Nói như GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Giáo dục đại học đang nỗ lực chuyển mình vươn lên đạt chuẩn chất lượng khu vực. Kết quả của việc kiểm định mang nhiều ý nghĩa, nhưng điều quan trọng hơn đó là thông qua hoạt động này, đơn vị được kiểm định xác định được những điểm mạnh, điểm hạn chế cần khắc phục để ngày càng nâng cao chất lượng.
Nỗ lực nâng tầm chất lượng
Ngay trong những ngày đầu năm 2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội hoàn thành đợt kiểm định chất lượng giáo dục cấp trường theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Đây cũng là trường đầu tiên của Đông Nam Á được kiểm định chất lượng trường đại học theo chuẩn AUN-QA. Nói về việc này, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Nguyễn Văn Nội, cho biết: Trường sẽ chú trọng các hoạt động hậu kiểm để không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ, xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành ngôi trường nơi mà các sinh viên, học viên luôn cảm thấy hạnh phúc khi đến học, được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động cộng đồng.
Còn mới đây, ngày 11/3/2017, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đã hoàn thành công tác đánh giá ngoài và chính thức được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) thuộc Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam công nhận đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm KĐCLGD đã tiến hành khảo sát chính thức tại trường. Với 51/61 tiêu chí được công nhận (chiếm 83,6%), Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học. Đoàn đã đưa ra khuyến cáo triển khai các biện pháp nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, chất lượng các hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Trước đó, đầu năm 2016, Trường Đại học Giao thông Vận tải là trường đại học đầu tiên ở phía Bắc và là trường thứ hai trong cả nước được Trung tâm KĐCLGD - ĐHQG Hà Nội chứng nhận KĐCLGD. Theo đó, Giấy chứng nhận KĐCLGD công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, có giá trị trong 5 năm.
Theo Nghị định 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, kết quả KĐCLGD được coi là một trong các điều kiện để thực hiện phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Khẳng định ý nghĩa của việc này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải - cho rằng: Việc đơn vị đào tạo thu nhận được những khuyến nghị khách quan, chi tiết của đoàn đánh giá ngoài là căn cốt để dần xây dựng văn hóa chất lượng trong toàn trường, từng bước đưa trường hội nhập quốc tế.
Việc không thể đừng
Giáo dục đại học đang trong lộ trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ GD&ĐT chủ trương triển khai mạnh việc áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN). Đồng tình với quan điểm của Bộ GD&ĐT, nhiều nhà giáo dục cho rằng chỉ có qua tiêu chuẩn kiểm định chuẩn, khách quan và độc lập thì mới giúp các trường thấy được mình đứng ở đâu trong số các trường đại học Việt Nam và đang ở đâu so với quốc tế.
Có một thực tế là lâu nay, các trường cứ đào tạo, xã hội doanh nghiệp dùng thế nào là việc của họ, thế nên dẫn đến việc chưa bám sát vào nhu cầu thị trường lao động. Đó còn là việc các đại học xem nhẹ hoạt động nghiên cứu khoa học, chính vì thế cần phải qua đánh giá kiểm định để xác định, trường nào đi theo định hướng nghiên cứu, còn phần lớn nên đi theo hướng ứng dụng thực hành.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm KĐCLGD (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam): Việc đánh giá KĐCLGD là chủ trương, xu hướng, điều kiện bắt buộc đối với các trường đại học trên cả nước. Đồng thời cũng là dịp để các trường tự nhìn lại mình, năng lực đào tạo đến đâu, đáp ứng nhu cầu xã hội thế nào, cần có những điều chỉnh gì để phát triển và lớn mạnh lên.
Quan trọng hơn nữa, KĐCLGD độc lập là yếu tố khách quan cần thiết để xã hội có hiểu và biết chính xác về năng lực đào tạo của trường như thế nào. Trong một môi trường giáo dục cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, quyền của người đi học cần phải được tôn trọng và đảm bảo – bà Nga nhấn mạnh.
Là chủ thể của một đơn vị được đánh giá ngoài, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - chia sẻ: Từ thực tế kiểm định ở trường, tôi thấy các thành viên Đoàn Đánh giá ngoài đã làm việc rất nghiêm túc và bài bản, đưa ra các khuyến nghị để nhà trường phát huy được các điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi cho rằng, văn hoá kiểm định đang dần hình thành, nhằm đánh giá và nhìn nhận đúng hơn về chất lượng giáo dục, đồng thời góp phần tích cực vào việc cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục trong cả nước. Theo tôi nên có nhiều trường tham gia, các nhà trường cần phải nhận thức rằng đây không chỉ là nhiệm vụ của một cơ sở đào tạo mà còn là trách nhiệm của mình với người học và xã hội.
Còn nhớ, tại buổi lễ công nhận Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA, bà Nantana Gajaseni - Tổng Giám đốc điều hành đoàn đánh giá của AUN-QA, cho biết: Những đánh giá từ các chuyên gia của AUN sẽ rất hữu ích và có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng về mọi mặt của trường như quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ…, góp phần thúc đẩy phát triển trường theo định hướng đại học nghiên cứu.
Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có thêm nhiều trường đại học được công nhận đạt chuẩn này. Việc đánh giá chất lượng ở cấp độ trường sẽ mở rộng mục tiêu của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á theo hướng đảm bảo chất lượng trường đại học ở Đông Nam Á.