Tham dự hội thảo có GS.TS Trần Công Phong - Phó trưởng ban chỉ đạo, Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục VN; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc cơ quan Bộ GD&ĐT cùng đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, các nhà khoa học cán bộ quản lý các cấp, các trường ĐH, CĐ, các tổ chức quốc tế và các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật trong toàn quốc….
Hội thảo được tổ chức để các nhà quản lý, các cán bộ khoa học công bố các thành tựu khoa học đã đạt được trong những năm qua, chỉ ra những vấn đề, những lĩnh vực cần đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới đồng thời cũng là cơ hội để kiến nghị lên các cơ quan quản lý chức năng, các cấp trong việc ban hành các chính sách cho người dạy người học và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng to lớn của các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trên mọi miền Tổ quốc đồng thời bày tỏ sự cảm ơn trân trọng các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các cá nhân đã có nhiều đóng góp to lớn cho giáo dục học sinh khuyết tật trong những năm qua.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Từ những kết quả đã đạt được, các nhà khoa học, các thầy cô giáo hãy tiếp tục đổi mới, sáng tạo, với lòng nhân ái, yêu thương học sinh khuyết tật luôn là những người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học giáo dục đặt biệt.
Làm thế nào để huy động tối đa học sinh khuyết tật được đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho ucác em, giúp các em có thể trở thành những công dân độc lập có thể chủ động trong cuộc sống và hòa nhập xã hội".
Từ năm 1976, Viện Khoa học giáo dục VN đã thành lập Ban Tật học, đơn vị sự nghiệp đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục đặc biệt này.
Trong những năm gần đây, một loạt các khoa Giáo dục đặt biệt đã được thành lập ở các trường ĐH và CĐ Sư phạm trong toàn quốc.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo cùng với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác cũng có cùng sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục học sinh khuyết tật đã có sự phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học giáo dục VN trong việc nghiên cứu và triển khai các mô hình, phương thức và kỹ năng đặc thù dạy học sinh khuyết tật.
Đã có hàng trăm đầu sách, công trình nghiên cứu, đề tài NCKH được công bố về tất cả các lĩnh vực, cụ thể như tư vấn việc ban hành các chính sách cho người dạy, người học, về quản lý giáo dục, xây dựng chương trình, sách giáo khoa, nghiên cứu và triển khai các mô hình giáo dục, xây dựng ký hiệu chữ nổi cho người mù, ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc và hàng loạt các công bố về đánh giá, kỹ thuật, kỹ năng chuyên biệt trong chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục học sinh có các dạng tật khác nhau…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chuyên đề: Chính sách và phát triển nguồn nhân lực giáo dục trẻ khuyết tật; Đánh giá hiệu quả Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Đánh giá can thiệp sớm giáo dục trẻ khuyết tật; Đánh giá chất lượng hòa nhập học sinh khuyết tật.