Giáo dục đạo đức cho học sinh: Tăng cường tính trải nghiệm, tương tác

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức là một hoạt động quan trọng trong nhà trường, là đề tài đã được đề cập rất nhiều trong các cuộc hội thảo của ngành giáo dục, nhưng không phải đã hết những vấn đề trăn trở. Trong cuộc trò chuyện với Báo GD&TĐ, TS Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM) đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường tính trải nghiệm, tương tác với cuộc sống trong giáo dục đạo đức cho học sinh.

Giáo dục đạo đức cho học sinh: Tăng cường tính trải nghiệm, tương tác

PV: Thưa ông, phương pháp giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường hiện nay khác trước đây như thế nào? Đâu là mặt mạnh, thuận lợi? Đâu là khó khăn, tồn tại?

Giáo dục đạo đức cho học sinh: Tăng cường tính trải nghiệm, tương tác ảnh 1 TS Huỳnh Công Minh

TS Huỳnh Công Minh: Giáo dục đạo đức trong nhà trường chúng ta xưa nay luôn được tôn trọng, tuy mức độ đầu tư có khác nhau. Có giai đoạn nội dung giáo dục đạo đức chỉ được tích hợp vào các môn học khác hay thể hiện qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn thể.

Giai đoạn gần đây đạo đức được thể hiện thành môn học ở tiểu học và giáo dục công dân ở trung học. Lực lượng giáo viên dần dần được xây dựng, ban đầu dạy ghép, sau đó trở thành chính quy, hầu hết giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn.

Về nội dung chương trình, thực hiện qua bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT ban hành, cung cấp khá đầy đủ các phẩm chất cần có của con người, tuy cách thể hiện chưa hấp dẫn và chưa làm nổi bật trọng tâm cốt lõi của nhân cách con người ngày nay nên chưa tạo được hiệu quả cao trong quá trình đào tạo.

Điều khác biệt về phương pháp giáo dục hiện nay so với trước đây là xu thế đổi mới phát triển, người giáo viên đã giảm bớt lý thuyết hàn lâm, dành thời gian nhiều hơn cho học sinh trải nghiệm, giải quyết tình huống và tương tác nhiều hơn thông qua thầy cô, bè bạn về những vấn đề mà bài học nêu ra, nâng cao hơn tính vững chắc trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

PV: Từng đi nghiên cứu, trao đổi, tham quan, giao lưu các nước trên thế giới, ông thấy phương pháp giáo dục của họ khác chúng ta những gì?

TS Huỳnh Công Minh: Thật ra phương pháp giáo dục các nước trên thế giới không khác nhau mấy, nếu có khác thì đó là khác về đẳng cấp, về mức tiến bộ. Trên góc độ khoa học giáo dục, ai cũng đều hiểu rằng sự hình thành nhân cách con người là kết quả tổng hòa các mối quan hệ xã hội, ở đó có tác động của gia đình, của xã hội và của nhà trường.

Nhà trường là nhân tố chủ đạo trong quá trình giáo dục nhưng chúng ta không thể loại trừ các tác nhân quan trọng khác là gia đình và xã hội. Trình độ văn hóa của gia đình và xã hội có khả năng phát triển theo cấp số nhân với nội dung giáo dục của nhà trường nhưng cũng có thể làm giảm thiểu, thậm chí triệt tiêu kết quả quá trình giáo dục rất công phu của thầy cô giáo trong nhà trường.

Về giáo dục nhà trường, khoa học giáo dục chỉ ra rằng kết quả học tập của người học bao gồm quá trình nhận thức từ sự lắng nghe, quan sát, ghi chép, trao đổi và vận dụng trải nghiệm trong tâm thế chủ động, tích cực, vui tươi, hăng hái, không thụ động, đối phó.

Nên ở đâu, nhà giáo có điều kiện thực hiện tốt được các yêu cầu nêu trên là nền giáo dục ấy có đẳng cấp cao hơn. Điều kiện cần có của nhà giáo để đẳng cấp giáo dục được nâng cao là triết lý giáo dục phải rõ ràng, đào tạo sư phạm tiến bộ, chế độ chính sách thỏa đáng, thiết chế tổ chức nhà trường và phương thức đánh giá, thi cử phù hợp.

Quan sát hoạt động dạy học của các trường quốc tế, ta thấy ngay đẳng cấp giáo dục ở đây, họ chú ý đến dạy người rất tập trung, không bị áp lực nhiều bởi yêu cầu thi cử. Sĩ số trong lớp ít, thiết bị phục vụ dạy học phong phú, đa dạng, quan tâm nhiều đến các hoạt động thực hành trải nghiệm của học sinh.

Nội dung học tập nhẹ nhàng, biến hầu hết các nội dung giáo dục thành những hoạt động để học sinh trải nghiệm, thông qua đó mà học tập rèn luyện, nên trong trường quốc tế, học sinh học tập nhẹ nhàng nhưng hiệu quả cao.

Ở nước ta, đặc biệt tại TPHCM, sự đổi mới phương pháp dạy học nói chung và đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng đẳng cấp mặc dù đang còn những trở ngại chưa được khắc phục một cách hiệu quả và kịp thời.

PV: Hiện đạo đức trong một bộ phận học sinh chưa tốt nếu không nói là xuống cấp! Nhà trường đổ lỗi cho gia đình, gia đình lại phó mặc cho nhà trường. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

TS Huỳnh Công Minh: Thật ra, số học sinh chưa ngoan (tôi tránh dùng chữ “hư”) trong nhà trường thì thời nào cũng có. Vấn đề chưa ngoan ngày nay được nhắc đến nhiều lần, nhiều nơi là do sự quan tâm đặc biệt của các lực lượng xã hội nhiều hơn và những trường hợp lệch chuẩn của một bộ phận học sinh thường xảy ra với tác hại quá lớn, khó chấp nhận được.

Như trên đã phân tích, hoạt động học sinh gắn liền chặt chẽ với cả ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Nên khi một học sinh lệch chuẩn thì tất yếu cả ba môi trường phải xem xét, nhìn nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm cho mình, không nên đổ lỗi cho nhau! Trách nhiệm của gia đình là phải luôn quan tâm gần gũi con trẻ, làm gương tốt và định hướng tốt, chia sẻ được những khó khăn với con em.

Nhà trường phải bằng khoa học giáo dục thu hút học sinh đến với chân, thiện, mỹ; không qua loa đại khái, đối xử thiếu công bằng, tạo những bức xúc thiếu sư phạm.

Xã hội phải xử lý tốt để loại trừ những tệ nạn xã hội, xây dựng tốt môi trường văn minh lành mạnh trong cuộc sống cũng như trên mạng thông tin… Làm không tốt những trách nhiệm nói trên thì giáo dục đạo đức có khó khăn. Nói chung, mỗi trường hợp lệch chuẩn đều có thể tìm ra được nguyên nhân của nó một cách dễ dàng, không đổ lỗi cho ai được.

 

PV: Như vậy chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, phẩm chất học sinh, thưa ông?

TS Huỳnh Công Minh: Trước hết, ở vĩ mô cần xác định rõ triết lý cho toàn bộ hệ thống giáo dục đất nước và toàn xã hội, nâng cao trách nhiệm của xã hội và gia đình trong việc nâng cao dân trí, tinh thần thượng tôn pháp luật, trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc và văn minh của nhân loại.

Trong nhà trường phải thực hiện phương pháp dạy học mới, tăng thực hành trải nghiệm, tạo điều kiện cho học sinh tương tác nhiều với thực tế thay cho phương pháp truyền thụ, khoa bảng, từ chương.

Phải kết hợp tốt giữa khoa học tự nhiên và xã hội một cách hài hòa trong quá trình dạy học để hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ.

Chúng ta phải cảnh giác với thái độ thờ ơ hay bất lực trước những khó khăn, sai trái, lệch chuẩn của trẻ. Tuyệt đối không tạo ra một phế phẩm sư phạm nào cho xã hội.

Và, quan trọng hơn cả là mọi cấp quản lý giáo dục phải tham mưu cho được một cơ chế hoạt động phối hợp tốt các lực lượng xã hội và gia đình, tạo nên môi trường giáo dục hiệu quả để xây dựng và hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ nói chung và học sinh các cấp nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ