Giáo dục đạo đức trong trường phổ thông: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Giáo dục đạo đức trong trường phổ thông: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

(GD&TĐ) - Hôm nay (2/7), tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát công tác GD đạo đức trong các nhà trường phổ thông. Hội nghị do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì.

Tham dự  Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý; ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội...

123
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị

Cần nhiều hơn trách nhiệm từ gia đình

Đánh giá của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy: Với mục tiêu GD thế hệ trẻ trở thành người toàn diện, hội tụ đủ các tiêu chuẩn “Đức - Trí - Thể - Mỹ”, những năm qua Bộ GD&ĐT đã dành ngày càng nhiều sự quan tâm hơn đến công tác GD đạo đức cho HS.

Đặc biệt là đào tạo đội ngũ giáo viên, cải tiến nội dung chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, tiến bộ; lồng ghép GD đạo đức vào nội dung các môn học; chủ động phối hợp với các chính quyền địa phương và tổ chức  đoàn thể nhằm xây dựng môi trường sư phạm tốt, tăng cường quản lý HS ở trường, ở gia đình và xã hội...

Công tác này đã được ngành GD triển khai gắn với đặc thù của từng cấp học theo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhiều địa phương cũng đã xác định GD đạo đức là nội dung quan trọng trong GD toàn diện cho HS. Nhiều cơ sở GD đã có những sáng kiến, biên soạn và đưa vào giảng dạy làm phong phú thêm cho môn học, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD đạo đức trong các nhà trường...

Từ những cách làm hay, những sáng kiến, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhiều nhà trường đã đào tạo ra những lớp HS có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân, hiểu và thực hiện tốt các chuẩn mực, các hành vi đạo đức trong cuộc sống và giao tiếp ứng xử.

Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy đã xuất hiện nhiều hiện tượng HS vi phạm chuẩn mực đạo đức, có lối sống buông thả, vô cảm; thậm chí đã có không ít trường hợp vi phạm pháp luật… Từ đó, dư luận dấy lên mối  ngại về sự xuống cấp đạo đức trong giới trẻ hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, thực tế trong xã hội hiện nay, khi thấy HS trường này, trường kia có các hành vi vi phạm pháp luật, thái độ chưa ngoan… người ta thường “đổ lỗi” cho ngành GD. Không thể phủ nhận, có một số đơn vị trường học còn GD đạo đức cho HS chưa triệt để, chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc với hành vi vi phạm của HS. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ nguyên nhân về phía nhà trường sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Bởi HS hư, vi phạm pháp luật còn bắt nguồn từ phía gia đình.

“Hiện không ít gia đình do mải mê làm ăn, kiếm sống không chú ý, quan tâm đến con mình nghĩ gì, làm gì, học gì. Cũng còn những bậc cha mẹ chưa làm gương cho con cái. Thậm chí, có phụ huynh còn mang tư tưởng giao phó việc dạy dỗ con em cho giáo viên, cho nhà trường… Cùng với đó là sự tác động của những tiêu cực xã hội (những tin giật gân được nhiều trang điện tử đăng tải) lên tâm lý của HS. Ở lứa tuổi mới lớn, các em đón nhận những mặt trái của xã hội một cách thụ động, lệch lạc, không nghĩ tới hậu quả...”, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh.

123
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nội dung giảng dạy các môn học sẽ đổi mới toàn diện, trong đó có môn GD đạo đức trong nhà trường.

Xã hội cũng phải là “nhà trường” của giới trẻ

Báo cáo khảo sát của đoàn giám sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại 3 miền thuộc 7 tỉnh, thành phố, với 43 lớp của 22 trường học, cho thấy: Hiện đang có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng dạy và học đạo đức chỉ cần thông qua môn Đạo đức và GD công dân là đủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ: Kiến thức trong những môn học nào cũng có tính GD, vấn đề là người dạy biết lồng ghép trong mỗi bài học để định hướng tư tưởng cho HS.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đã đến lúc thay vì dạy HS những bài học đạo đức xa vời, các nhà trường cần GD cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay GD về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội. Nhiệm vụ của ngành GD là phải tìm ra các hình thức sinh hoạt hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho HS. Cũng như vậy, để GD đạo đức cho con em mình, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, là tấm gương cho con cái noi theo.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, GD đạo đức lối sống cần phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữ gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy các môn học cũng sẽ phải đổi mới toàn diện, trong đó có môn GD đạo đức trong nhà trường.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chỉ rõ những mặt được cũng như chưa được trong công tác GD cho HS. Trong đó, đặc biệt quan trọng là vai trò của các nhà trường.

Đối với Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần sớm rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình để có thay đổi phù hợp với thực tiễn và tâm lý học trò. Nghiên cứu, xem xét khả năng tăng thời lượng một cách hợp lý cho môn đạo đức - GD công dân. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bổ sung đội ngũ giáo viên GD công dân còn thiếu trong trường phổ thông; nghiên cứu, ban hành chính sách thống nhất hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy môn học này.

Đặc biệt Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu, cụ thể hóa nguyên lý GD kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thành những quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, bên cạnh sự tăng cường phối kết hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể khác...

Phó Chủ tịch nước đề nghị: Cần xây dựng được một môi trường GD tốt; rộng lớn là xã hội và nhà trường, nhỏ là gia đình và lớp học để HS được học tập và rèn luyện trở thành những công dân có đức, có tài.

“Tuổi trẻ, nhất là HS - SV, nhiệm vụ trọng tâm là học tập tốt và rèn luyện tu dưỡng đạo đức. Bởi đạo đức do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Đây phải xem là việc làm thường xuyên, tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức, sống chân thành, trung thực, yêu thương con người, có lòng nhân ái trong quan hệ với con người và cộng đồng, có hành vi ứng xử văn hóa.

 Trách nhiệm của xã hội là phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, góp phần khắc phục sự suy thoái về đạo đức trong xã hội nói chung và trong trường học nói riêng. Có như vậy mới nuôi dưỡng và phát triển con người”.

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ