Tỷ lệ sinh viên/vạn dân tăng nhanh
Theo Báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ nói chung phù hợp với định hướng quy hoạch, góp phần phát triển nhanh quy mô GDĐH.
Trong hơn 10 năm qua, hệ thống GDĐH đã phát triển rộng khắp cả nước với sự đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, với số sinh viên, số ngành đào tạo, số trường không ngừng tăng, cung cấp nguồn lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau đại học (SĐH) phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đa số ĐBQH nhất trí cao với Báo cáo Giám sát của UBTVQH. |
Bằng nhiều phương thức khác nhau, từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH); 9 trường ĐH được nâng cấp từ khoa trực thuộc ĐHQG, ĐH vùng; 7 trường ĐH được thành lập theo phương thức sáp nhập, chia tách và có 58 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoàn toàn. Nhờ đó, 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường ĐH, CĐ mới.
Kết quả cho đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ (chiếm 98%), trong đó 40 tỉnh, thành có trường ĐH (63%) và 60 tỉnh, thành có trường CĐ (95%).
Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường ngoài công lập (48 trường ĐH, gồm cả Trường ĐH RMIT Việt Nam, Trường ĐH Anh Quốc và 30 trường CĐ). Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên, tăng 13 lần so với năm 1987; tỷ lệ sinh viên/số dân năm 1997 là 80 sinh viên/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân. |
Về đào tạo sau đại học, hiện tại cả nước có 142 cơ sở (73 trường ĐH và 69 viện nghiên cứu) được giao nhiệm vụ đào tạo (không kể 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng - an ninh), trong đó có 30 đơn vị (28 trường ĐH và 2 viện nghiên cứu) chỉ đào tạo trình độ ThS, 56 cơ sở (45 trường ĐH và 11 viện nghiên cứu) đào tạo cả ThS và TS và 56 viện nghiên cứu chỉ tham gia đào tạo trình độ TS. Tổng quy mô đào tạo SĐH năm 2008 - 2009 là 57.479 học viên, trong đó có 5.359 nghiên cứu sinh và 52.120 học viên cao học.
Số trường ĐH, CĐ ở vùng sâu, vùng xa tăng lên
Việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ đã chú ý đến cơ cấu vùng miền và tạo điều kiện cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn.
Số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng khó khăn đã được tăng lên, tạo điều kiện cho con em các tầng lớp nhân dân địa phương, con em người nghèo, miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với GDĐH. Cụ thể, trong giai đoạn 1998 - 2009, khu vực Tây Bắc có 8 trường ĐH, CĐ được thành lập (trong đó, thành lập mới 1 trường và nâng cấp 7 trường); khu vực Bắc Trung Bộ có 22 trường được thành lập (trong đó, thành lập mới 3 trường và nâng cấp 19 trường); thành lập 35 trường ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (trong đó, thành lập mới 9 trường và nâng cấp 26 trường) và 34 trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (4 trường thành lập mới và 30 trường được nâng cấp).
Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được học ĐH, CĐ ngày càng đông. Bình quân 5 năm, từ năm 2004 đến 2008, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy có hộ khẩu thường trú tại vùng cao miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 26,29%, số sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 4,71%, số sinh viên từ khu vực nông thôn và miền núi là 64,5% và số sinh viên nữ là 51,6% so với tổng số sinh viên trúng tuyển.
GDĐH đã được tích cực xã hội hóa
Khối các cơ sở GDĐH ngoài công lập phát triển nhanh, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục.
Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 trường ĐH ngoài công lập, đến hết tháng 9/2009 con số này là 78 trường, tăng 5,2 lần, góp phần tăng quy mô đào tạo của khối ngoài công lập lên 218.189 sinh viên vào năm học 2008 - 2009, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước.
Các trường ngoài công lập chủ yếu được thành lập theo phương thức xây dựng mới hoàn toàn (52/58 trường thành lập mới hoàn toàn từ năm 1998 đến 2009 là trường ngoài công lập, chiếm tỉ lệ 89,7%). Tuy các trường còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc hình thành cơ sở vật chất, đội ngũ CB, GV và kinh nghiệm tổ chức đào tạo nhưng phương thức này cho phép huy động được sự đóng góp của các nhà đầu tư để xây dựng các trường ĐH, CĐ, góp phần thực hiện xã hội hóa (XHH) GDĐH, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho GDĐH còn hạn hẹp.
Phần lớn các trường mới được thành lập đều cố gắng thực hiện những cam kết trong đề án thành lập trường.
Hội đồng Quản trị các trường ngoài công lập và Ban Giám hiệu các trường công lập đều thể hiện quyết tâm và xác định lộ trình cụ thể trong việc xây dựng và phát triển nhà trường về đất đai, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ,...
Sau 2 - 3 năm thành lập, một số trường (như Trường ĐH Thành Đô, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Thành Tây...) đã được cấp đất và đang tích cực xây dựng cơ sở vật chất; có trường đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành, thí nghiệm.
Chất lượng đào tạo chung hoặc chất lượng đào tạo của một số ngành đào tạo trong không ít các trường mới được thành lập ngày càng được xã hội tín nhiệm (như các trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN, ĐH Quốc tế thuộc ĐHQGHCM, ĐH Thăng Long,…).
Kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy tuy còn nhiều khó khăn nhưng các trường sau khi được thành lập đều hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ mục đích ; trong các công tác tuyển sinh, đào tạo, chưa xảy ra những sai sót nghiêm trọng đáng tiếc; không có tình trạng xin đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng.
Quang Anh