(GD&TĐ) - Cùng với hàng loạt chính sách tầm vĩ mô, mang đến cho giáo dục dân tộc nhiều cơ hội, Dự án Phát triển giáo viên THPT và TCCN (DA THPT) với những kết quả đạt được sau 6 năm triển khai đã góp phần tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, với các giải pháp cụ thể và đồng bộ.
Tăng cường cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất cho các trường học vùng đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện |
Phát triển và cải thiện giáo dục trung học phổ thông (THPT) để góp phần xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu chung của DA THPT, với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2006.
DA THPT đã nâng cao cơ hội tiếp cận, tính công bằng và sự tham gia giáo dục THPT ở các vùng khó khăn, thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp thiết bị, giúp xây mới và nâng cấp trường, lớp. Đồng thời, bồi dưỡng tăng cường năng lực dạy học cho giáo viên; hỗ trợ học sinh nữ và học sinh dân tộc thiểu số định hướng nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thông qua các chương trình thông tin tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng sống, về giới, về dân tộc thiểu số...
Đến nay, sau hơn 6 năm, cấp học THPT của các tỉnh khó khăn tham gia Dự án đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, thiết bị cũng như năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tăng cường cơ hội tiếp cận GD THPT đối với những đối tượng khó khăn, đặc biệt là đối với học sinh người dân tộc thiểu số.
Sáu cơ sở đào tạo giáo viên tại các khu vực tập trung đông sinh viên là người dân tộc thiểu số đã được tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị. Hệ thống trường lớp học theo chuẩn cũng tạo tâm lý phấn khởi cho học sinh, giáo viên và nhân dân, làm cho ngôi trường trở thành trung tâm văn hóa đáng tin cậy trong cộng đồng dân cư, thành ngôi nhà thứ hai của mỗi giáo viên và học sinh.
Theo đánh giá của các địa phương, việc xây dựng các công trình trường, lớp học đạt chuẩn đã có tác động tích cực đến việc mở rộng quy mô giáo dục THPT ở vùng khó khăn; tỷ lệ lớp/phòng học giảm, có phòng học bộ môn để thực hành, phòng thư viện đạt chuẩn... góp phần không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng GD THPT.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
HS, SV dân tộc được tạo điều kiện để tới trường |
DA THPT xác định, quản lý giáo dục là khâu yếu và cần có những giải pháp đột phá để tác động đến toàn hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục THPT nói riêng. Vì vậy, Dự án coi đó là nhiệm vụ có ý nghĩa để thực hiện mục tiêu phát triển và cải thiện chất lượng giáo dục THPT.
Dự án có nhiều biện pháp góp phần tăng cường quản lý giáo dục THPT thông qua tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và hiệu trưởng các trường THPT trong toàn quốc để triển khai chương trình và sách giáo khoa mới; đề xuất, thử nghiệm sáng kiến, phương án tăng cường phân cấp quản lý giáo dục THPT.
Dự án đã hỗ trợ các điều kiện cải thiện chất lượng GD THPT như: cung cấp sách, tài liệu, trang thiết bị và bồi dưỡng cán bộ giáo viên, cải tiến hệ thống đánh giá học sinh THPT bảo đảm chất lượng, hỗ trợ công tác thí điểm và triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới.
Nhiều sáng kiến về tăng cường phân cấp quản lý GD THPT và phương án quản lý trường THPT ngoài công lập do dự án nghiên cứu, thử nghiệm đã được chính thức nghiệm thu, được các cơ quan chỉ đạo áp dụng vào thực tiễn.
Mở rộng cơ hội học tập cho HS, SV dân tộc
“Tính đến thời điểm này, Dự án đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của các địa phương, đặc biệt là các trường sư phạm. Dự án đã quan tâm đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất giáo dục, tạo nền móng cho tri thức có cơ hội phát triển và nhân rộng, mang lại thêm nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh vùng khó, đặc biệt là với học sinh người dân tộc thiểu số”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
Đến thời điểm này, chương trình cấp học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và giáo dục dân tộc thiểusố, Dự án đặc biệt chú ý tới bình đẳng giới và nỗ lực hết sức để đảm bảo trên 50% sinh viên/giáo viên nữ được cấp học bổng.
Thực tế có trên 80% sinh viên là người dân tộc thiểu số tại các trường đã nhận được học bổng từ Dự án, với 5.044 suất học bổng cho sinh viên người dân tộc thiểu số được đào tạo thành giáo viên THPT và TCCN, đạt 100,88% kế hoạch (con số dự kiến ban đầu là 5000 suất). Trong đó, số sinh viên nữ chiếm 3.176 suất (tương ứng 63,52%). Đây là con số đáng mừng vì Dự án đã nhân thêm cơ hội học tập và cơ hội cống hiến cho cộng đồng của một bộ phận không nhỏ những người thiếu cơ hội học tập vì lý do kinh tế.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục được Dự án triển khai xây dựng một hệ thống thông tin quản lý giáo dục THPT dựa trên học sinh, phục vụ công tác lập kế hoạch và quản lý giáo dục THPT tốt; xây dựng phần mềm bản đồ trường học và cung cấp cho 22 tỉnh dự án.
Theo Trưởng ban điều hành Dự án Vũ Quốc Chung, đến thời điểm này, các kế hoạch đã cơ bản hoàn thành và phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn.
Với việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Dự án đã góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục THPT trong thời gian vừa qua; hỗ trợ giáo dục THPT ở các tỉnh khó khăn rất kịp thời và hiệu quả; góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh cũng như cộng đồng về các điều kiện bảo đảm chất lượng GD THPT.
Tuy nhiên, đóng góp của Dự án mới chỉ là sự khởi động ban đầu, vấn đề là làm thế nào để phát triển bền vững kết quả trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho sau năm 2015 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
DA THPT được triển khai tại 22 tỉnh khó khăn gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây cũng là những tỉnh có số trường lớp, học sinh và giáo viên THPT thấp, số học sinh là người dân tộc thiểu số cao, chất lượng giáo dục THPT còn nhiều khoảng cách so với các vùng khác. |
Bảo Minh