Trung Quốc: Thầy giáo không tay dạy học cho trẻ em nghèo

GD&TĐ - Bị cụt hai tay sau một vụ tai nạn, thầy giáo Jiang Shengfa, 47 tuổi, từng phải đi ăn xin để kiếm sống.

Thầy Jiang lật trang sách bằng miệng.
Thầy Jiang lật trang sách bằng miệng.

Nhờ công việc dạy học và những đứa trẻ nghèo vùng núi Vân Nam, anh Jiang đã tìm lại động lực sống và cống hiến.

Thầy giáo Jiang Shengfa, sống tại tỉnh Vân Nam, bị mất cả hai tay trong một vụ tai nạn điện cách đây 25 năm. Sau vụ việc, vợ Jiang đã bế con trai bỏ đi, để lại người đàn ông với cơ thể thương tật. Ít lâu sau, mẹ của anh cũng qua đời. Trong những thời gian khó khăn nhất, thầy Jiang phải đi ăn xin ở những thành phố lớn.

Cuộc sống của thầy Jiang xoay chuyển khi anh trai nghỉ dạy tại Trường Tiểu học Anle, một ngôi trường nhỏ nằm trong làng, nên đề nghị anh dạy thay. Thầy Jiang là một trong số ít người trong làng đã học hết cấp ba.

Tại ngôi làng nơi Jiang sinh sống, điều kiện của người dân rất khó khăn, nghèo nàn lại xa so với trung tâm huyện. Do đó, khi trường tiểu học tìm kiếm giáo viên, không thầy cô nào sẵn sàng chuyển đến.

Trong khi đó, những người trẻ tuổi, có học thức đều bỏ đi nơi khác. Những đứa trẻ nơi đây có nguy cơ phải bỏ học vĩnh viễn hoặc phải đi học ở những trường xa hơn ở các huyện, thị xã khác.

Thầy Jiang bày tỏ: “Tôi lo lắng rằng mình không thể là giáo viên giỏi vì tôi không có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng nếu tôi không nhận lời, bọn trẻ sẽ phải đi học tại những ngôi trường xa hơn”.

Cuối cùng, anh Jiang chấp nhận đề nghị của anh trai. Hàng ngày, thầy giáo đi bộ 8 km để đến trường tiểu học. Dù vất vả, mức lương hàng tháng của thầy chỉ 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,4 triệu đồng). Tuy nhiên, anh Jiang khẳng định sẽ tiếp tục làm việc không thay đổi, thầy vẫn ở đây và dạy cho những đứa trẻ nghèo ở vùng núi Vân Nam, Trung Quốc.

Anh Jiang phải tự rèn luyện cách sử dụng miệng và khuỷu tay để cầm đồ vật, đặc biệt là cầm phấn. Thầy giáo phải luyện tập nhiều tháng trời để có thể sử dụng phấn thuần thục, viết chữ dễ nhìn. Khó khăn là vậy song nhìn ánh mắt háo hức của học trò, anh Jiang lại tiếp tục cố gắng.

Sau 18 năm công tác, thầy Jiang hiện là một trong những nhà giáo dục được kính trọng nhất ở các vùng nông thôn nghèo Trung Quốc. Khu vực này thường thiếu người trưởng thành trong độ tuổi lao động vì họ đã lên thành phố lớn tìm việc làm, bỏ lại trẻ em và người già. Bản thân Jiang cũng cảm thấy rất vui khi được dạy dỗ những đứa trẻ có cha mẹ đã rời làng lên thành phố với mức lương cao hơn.

Anh Jiang từng được đề nghị làm việc tại một tổ chức giáo dục với mức lương hậu hĩnh song người đàn ông 47 tuổi đã từ chối. Thầy giáo giải thích: “Không phải vì tiền khiến tôi trở thành giáo viên. Chính những đứa trẻ sống trên núi đó là những người đã cho tôi niềm tin và nghị lực sống”.

Trước giờ học, anh nhờ học sinh buộc phấn vào khuỷu tay phải. Anh thậm chí có thể viết thư pháp Trung Quốc bằng cách ngậm bút lông trong miệng. Thầy giáo nhiều lần được khen ngợi vì nét chữ đẹp, cứng cáp.

Chính quyền địa phương đánh giá thầy Jiang đã “nỗ lực đáng kinh ngạc” để mang lại kiến thức cho những đứa trẻ nghèo khó. Nếu không được giáo dục, tương lai của các em sẽ vô cùng khó khăn. Năm 2015, thầy Jiang được nhận Giải thưởng Thắp nến của Quỹ Phát triển Thanh niên Trung Quốc.

“Điều kiện ở trường và trong làng rất khó khăn nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Sau khi gặp tai nạn, cuộc đời tôi chìm trong u tối nhưng chính những đứa trẻ đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, sự tự tin. Các em tiếp thêm cho tôi dũng khí để tiếp tục sống. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn”, thầy Jiang bày tỏ.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ