các bài tập, học thêm tại trường...

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, mở rộng dạy học 2 buổi/ngày

Tuy nhiên, theo thầy Sơn, hiện nay, việc thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày tại các trường học trên địa bàn huyện Tây Trà vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc và thách thức. Đó là, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học; tình trạng thiếu phòng học (lớp/phòng), phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà ăn, bếp ăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập chưa đảm bảo. Biên chế định mức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định phải đạt 1,5 giáo viên /lớp, nhưng trên thực tế, ở huyện Tây Trà số lượng mới chỉ đạt 1,3 giáo viên/ lớp (tính cả hợp đồng). Giáo viên bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhân viên đa số là hợp đồng, chưa đảm bảo số lượng định biên theo quy định.

Thầy Sơn cũng thẳng thắn nêu rõ, để đạt được mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, huyện Tây Trà cần huy động được cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ. Trong đó, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBQL, giáo viên, phụ huynh HS về công tác dạy học 2 buổi/ngày.

Theo đó, tập trung các nguồn lực đầu tư, bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu GD toàn diện cho HS. Các trường tiểu học cần phải tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để tăng cường đầu tư kinh phí, xây dựng đủ các phòng học 1 phòng/lớp, các phòng chức năng, sân chơi bãi tập, nhà ăn, ở bán trú và các phương tiện dạy học khác, đáp ứng đủ yêu cầu dạy học của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ