Giáo dục Đại học đóng vai trò là “hệ thống nuôi dưỡng” mọi lĩnh vực trong cuộc sống

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong buổi lễ khai giảng
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong buổi lễ khai giảng

Ngày 6/9, tại buổi lễ khai giảng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ( KHXH& NV) - ĐH Quốc gia TPHCM, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng khi trở về trường cũ dự lễ và chúc mừng năm học 2018 -2019.

"Là một cựu sinh viên của trường, tôi vui mừng vì sự phát triển, vì vai trò ngày càng quan trọng của Nhà trường đối với nền GD nước nhà. Nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực KHXH&NV, là điểm đến của học thuật có uy tín đối với bạn bè quốc tế muốn học tập và nghiên cứu về Việt Nam" - ông Trương Tấn Sang phát biểu.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng với Ban Giám hiệu Nhà trường.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng với Ban Giám hiệu Nhà trường.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao trong lĩnh vực đào tạo những năm qua của Nhà trương: Nhà trường đã đóng góp cho xã hội rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng và họ đang đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong số đó có các nhà khoa học, chính trị gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ uy tín…

Trong những năm gần đây, ngoài những lĩnh vực đào tạo cơ bản, Nhà trường cũng đã đóng góp lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế.

Đây thực sự là một định hướng ngoại giao GD mà Nhà trường rất thành công. Với 13 chương trình đào tạo bậc ĐH liên quan trực tiếp đến các nước như Ngữ văn Anh, Ấn Độ học, Hàn Quốc học, Ngữ văn Italia, Nhật Bản học, Ngữ văn Trung Quôc. Ngữ văn Nga... đã cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực am hiểu các nước, tham gia tích cực vào quá trình phát triển và hội nhập của đất nước... 

Niềm vui của các tân thủ khoa SV, SV và các nghiên cứu sinh nhận được bằng khen của Nhà trường và học bổng từ các nhà tài trợ tại lễ khai giảng năm học mới.
 Niềm vui của các tân thủ khoa SV, SV và các nghiên cứu sinh nhận được bằng khen của Nhà trường và học bổng từ các nhà tài trợ tại lễ khai giảng năm học mới.

Trong thành tựu NCKH, Nhà trường đã có nhiều bước đột phá, KHXH&NV không còn là những tri thức chỉ dành cho các nhà nghiên cứu và các cơ quan nghiên cứu nữa, Nhà trường đã hỗ trợ nhiều tỉnh thành Nam bộ đưa chương trình đào tạo các môn cơ bản vào cấp cơ sở và trung học bớt khô khan, gây niềm hứng khởi trong học tập cho các em học sinh hơn...

Phát biểu tại buổi Lễ khai giảng, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết: Nhà trường là trung tâm đào tạo nhân lực ngành KHXH lớn phía Nam, có lịch sử hơn 60 năm phát triển. Đây cũng là Trường ĐH có nhiều SV quốc tế đến từ các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. 

Hiện trường có hơn 20.000 SV các hệ với 54 chương trình giáo dục thuộc 27 ngành đào tạo bậc đại học, 43 ngành sau đại học và trên 10 chương trình liên kết quốc tế. 

Ông Trương Tấn Sang cho rằng: Theo kinh nghiệm của các quốc gia bạn bè đã thành công, một quốc gia muốn phát triển thì nhất thiết phải có hai yếu tố: một là hệ thống GDĐH có chất lượng và hai là có một lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Trong lĩnh vực KHXH&NV, chất lượng đào tạo không chỉ đo lường bằng trí tuệ, sáng tạo của người học mà còn cả yếu tố nhân cách, nhân bản, tinh thần yêu nước, yêu dân tộc.

Như vậy, GDĐH trở thành “đầu vào” tạo nên sự phát triển đất nước. Mặt khác, GDĐH là đào tạo để trở thành những nhà nghiên cứu, những người thầy theo đúng nghĩa. Theo cách nhìn này, GDĐH là thời gian chuẩn bị để tạo ra những nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực thụ, những người sẽ không ngừng tìm những chân trời kiến thức mới. Chất lượng ở đây hướng về việc tạo ra các công bố khoa học và tinh thần làm việc nghiêm túc để thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.

Từ đó, GDĐH đóng vai trò là “hệ thống nuôi dưỡng” của mọi lĩnh vực trong đời sống, là nguồn cung cấp nhân lực tối cần thiết để phục vụ các công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu để xây dựng đất nước. GDĐH còn tạo ra các cơ hội cho học tập suốt đời, luôn trau rồi đạo đức, nhân cách, cập nhật các kiến thức và kỹ năng thường xuyên theo nhu cầu của xã hội và vì xã hội, vì cộng đồng.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cao vai trò của đội ngũ người thầy bởi người thầy là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả GD, nâng cao dân trí, đào tạo ra những con người xây dựng đất nước. Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi.

Ông Trương Tấn Sang nhận định: Ngày nay, trong quá trình đổi mới GD phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vai trò, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại càng được nhìn nhận đánh giá theo những quan điểm mới. Người thầy còn là người khuyến khích và là động lực cho các học trò không ngừng sáng tạo và phát huy hết khả năng trong học tập và NCKH...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ