(GD&TĐ) - “Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI có đề ra “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, để Nghị quyết của Đảng thực hiện thắng lợi rất cần xây dựng Luật giáo dục sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là phần quy định nói về giáo dục đại học cho cả hệ thống công lập và ngoài công lập, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển ổn định”. Giáo sư – Viện sĩ (GS.VS) Cao Văn Phường – Nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Bình Dương trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại điện tử.
GS.VS.Cao Văn Phường. Ảnh: gdtd.vn |
PV: Nhiều ý kiến cho rằng hiện chưa cần thiết phải có Luật Giáo dục đại học, chỉ cần có Luật Giáo dục hiện hành và nếu cần thiết bổ sung thêm một số điều khoản là đủ, ý kiến của GS.VS về vấn đề này như thế nào?
GS.VS Cao Văn Phường: Từ năm 1945 đến nay, đất nước ta tiến hành chính thức 3 cuộc cải cách giáo dục. Năm 1945, cải cách giáo dục lần thứ nhất, mục tiêu trọng tâm là xóa nạn mù chữ, mù chữ được xem như giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.
Năm 1960, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 với mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục, trong đó hệ thống giáo dục phổ thông được cải tổ lại thành hệ thống 10 năm, mở rộng hệ giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp phục vụ cho kiến thiết đất nước, nội dung và phương pháp giáo dục được cải tiến theo phương hướng cơ bản, hiện đại.
Năm 1979, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 (nghị quyết số 14 NQ/TW ngày 11 tháng 01 năm 1979 của Bộ Chính trị) thống nhất hệ thống giáo dục 2 miền Nam – Bắc, chuyển hệ thống phổ thông 10 năm sang hệ thống phổ thông 12 năm.
Hè năm 1987, Hội nghị Hiệu trưởng đại học tại Nha Trang, Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp đã đưa ra 3 chương trình hành động nhằm đổi mới chương trình, mục tiêu, phương pháp giáo dục đại học, tăng cường tiềm năng cho các đại học đồng thời đa dạng hóa hệ thống giáo dục đại học, bên cạnh các trường đại học công lập còn hình thành các trường ngoài công lập.
Năm 1990, Bộ GD&ĐT có quyết định thành lập Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh, thử nghiệm xây dựng mô hình giáo dục đại học mở, thử nghiệm về tổ chức một đại học không sử dụng ngân sách nhà nước. Sau 2 năm thử nghiệm, năm 1993 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 389/TTg cho phép xây dựng Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18 tháng 01 năm 1995, 300 sinh viên khóa I ngành Anh ngữ, ngành Quản trị Kinh doanh tốt nghiệp, được trao bằng cử nhân. Đây là cột móc đầu tiên của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập hòa nhập hệ thống giáo dục quốc gia.
Ba chương trình hành động của Bộ Đại học chưa phải là cuộc cải cách giáo dục, nhưng chính sách mở trong giáo dục, chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Hồ Chủ tịch đã được thể hiện rõ qua 3 chương trình này.
Một thực tế không thể không thừa nhận trong các cuộc cải cách giáo dục từ những năm 1945 đến nay và các chủ trương, chính sách của Đảng về giáo dục chưa được thể chế bằng pháp luật mà chỉ dừng lại bằng các nghị định, quyết định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2005, Quốc hội mới chính thức ban hành Luật Giáo dục. Qua hơn 6 năm tồn tại, Luật Giáo dục đã bộc lộ nhiều bất cập như: một số quan điểm, chủ trương, chính sách mở của Đảng về giáo dục, các quy định cho phân hệ giáo dục đại học, đặc biệt những vấn đề của đại học ngoài công lập chưa được thể hiện rõ trong Luật giáo dục.
Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phát triển không bình thường, có nhiều nơi chưa đủ điều kiện vẫn được cấp phép mở đến nay không được phép tuyển sinh, nhiều trường có nguy cơ đóng cửa. Một số trường ngoài công lập chuyển sang công lập, đang là trường “mở” trở thành trường “đóng”, trường dân lập chuyển sang tư thục. Nhiều qui định chưa rõ ràng, phức tạp hóa vấn đề làm cho các hoạt động của các đại học ngoài công lập không ổn định. Vậy ai là người chịu trách nhiệm? Trong Luật giáo dục chưa giải quyết được bài toán này.
Theo tôi lần này, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI có đề ra “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, để Nghị quyết của Đảng thực hiện thắng lợi rất cần nghiên cứu kỹ Luật giáo dục sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là phần quy định nói về giáo dục đại học cho cả hệ thống công lập và ngoài công lập, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển ổn định.
Trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân, tân kỹ sư ĐH Bình Dương (ảnh MH) |
PV: Theo GS.VS, điều trọng tâm cần phải chú ý trong Luật Giáo dục đại học là gì?
GS.VS Cao Văn Phường: Để có thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải có sự tham gia đông đủ các ngành kinh tế, tổ chức xã hội, những người hưởng thụ thành quả giáo dục, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, các cơ sở quản lý giáo dục, để có thể làm được điều này, Luật Giáo dục cần ghi rõ những việc gì các cơ sở giáo dục, các thầy cô không được làm, luật không nên quy định cụ thể những việc được làm, có như vậy sẽ tạo thế chủ động cho các cơ sở giáo dục và đội ngũ thầy cô phát huy tính chủ động sáng tạo để tạo nên một hệ thống giáo dục đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của quần chúng lao động.
Luật Giáo dục phải thể hiện rõ chủ trương, chính sách “mở” và “xã hội hóa” giáo dục dựa trên quan điểm “Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển giáo dục.”
Đối với giáo dục đại học, cần làm rõ phân tầng mục tiêu đào tạo. Bất kỳ một sản phẩm nào ra đời đều phải trải qua 2 giai đoạn chủ yếu sau: Từ mục tiêu, yêu cầu chất lượng sản phẩm, giai đoạn đầu hình thành các giải pháp công nghệ, giai đoạn tiếp theo khai thác công nghệ để tạo ra sản phẩm. Để thực hiện giai đoạn I cần có cán bộ khoa học sáng tạo công nghệ hay gọi là kỹ sư, cử nhân nghiên cứu. Cán bộ khoa học thực hiện nhiệm vự giai đoạn khai thác gọi là kỹ sư thực hành. Chương trình đào tạo hai loại kỹ sư này khác nhau chủ yếu ở phần khoa học cơ sở và phần chuyên ngành. Đây là căn cứ khoa học để phân tầng mục tiêu giáo dục đại học, việc phân tầng cần phải làm rõ mục tiêu đào tạo, điều này giúp cho các trường quyết định tỷ trọng và phương thức đầu tư phù hợp, tránh lãng phí, kém hiệu quả. Vì vậy, các đại học nên phân tầng theo mục tiêu và tên gọi các đại học nên phù hợp với tên gọi chung của quốc tế:
- Đại học (University), Đại học Quốc gia (State University).
- Cao đẳng (Colleges).
Không nên đặt quá nhiều tên gọi mà chưa nêu ra được khái niệm như thế nào là trường đại học, đại học , đại học vùng, đại học quốc gia hay đại học quốc tế, học viện,…
PV: Vậy để giải bài toán bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập, theo GS.VS Luật Giáo dục đại học cần hướng đến mục tiêu gì?
GS.VS Cao Văn Phường: Các cơ sở giáo dục đại học công lập, ngoài công lập đều có chung nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Vì vậy, cả trường công hay trường tư, ngoài công lập đều là trường của nhà nước, chỉ khác ở phương thức đầu tư và hạch toán. Vì vậy, các trường ngoài công lập phải được đối xử bình đẳng và công bằng như các trường công lập về mặt nhận thức cũng như các chính sách về thuế, đất đai. Không nên xem các trường ngoài công lập như “doanh nghiệp”, đánh thuế các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập thực chất là đánh thuế người học, cách làm như vậy đi ngược lại với chủ trương và đường lối của Đảng trong việc khuyến khích mọi người dân học tập.
PV: Hiện còn nhiều ý kiến tranh luận về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vấn đề cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận hay lợi nhuận hợp lý trong Luật GDĐH, quan điểm của GS.VS về vấn đề này ra sao?
GS.VS Cao Văn Phường: Tôi nghĩ Luật nên ghi rõ những việc gì các cơ sở giáo dục đại học không được làm, việc còn lại hãy giao cho các cơ sở tự giải quyết. Tuy nhiên tự chủ phải có điều kiện, đó là:
Đại học công lập nếu thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì nhất thiết phải có Hội đồng trường để đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động, đặc biệt trong công tác tài chính.
Đối với trường đại học ngoài công lập, không nên qui định thêm tổ chức ban kiểm soát để kiểm soát tài chính mà nên giao cho các công ty kiểm toán thực hiện hàng năm.
Các trường đại học ngoài công lập có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng được phép xây dựng phân hiệu ở các cơ sở nếu được chính quyền sở tại (cấp tỉnh) đồng ý.
Các trường ngoài công lập (trường không sử dụng ngân sách nhà nước trong tổ chức, hoạt động), Luật nên qui định thực hiện chế độ chỉ định thuế (thuế khoán) (nếu phải nộp thuế doanh nghiệp). Đối với những trường bất vụ lợi (trường có tỷ lệ đầu tư tối thiểu 20% trên tổng thu, dành cho đầu tư phát triển), luật nên qui định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
PV. Xin trân trọng cảm ơn GS.VS!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)