Giáo dục ĐH Việt Nam nhìn qua xếp hạng

GD&TĐ - Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS Unversity Rankings 2019, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH lọt top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới và 7 ĐH “lọt” top các ĐH hàng đầu châu Á.   

Trong phòng thực hành CNTT tại ĐH quốc gia Hà Nội
Trong phòng thực hành CNTT tại ĐH quốc gia Hà Nội

Đây là những thành tích nổi bật của giáo dục ĐH của Việt Nam sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Môi trường dành cho giáo dục ĐH ngày nay không ngừng mở rộng trên phạm vi toàn cầu - không những vượt ra ngoài khuôn khổ các chương trình trao đổi sinh viên truyền thống và thỉnh giảng của học giả mà còn bao trùm lên cả những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới và cạnh tranh theo cơ chế thị trường giữa các trường ĐH.

Để theo kịp xu thế toàn cầu, Nghị quyết số 29-NQ/TW đặt mục tiêu Việt Nam có một số trường và ngành đào tạo ĐH ngang tầm khu vực và quốc tế. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục ĐH của Việt Nam đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Trong Bảng xếp hạng ĐH thế giới 2019 được QS World University Rankings (QS) của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds của Anh công bố ngày 7/6/2018, lần đầu tiên Việt Nam có hai đại diện nằm trong top 1.000 trường ĐH ưu tú nhất toàn cầu là ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong Bảng xếp hạng ĐH châu Á của QS, thứ hạng của các trường ĐH của Việt Nam cũng liên tục tăng. Mới đây nhất, Việt Nam góp mặt 7 ĐH (tăng 1 trường so với năm trước), lần lượt theo thứ hạng là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng.

Trong đó, ĐHQG Hà Nội với vị trí 124, tăng 15 bậc so với vị trí 139 của năm trước, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 261 - 270, tăng 30 bậc so vị trí 291 - 300 của năm 2017. Chưa kể, thứ hạng nêu trên chưa phải bức tranh toàn cảnh thực trạng giáo dục của Việt Nam, do nhiều ĐH vẫn chưa đăng ký kiểm định với QS nên chất lượng đào tạo tuy rất tốt nhưng chưa có tên trong bảng xếp hạng.

Để tiếp tục tăng thứ hạng, các chuyên gia cho rằng, trường ĐH cần chú trọng hơn đến công bố quốc tế; thu hút nhân tài, mời giảng viên nước ngoài đến trường thỉnh giảng, tham gia giảng dạy lâu dài. Bộ GD&ĐT cần xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu công bố quốc tế của các trường ĐH của Việt Nam, bao gồm các bài báo công bố quốc tế và các tác giả có bài báo công bố quốc tế.

Cơ sở dữ liệu này có thể được sử dụng làm một trong các tiêu chí xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam và cũng là nơi truy cập mở cho các giảng viên để nâng cao năng lực nghiên cứu và gia tăng công bố khoa học có chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng cần thành lập một tổ chức xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam, sử dụng ngay phương pháp luận của QS, để có thể định vị một cách chính xác vị trí của các trường ĐH của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhà nước cần đầu tư hơn nữa và tạo điều kiện để có thể tăng số lượng sinh viên đi trao đổi, học tập tại các nước khác trên thế giới…

Nhưng phải nói rằng, sự thay đổi ngoạn mục trong xếp hạng ĐH của Việt Nam là thành tích rất đáng kể, đáng tự hào của giáo dục ĐH Việt Nam. Bởi năm 2012, khi Nghị quyết 29 chưa được ban hành, Việt Nam chỉ có duy nhất ĐHQG Hà Nội có tên trong Bảng xếp hạng ĐH hàng đầu châu Á. Đây cũng là minh chứng sống động cho việc Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai hiệu quả, gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Mặc dù còn một số hạn chế làm cho thứ hạng của ĐH Việt Nam trên trường quốc tế chưa được cao, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của các trường ĐH, của đội ngũ giảng viên cũng như của người học, sự tham gia góp ý, hỗ trợ của người sử dụng lao động và các bên liên quan, giáo dục ĐH của Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tích cao hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ